Theo luật sư, qua clip cho thấy chiếc ô tô đỗ tiếp giáp với đường sắt mà không đảm bảo phạm vi an toàn nên vi phạm luật giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo thông tin ban đầu, khoảng hơn 17h ngày 5/6, anh N. (39 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đỗ ô tô màu đỏ BKS Hà Nội ngay sát đường tàu trong ngõ 104 Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Sau khi tài xế rời xe ra ngoài, đúng lúc này tàu hỏa đi đến. Một số người dân đã hô hoán gọi tài xế đánh xe ra nhưng không kịp. Chiếc xe bị tàu hỏa đâm trúng phần đầu, đẩy đi một đoạn khiến phần đầu ô tô bị hư hỏng nặng.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi dừng đỗ ô tô trong tình huống qua clip là rất nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra tai nạn giao thông, nếu hậu quả nghiêm trọng thì người này sẽ bị xử lý hình sự, nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Qua clip cho thấy chiếc ô tô đỗ sát với đường sắt, khi tàu hỏa đi qua thì đã xảy ra va quệt khiến chiếc xe hư hỏng nặng phần mũi. Điều đáng chú ý là việc đỗ xe như vậy là sai quy định, những người dân xung quanh đều nhận ra và đã cảnh báo, gọi người này đánh xe đi chỗ khác, nhưng người đàn ông này không thực hiện, đến khi anh này chạy ra thì đã muộn.
Luật sư Cường cho biết thêm, qua clip cho thấy chiếc ô tô đỗ tiếp giáp với đường sắt mà không đảm bảo phạm vi an toàn theo quy định của pháp luật nên hành vi đỗ xe này là vi phạm luật giao thông đường bộ và đường sắt. Theo quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì hành vi “Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông” thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hậu quả của vụ tai nạn giao thông này để xác định đã đến mức nghiêm trọng hay chưa, nếu hậu quả vụ tai nạn được xác định là nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của người khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ luật Hình sự. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ chiếc ô tô này thuộc quyền sở hữu của ai, nếu không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của người lái xe, chiếc xe đi thuê, đi mượn và hậu quả thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thiệt hại thiệt hại đối với tàu hỏa hoặc người khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ khởi tố vụ án hình sự theo điều 260 Bộ luật Hình sự để xử lý.
Trong tình huống tai nạn giao thông này, lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển xe ô tô, nên mọi thiệt hại gây ra người này đều phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp xe này mua bảo hiểm thì bảo hiểm có thể chi trả đối với thân vỏ trong trường hợp chủ xe có lỗi. Nếu lỗi thuộc về người khác thì người có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Bởi vậy trong trường hợp người điều khiển chiếc xe này là chủ xe và đã mua bảo hiểm thân vỏ thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại về thân vỏ do có lỗi của chủ xe. Còn trường hợp chủ xe không phải là người điều khiển thì người điều khiển này phải chịu trách nhiệm bồi thường, nếu thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ việc này sẽ là bài học cho nhiều người khi không tuân thủ các quy tắc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bản thân vừa thiệt hại vừa có thể còn vướng vào vòng lao lý. Qua đây, cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đồng thời kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những hành vi dừng đỗ xe sai quy định có thể gây ra tai nạn giao thông để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Gia Đạt / Kiến Thức