Sáng 26/5, chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh vấn đề chăm lo nhà ở cho người lao động, “phải có bước đột phá trong thời gian tới”.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đồng chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương.
Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2023, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai công tác phối hợp, bảo đảm hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và yêu cầu thực tiễn.
Trong đó, tiếp tục phối hợp nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động, nâng cao đời sống của người lao động; giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham dự các hoạt động của tổ chức công đoàn; đến thăm, động viên đoàn viên công đoàn, người lao động tại các cơ sở sản xuất, các nhà máy, khu công nghiệp nhân dịp Tháng Công nhân. Vào dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã chỉ đạo và tham gia nhiều hoạt động chăm lo Tết đối với người lao động.
Đáng chú ý, tại Kết luận hội nghị đánh giá công tác phối hợp kỳ trước, Thủ tướng Chính phủ đã giao 11 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan. Đến nay có 8 nhiệm vụ đã thực hiện; 1 nhiệm vụ đã và đang được phối hợp thực hiện; 2 nhiệm vụ chưa được thực hiện.
Tại Hội nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương 12 nội dung và được các bộ, ngành thảo luận, giải đáp. Trong đó có các nội dung về: Quan tâm quyền và lợi ích của người lao động và hoạt động công đoàn khi xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; về đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần; các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non; xét danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hoá”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hoá”; giáo dục kiến thức về văn hóa, kỹ năng nghề cho công nhân; bố trí ngân sách phát triển cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân lao động…
Các đại biểu cũng đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp nâng cao ý thức, kỹ năng cho Công đoàn viên, công nhân, người lao động trên môi trường số; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giáo dục, đào tạo và trao đổi, tương tác giữa cơ quan quản lý với công nhân, người lao động.
Phối hợp thực chất, tích cực, chủ động, hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nói thật, làm thật, không hình thức, không màu mè; “đã nói là làm, đã cam kết thì phải thực hiện” và có kiểm tra, đánh giá, sao cho quan hệ phối hợp giữa hai bên ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích chính đáng cho người lao động.
Về kết quả phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng đánh giá hai bên đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, cả những công việc thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Các nội dung phối hợp được triển khai chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả, thiết thực, đi vào những nội dung cụ thể để giải quyết các vấn đề về nhà ở cho người lao động, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tổng Liên đoàn đã phát huy vai trò trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các cơ chế, chủ trương, chính sách quản lý liên quan trực tiếp đến việc làm, tiền lương; chủ động nắm tình hình thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động.
Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật như Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Đất đai, Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động…
Tổng Liên đoàn đã tổ chức, phát động thi đua, đề ra những biện pháp phát huy mọi tiềm năng của công nhân, viên chức và người lao động; vận động đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Lấy ví dụ cụ thể, Thủ tướng cho biết năm 2023 đã có trên 600 nghìn sáng kiến, giải pháp mới mang lại giá trị làm lợi gần 30.800 tỷ đồng. Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn phát động trong giai đoạn 2022-2023 có gần 2,1 triệu sáng kiến tham gia, đạt trên 200% chỉ tiêu. Chương trình Vinh quang Việt Nam tiếp tục tạo sức lan toả sâu rộng trong xã hội.
Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được hưởng ứng rộng khắp, động viên giai cấp công nhân và nhân dân lao động hăng hái thi đua, lập thành tích. Cùng với đó là phong trào thi đua triển khai đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Bình – Hưng Yên…
Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chương trình triển khai các nhiệm vụ Đại hội XIII và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra; phối hợp thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể theo Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư; phối hợp tổ chức thành công đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn để giải quyết hoặc báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các vấn đề. Các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố tham mưu, đề xuất tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa các đoàn đại biểu Quốc hội trước các kỳ họp Quốc hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, đã có những tác động tích cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách; thực thi chính sách.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phối hợp giữa hai bên được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự phối hợp ngày càng khăng khít, chất lượng, thực chất, tích cực, chủ động, hiệu quả giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước thời gian qua và góp phần giúp mỗi cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao và cám ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước và giúp mỗi cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
1 nhiệm vụ trung tâm, 3 quan tâm, 5 đẩy mạnh trong phối hợp
Theo Thủ tướng, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn vững mạnh, coi đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vai trò, vị trí và sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị. Theo đó, phải xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết tốt các vấn đề đặt ra trong tình hình mới.
Định hướng phối hợp công tác thời gian tới, cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung gồm 1 nhiệm vụ trung tâm, 3 quan tâm, 5 đẩy mạnh.
Trong đó, nhiệm vụ trung tâm là nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên.
3 quan tâm gồm:
Thứ nhất, quan tâm hơn nữa đến việc lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân thông qua khảo sát, đối thoại, tiếp xúc cử tri…; phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
Thứ hai, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; chăm lo các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thủ tướng nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở cho người lao động.
“Nhà ở là một trong những vấn đề lớn nhất của con người, “an cư mới lạc nghiệp”, nhà ở có thể mua, thuê hoặc thuê mua”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, vấn đề về nhà ở cho người lao động phải có bước đột phá trong thời gian tới.
Thứ ba, quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo Hiến pháp, pháp luật và theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức thực hiện không đúng; lợi dụng chính sách để chống phá.
Về 5 đẩy mạnh, Thủ tướng chỉ rõ, trước hết, cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về lao động và tạo thuận lợi cho người lao động, công đoàn.
Theo đó, phối hợp, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn, trọng tâm là trình Quốc hội sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 (vừa bảo vệ lợi ích đoàn viên; vừa thúc đẩy phát triển công đoàn lành mạnh vừa góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc)…
Chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động…
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan phải tham vấn ý kiến của Tổng Liên đoàn, đối tượng tác động về việc xây dựng các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công đoàn, người lao động. Tinh thần là chính sách thông thoáng; hạ tầng thông suốt; quản lý thông minh.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động. Trong đó, tuyên truyền để người sử dụng lao động, cán bộ, đoàn viên và người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Thứ ba, đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có nội dung nâng cao năng suất lao động như sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện tốt vai trò của Công đoàn, là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.
Theo đó, đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, xây dựng cơ sở dữ liệu của công đoàn.
Thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Quan tâm phát triển đảng viên trong công nhân, viên chức, lao động, đặc biệt là công nhân lao động trực tiếp sản xuất tại các doanh nghiệp… Chú trọng, quan tâm việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động.
Lưu ý một số nội dung về quản lý tài sản, tài chính công đoàn, Thủ tướng đề nghị cần quản lý tài chính chặt chẽ, khai thác tài sản hiệu quả theo quy định, thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, tạo điều kiện để công đoàn viên được hưởng dịch vụ tốt theo cơ chế thị trường.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến về 12 đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan xem xét, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Trong đó, với đề nghị sớm thực hiện nội dung Nghị quyết số 101/2019/QH14 về giảm giờ làm, Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu về chính sách giảm giờ làm đối với người lao động trong quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động; việc này phải phù hợp với tình hình của Việt Nam, đồng thời với thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nội dung về phát triển cơ sở khám chữa bệnh nơi tập trung đông công nhân, người lao động, việc khám chữa bệnh đối với công nhân lao động có thu nhập thấp, thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư về nội dung này.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm thực tiễn, đề xuất phương án, giải pháp tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho đối tượng người lao động là phụ nữ di cư.
Hà Văn / Báo Chính Phủ