Dù thừa nhận xả thải vượt chuẩn nhưng một số doanh nghiệp (DN) vẫn “đôi co” về con số thống kê thiệt hại của người nuôi cá cũng như cách áp giá cá của cơ quan chức năng.
Ngày 10-5, chúng tôi tiếp xúc với một số DN chế biến hải sản được xác định đã gây ra ô nhiễm cho sông Chà Và làm cá bè chết và đang bị nông dân kiện ra tòa.
Đã giải thích nhưng DN vẫn chưa thông
Ông Doãn Văn Quý – giám đốc Công ty TNHH Phước An – nói chính ông cũng “sốt ruột” về việc cá chết. Tuy nhiên, những công ty như Phước An chỉ đồng ý hỗ trợ bà con chứ không bồi thường vì “tai nạn này là tai nạn chung không do ai gây ra cả”.
Còn ông Ngô Đông Hồ – chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thịnh An – tuy thừa nhận “nước thải xả ra có vượt chuẩn” nhưng cho rằng việc xả thải vượt chuẩn đã bị phạt, đã bị tạm đình chỉ hoạt động.
Ông Nguyễn Thế Tài – chủ DNTN chế biến hải sản Trọng Đức – lại “nghi ngờ” về những con số thống kê thiệt hại của người nuôi cá cũng như áp giá cá của cơ quan chức năng.
Trước đó, vào tháng 12-2015, 6/14 DN đã có đơn gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị xem xét lại cách tính toán tỉ lệ gây ô nhiễm cho từng DN cũng như kiểm tra lại số lượng cá chết.
Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Hùng – trưởng phòng chuyên môn Viện môi trường và tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), đơn vị điều tra, khảo sát, đánh giá nguyên nhân cá bè chết trên sông Chà Và – cho biết những thắc mắc của các DN về cách khảo sát, đánh giá đã được cơ quan giải thích nhiều lần trong các cuộc họp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ông Hùng cho biết thêm nguyên tắc cách làm trong vụ này của viện cũng tương tự như vụ Vedan. “Chúng tôi khảo sát, đánh giá một cách khách quan, khoa học” – ông Hùng khẳng định.
Tỉ lệ gây thiệt hại
được xác định ra sao?
Theo báo cáo của Viện môi trường và tài nguyên, sông Chà Và bị ô nhiễm, thiếu oxy có nhiều nguyên nhân như: sự lan truyền ô nhiễm từ cống số 6 đổ ra; cự ly các lồng bè trên sông Chà Và quá ngắn, mật độ nuôi dày, thức ăn cho cá bè là cá tạp bị ươn thối; việc vệ sinh, xịt rửa lưới bao; chất thải sinh hoạt của các hộ nuôi lồng bè và gia súc nuôi trên bè.
Cũng theo báo cáo của viện này, nguyên nhân chính gây cá chết là do thiếu oxy hòa tan mà sự thiếu hụt này là do oxy trong nước bị tiêu thụ để phân hủy BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa). Do đó, thông số BOD5 được chọn để tính toán lượng ô nhiễm của các nguồn thải.
Theo đó, lượng BOD5 ở cống số 6 được xác định chiếm 76,64%, hoạt động nuôi cá bè chiếm 15,39%, hoạt động nuôi quảng canh chiếm 5,81%, nước thải sinh hoạt 2,15%.
Về vấn đề xác định tỉ lệ gây ô nhiễm của từng DN, báo cáo này cho biết đó là dựa vào lượng nước thải, nồng độ BOD5 (mg/l), tải lượng BOD5 (kg/ngày) cũng như từ nhiều dữ liệu khác do từng DN cung cấp.
TAND TP Vũng Tàu
nhận đơn, hồ sơ kiện đầu tiên
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chánh án TAND TP Vũng Tàu, cho biết chiều 10-5 cơ quan này đã nhận đơn cùng hồ sơ khởi kiện đầu tiên của luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Ông Sơn cho biết để giải quyết nhanh vụ kiện của bà con nuôi cá, tòa đã thành lập một tổ nhận hồ sơ, thụ lý giải quyết.
Còn theo luật sư Hoàng, hồ sơ ông nộp là đại diện ủy quyền cho hộ Nguyễn Trần Minh. Theo đó, ông Minh yêu cầu 14 DN phải bồi thường số tiền hơn 93 triệu đồng.
Hôm nay (11-5), luật sư Hoàng sẽ nộp thêm hồ sơ thứ hai của hộ Nguyễn Văn Tuấn đòi bồi thường số tiền hơn 300 triệu đồng.
Người nuôi cá kiệt quệ
Nghề nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và bắt đầu xuất hiện từ năm 2001 với vài hộ lẻ tẻ. Nước sông trong lành, cá nuôi lớn nhanh, làm ăn khấm khá. Cứ thế, dần dần lòng sông Chà Và đoạn hai bên cầu Chà Và trở thành một làng nuôi cá bè có tiếng của Vũng Tàu.
Đến năm 2015 có khoảng 200 hộ nuôi cá với gần 5.000 bè cá. Nhưng từ năm 2011, cá nuôi bè bắt đầu chết với số lượng, tần suất ngày càng tăng. Đỉnh điểm là vào tháng 9-2015, làng cá bè này đã xảy ra bốn đợt cá chết kéo dài từ ngày 6 đến 30.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, số lượng cá chết trong bốn đợt lên tới gần 140 tấn, trị giá hơn 18 tỉ đồng.
Ông Đặng Minh Thông – chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn – cho biết nghề nuôi cá bè là nguồn sống chủ yếu, chủ lực trong đời sống của chủ yếu bà con xã Long Sơn.
Trước đây, đời sống bà con nuôi trồng thủy hải sản hiệu quả cao, một số hộ giàu lên nhờ nghề này. Nhưng những năm gần đây, do sông ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, liên tục mấy năm nay gây ra cá chết.
“Đa số bà con nuôi trồng thủy sản phải thế chấp nhà đất để vay vốn ngân hàng. Hiện nhiều hộ chưa trả được nợ ngân hàng, có hộ không tái đầu tư được” – ông Thông cho hay.
Đông Hà
Theo Tuổi Trẻ