Một trong những người được cho là đứng sau tài khoản Facebook Vi Tran để thực hiện hành vi lừa đảo vé máy bay của du học sinh Việt Nam tại Australia là một cô gái quê Tiền Giang.
Theo thông tin từ các nạn nhân cung cấp, Vi Tran đã từng dùng tài khoản ngân hàng mang tên My Truc Le để giao dịch với một số khách hàng. Cái tên này xuất hiện trong lệnh chuyển tiền mà một số nạn nhân nhận lại được tiền cung cấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cô này sinh ra trong một gia đình giàu có ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Cha cô là giám đốc một công ty xây dựng khá lớn ở địa phương này, mẹ làm bác sĩ. Vì lẽ đó, học hết cấp 3, My Truc Le được cha mẹ cho ra nước ngoài.
Người dân ở đây cho biết, cô gái đã đi nước ngoài nhiều năm nay, nhưng họ không biết cụ thể đi đâu. Thời gian còn ở địa phương, đây là cô gái hiền lành, trầm tính. Nhiều người không tin cô có thể là người đã lừa đảo tiền của du học sinh Việt Nam. Bởi lẽ, ngoài lành tính thì bố mẹ cô cũng giàu có, đủ khả năng lo cho con.
“Gia đình họ kinh doanh nên tui ít tiếp xúc, nhưng tui thấy con bé đó lúc còn ở nhà ngoan, lễ phép lắm”, bà Hà, người bán hàng rong gần nhà cô gái chia sẻ.
Cảnh sát khu vực nơi bố mẹ cô gái trên sinh sống cũng xác nhận, nhân vật này đã đi khỏi địa phương nhiều năm nay. Cô gái có thân nhân tốt, bố mẹ gia giáo, không có điều tiếng gì ở địa phương và cũng không có tiền án, tiền sự.
Trên báo Thanh Niên, người nhận là mẹ của My Truc Le, đang làm bác sĩ tại một bệnh viện ở Tiền Giang. Bà cho biết có biết việc con gái lớn bán vé máy bay, ăn hoa hồng qua mạng Internet thông qua một người khác. Tuy nhiên, chính con gái của bà cũng bị lừa và chuyện này cũng như vỡ nợ.
Báo Thanh Niên cũng dẫn lời người phụ nữ này cho biết con bà bị “mang tiếng lừa” vì đã “chỉ mối cho người khác bán vé”. “Tại con gái tôi dại nên khi xảy ra chuyện thì không biết con nhỏ kia ở đâu, không có hình ảnh, địa chỉ, chỉ biết là người Australia gốc Việt”, lời của mẹ My Truc Le.
Trước đó, Vi Tran đã từng sử dụng tài khoản với tên My Truc Le khi giao dịch hoàn trả số tiền bồi thường cho khách khi sai sót về cân năng hành lý, một nạn nhân hiện đang ở Việt Nam cho Zing.vn biết.
Còn với tài khoản nhận tiền thanh toán, Vi Tran cung cấp số tài khoản tại ngân hàng Sacombank Mỹ Tho A. Tên chủ tài khoản là N. T. D. H, được Vi Tran cho biết là người thân của mình. Tại Australia, người phụ nữ này thường dùng tài khoản của ngân hàng Commonwealth.
Theo quy định tại các ngân hàng Australia, để mở tài khoản tại ngân hàng, cá nhân phải đáp ứng được các tiêu chí khắt khe với ít nhất 100 điểm. Trong đó, có ít nhất một bằng chứng xác minh về nhân thân kèm ảnh như hộ chiếu, thẻ sinh viên.
Tuy nhiên, khi cung cấp cho người chuyển tiền, tên người hưởng không phải là yếu tố quan trọng. Thực tế, tài khoản đứng tên My Truc Le đã được Vi Tran cung cấp cho các khách hàng đặt vé máy bay với tên Ricky Travel, RTravel, gây nhầm lẫn rằng các nạn nhân đang giao dịch với một hãng vé.
Ngày 7/1, Cảnh sát bang New South Wales (NSW), Australia đã làm việc với đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines và đại diện các nạn nhân để điều tra vụ hàng trăm du học sinh Việt Nam ở Australia bị lừa mua vé máy bay giả qua mạng.
Theo thống kê ban đầu, hơn 300 du học sinh Việt Nam ở Sydney và Melbourne (bang Victoria) thông báo bị lừa mua vé máy bay giá rẻ của Vietnam Airlines để về Việt Nam qua một tài khoản Facebook có tên Vi Tran. Tổng số tiền các nạn nhân đã đặt vé cho Vi Tran lên đến hơn 500.000 AUD. Thực tế, số tiền có thể nhiều hơn do rất nhiều nạn nhân vẫn chưa ra trình báo.
Thủ đoạn của Vi Tran là thời gian đầu chấp nhận lỗ, mọi người khi mua vé ở FB này sẽ có giá rẻ hơn 300 – 700 AUD so với giá thị trường. Khi tạo được lòng tin, Vi Tran nhận tiền đặt vé của nhiều người nhưng cung cấp vé giả để chiếm đoạt tiền. Khi rất nhiều người phàn nàn chuyển tiền nhưng chưa nhận được vé hay vé giả, Vi Tran đã khóa trang FB này và khóa luôn số điện thoại.
Khắc Thành – Kim Ngân
Theo Zing