Tòa án hiến pháp Thái Lan mới đây đã ra phán quyết cách chức Thủ tướng đương nhiệm Srettha Thavisin vì vi phạm quy tắc đạo đức. Phán quyết được đưa ra sau chưa đầy 1 năm tại vị của ông Thavisin và đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn chính trị sâu sắc hơn.
Quyết định bất ngờ
Ngày 14/8, Tòa án Hiến pháp tại Bangkok đã ra phán quyết rằng Thủ tướng Srettha Thavisin, một ông trùm bất động sản và là người mới tham gia chính trường, đã vi phạm các quy tắc đạo đức khi bổ nhiệm một luật sư từng ngồi tù vào Nội các.
Cụ thể, Thủ tướng Srettha đã bổ nhiệm ông Pichit Chuenban làm bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng trong một cuộc cải tổ Nội các vào tháng 4.
Ông Pichit đã bị kết án 6 tháng tù vào năm 2008 vì tội coi thường tòa án sau khi ông bị cáo buộc đã cố gắng hối lộ một thẩm phán bằng 2 triệu baht (55.000 USD) tiền mặt liên quan đến vụ án của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Ông Pichit đã từ chức vài tuần sau khi được bổ nhiệm khi tranh cãi về vụ việc lại nổ ra. Tòa án cho biết mặc dù ông Pichit đã chấp hành xong án tù, nhưng hành vi của ông ta theo phán quyết của Tòa án Tối cao là không trung thực.
5 trong số 9 thẩm phán của tòa án đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông Srettha và Nội các của ông ngay lập tức.
Tuy nhiên, Nội các sẽ vẫn được giữ nguyên cho đến khi Quốc hội phê chuẩn Thủ tướng mới. Không có giới hạn thời gian để Quốc hội bổ nhiệm vị trí này.
Một chính phủ mới hiện phải được thành lập và liên minh cầm quyền do đảng Pheu Thai lãnh đạo sẽ đề cử một ứng cử viên mới cho chức Thủ tướng, ứng cử viên này sẽ thành tân thủ tướng nếu được thông qua trong cuộc bổ phiếu của Quốc hội gồm 500 thành viên.
Phát biểu với các phóng viên sau quyết định, Thủ tướng Srettha cho biết ông đã thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là thủ tướng một cách tốt nhất có thể và cho biết ông “chấp nhận phán quyết”. Ông nói thêm rằng ông không chắc liệu chính phủ tiếp theo có tiếp tục các chính sách của ông hay không.
Đáng chú ý, phán quyết được đưa ra một tuần sau khi tòa án này giải tán Đảng Move Forward (Đảng Tiến lên) – đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử năm ngoái, và cấm các nhà lãnh đạo của đảng này tham gia chính trường trong 10 năm.
Bản kiến nghị chống lại ông Srettha được khởi xướng bởi các cựu thành viên của Thượng viện do quân đội bổ nhiệm, những người đã từ chối chấp thuận ứng cử viên thủ tướng của đảng Move Forward khi đảng này đang cố gắng thành lập chính phủ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Bản kiến nghị chống lại ông Srettha được coi là động thái ủng hộ một đảng chính trị thân quân đội trong chính phủ liên minh.
Tương lai nào cho Thái Lan?
Quyết định này được đưa ra vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế Thái Lan, mà ông Srettha đã phải vật lộn để thúc đẩy. Chính phủ ước tính tăng trưởng chỉ 2,7% cho năm 2024, tụt hậu so với các nước trong khu vực, trong khi Thái Lan là thị trường hoạt động kém nhất châu Á trong năm nay với chỉ số chứng khoán chính giảm khoảng 17% tính đến thời điểm hiện tại.
Phó thủ tướng Phumtham Wechayachai sẽ đảm nhiệm vai trò người tạm quyền nếu ông Srettha bị cách chức.
Theo một số chuyên gia chính trị, có khả năng đảng của ông Srettha, Pheu Thai, vẫn có đủ ảnh hưởng để lãnh đạo chính quyền tiếp theo, sau một thời gian không chắc chắn về việc ai sẽ là người chịu trách nhiệm.
“Chính phủ vẫn sẽ có 314 ghế – liên minh vẫn đoàn kết. Có thể có một số tác động đến lòng tin, nhưng điều đó chỉ diễn ra trong ngắn hạn”, ông Olarn Thinbangtieo, phó khoa khoa học chính trị và luật của Đại học Burapha, cho biết.
Nếu ông Srettha bị bãi nhiệm, những ứng cử viên được đảng của họ chỉ định trước cuộc bầu cử gần đây nhất có thể được đề cử làm Thủ tướng.
Những người này bao gồm Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo đảng Pheu Thai và là con gái của tỷ phú có ảnh hưởng Thaksin Shinawatra; cựu bộ trưởng tư pháp Chaikasem Nitisiri; bộ trưởng nội vụ và phó thủ tướng Anutin Charnvirakul; bộ trưởng năng lượng Pirapan Salirathavibhaga và Prawit Wongsuwon, một cựu chỉ huy quân đội có ảnh hưởng từng tham gia vào hai cuộc đảo chính.
Ông Srettha Thavisin đã trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái, mặc dù đảng Pheu Thai của ông đứng thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử.
Sau khi Move Forward bị Thượng viện từ chối quyền lực, nhiệm kỳ của đảng này kết thúc vào tháng 5, Pheu Thai, khi đó là đối tác lớn nhất của Move Forward, đã loại đảng này khỏi liên minh và bắt tay với các đảng liên kết với chính phủ do quân đội kiểm soát trước đó để tập hợp đủ sự ủng hộ từ các đảng khác và Thượng viện để phê chuẩn một thủ tướng mới.
Ưu tiên của ông Srettha kể từ khi nhậm chức là khắc phục nền kinh tế trì trệ của đất nước.
Nhà lãnh đạo này đã đề xuất một chương trình phát tiền ví điện tử trị giá 500 tỷ baht (13,8 tỷ USD) mà ông cho biết sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy chi tiêu ở các khu vực kém phát triển. Hiện kế hoạch vẫn chưa được triển khai.
Ông Srettha cũng đặt mục tiêu thu hút thêm đầu tư nước ngoài và trở thành trung tâm du lịch toàn cầu cho Thái Lan, mở rộng chính sách miễn thị thực và công bố kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Theo AP, CNN, The Guardian
Linh Anh / Vietnamfinance