Hai hãng xe Nhật Bản là Nissan Motor và Honda Motor đang xem xét cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc khi họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ BYD và các nhà sản xuất xe điện khác, theo Nikkei.
Hãng tin Nikkei cho biết Nissan có thể giảm 30% sản lượng hàng năm tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới tới, tương đương khoảng 500.000 xe. Trong khi đó, Honda đang xem xét mức cắt giảm 20% sản lượng xuống còn khoảng 1,2 triệu xe.
Cũng theo Nikkei, Nissan đang tổ chức lại cơ sở sản xuất với các đối tác Trung Quốc và tìm cách tận dụng năng lực dư thừa để sản xuất ô tô xuất khẩu sang các nước khác ở châu Á. Nissan hiện vận hành 8 nhà máy tại Trung Quốc thông qua liên doanh (JV) với Dongfeng Motor.
Honda vận hành bốn nhà máy ở Trung Quốc thông qua một liên doanh với Tập đoàn GAC và ba nhà máy khác thông qua một liên doanh khác với Dongfeng được thành lập vào năm 2004.
Dữ liệu của công ty cho thấy doanh số bán hàng của Nissan, nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba Nhật Bản tính theo số lượng, đã giảm 16,1% tại Trung Quốc vào năm ngoái xuống dưới 800.000 xe.
Về phía Honda, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản sau Toyota Motor, đã giảm khoảng 10% tại Trung Quốc xuống còn 1,2 triệu xe trong khoảng thời gian đó.
Sự tăng trưởng vượt trội của các thương hiệu Trung Quốc đã khiến các đối thủ nước ngoài mất dần thị phần tại nước này.
Nissan cho biết vào tháng 11 rằng họ sẽ bắt đầu xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc sang các thị trường nước ngoài khác từ năm tới, mục tiêu ban đầu là đạt doanh số hàng năm từ 100.000 đến 200.000 chiếc.
Hồi tháng trước, Giám đốc tài chính của Nissan, ông Stephen Ma, dự báo doanh số của công ty sẽ bị điều chỉnh lại do hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.
Trong một dấu hiệu về áp lực mà các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản phải chịu ở Trung Quốc, Mitsubishi Motors đã chấm dứt sản xuất ô tô tại liên doanh của họ ở nước này vào năm ngoái.
“Hãy để cạnh tranh diễn ra”
Ở động thái liên quan, CEO Mercedes-Benz Ola Källenius mới đây muốn Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm thuế đối với ô tô điện Trung Quốc, điều mà ông cho rằng sẽ buộc các công ty châu Âu sản xuất những chiếc xe tốt hơn.
“Đó là nền kinh tế thị trường. Hãy để cạnh tranh diễn ra”, ông nói với Financial Times.
Ô tô Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế 10% ở châu Âu, thấp hơn mức thuế 15% áp dụng cho ô tô châu Âu bán ở Trung Quốc.
“Việc mở ra các thị trường đã dẫn đến sự tăng trưởng của cải, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Nếu chúng ta tin rằng chủ nghĩa bảo hộ là thứ mang lại cho chúng ta thành công lâu dài thì tôi tin rằng lịch sử đã cho chúng ta thấy điều đó không phải như vậy”, ông Källenius nói thêm.
Những chiếc xe nhỏ hơn, rẻ hơn của BYD đã giúp hãng này vượt qua Tesla để trở thành hãng xe điện bán chạy nhất thế giới vào năm 2023. BYD mới đây cũng đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ở Hungary như một phần trong nỗ lực tăng cường mở rộng sang châu Âu.
Chủ sở hữu Renault và Jeep của Pháp, Stellantis trước đây đã kêu gọi EU thực hiện các bước để ngăn chặn các nhà sản xuất ô tô của lục địa này bị đối thủ Trung Quốc xóa sổ.
Ông Carlos Tavares, CEO của Stellantis cho biết vào tháng trước rằng: “Cuộc tấn công của Trung Quốc có thể là rủi ro lớn nhất mà các công ty như Tesla và chúng tôi đang phải đối mặt hiện nay. Chúng tôi phải làm việc rất, rất chăm chỉ để đảm bảo rằng chúng tôi mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt hơn”.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Đức như Mercedes-Benz và Volkswagen đã phản đối cuộc điều tra đang diễn ra của EU. Trung Quốc chiếm hơn 1/3 doanh số bán hàng trên toàn thế giới của Mercedes-Benz, đồng thời họ cũng đã ký thỏa thuận với BYD vào năm ngoái để sử dụng pin LFP Blade của công ty Trung Quốc trong xe điện của chính họ.
Các báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái cho biết Mercedes-Benz đang lên kế hoạch ra mắt mẫu sedan CLA vào năm 2025, sử dụng pin LFP của BYD và có phạm vi hoạt động hơn 450 dặm.
Daimler, chủ sở hữu của Mercedes-Benz và BYD trước đây cũng đã từng làm việc cùng nhau, thành lập một liên doanh xe điện ở Trung Quốc từ năm 2010, theo Electrek.
Vy Ba / Vietnamfinance
Theo Nikkei, Reuters, Financial Times