Đức vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu dầu cục bộ khi lệnh cấm dầu của Nga trên toàn Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào tháng 1 năm tới.
Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự gián đoạn mà cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu tiếp tục tàn phá nền kinh tế lớn nhất lục địa này.
Lời cảnh báo được đưa ra nhằm giải đáp thắc mắc của các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đối lập về vấn đề an ninh năng lượng ở miền đông nước Đức, nơi có hai nhà máy lọc dầu lớn phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga. Một trong hai nhà máy này là Schwedt – nhà cung cấp xăng, dầu diesel, dầu hỏa và dầu nhiên liệu chính cho khu vực, phục vụ những khách hàng lớn tại đây như sân bay quốc tế Berlin.
Nhằm ứng phó trước tình hình hiện tại, Chính phủ Đức đã đề cập chi tiết các nỗ lực nhằm đa dạng hóa Schwedt khỏi việc nhập khẩu dầu của Nga, song cũng phải thừa nhận lệnh cấm vận có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế miền Đông nước Đức.
Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển có hiệu lực kể từ ngày 5/12 tới và là một phần quan trọng trong nỗ lực của khối nhằm cắt giảm nguồn thu hàng tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu dầu tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine./.
Phương Anh/VOV1 (biên dịch)
Theo: Reuters