Để đảm bảo an toàn giao thông, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng phải đổi tên cao tốc phân kỳ nhằm tách biệt cách thức quản lý, tổ chức giao thông so với cao tốc đạt chuẩn.
Sáng 21/5, tiếp tục ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến góp ý tại dự thảo Luật Đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong báo cáo, ông Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị làm rõ quy định quản lý đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và đường cao tốc do tư nhân đầu tư; đề nghị quy định đường cao tốc có bao nhiêu loại, có làn dừng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét lại định nghĩa đường cao tốc; quy định đường cao tốc tối thiểu phải có 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận giai đoạn vừa qua, do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô hai làn xe nhằm đảm bảo kết nối thông tuyến, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, từ thực tế khai thác cho thấy các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe khi đưa vào khai thác đã gặp một số khó khăn, bất cập nhất định.
Chính vì vậy, từ năm 2023 Thủ tướng đã chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe. Tuy nhiên, việc triển khai theo định hướng này vẫn rất khó khăn do không thể cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện.
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)quan tâm đến Điều 10 quy định cấp kỹ thuật của đường bộ.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 10, ông Cảnh cho rằng, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên.
Theo ông, một số nước đặt tên cho cao tốc phân kỳ 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng khẩn cấp là “đường tốc độ cao”, tổ chức giao thông tương đồng với quốc lộ, chỉ điều chỉnh một số quy định do hai bên không có dân cư sinh sống.
“Đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về đường tốc độ cao để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp”, ông Cảnh nói.
Về Điều 11, đại biểu bày tỏ thống nhất với việc đặt tên, đổi tên và số hiệu đường bộ với các quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đối với đường cao tốc sử dụng nhiều, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần quy định cách đặt tên đường cao tốc sao cho khoa học để người tham gia giao thông thuận tiện cho việc đi lại.
Bên cạnh đó, đường cao tốc ở địa phương nối vào đường cao tốc chính thì cần thêm các kí tự “a, b, c, d…,” và biển chỉ dẫn trên các tuyến đường cao tốc cũng cần được quy định rõ ràng.
Hiện cả nước có nhiều dự án cao tốc đã được phân kỳ đầu tư chỉ có 2 làn xe như Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Yên Bái – Lào Cai, Hòa Lạc – Hòa Bình, Thái Nguyên – Chợ Mới, Tuyên Quang – Hà Giang, Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Thủ tướng Chính phủ mới đây yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, nâng cấp những dự án này lên thành 4 làn xe.
Chí Bình / Vietnamfinance