Toà án Hàn Quốc ngày 19-1 đã bác bỏ đề nghị bắt giữ người thừa kế tập đoàn Samsung liên quan đến cuộc điều tra bê bối tham nhũng của tổng thống Park Geun Hye.
Đề xuất do các công tố viên đệ trình hôm 16-1 đòi bắt ông Lee Jae Yong với các cáo buộc hối lộ, biển thủ và khai man. Ông Lee đã bị thẩm vấn trong hơn 22 giờ hồi tuần trước.
Theo các điều tra viên, ông Lee đã chi hoặc hứa chi 43 tỉ won, khoảng 36 triệu USD, để hối lộ bạn thân của tổng thống Park là bà Choi Soon Sil. Khoản tiền được cho là nhằm đổi lấy sự ủng hộ trong việc sáp nhập hai công ty con của Samsung, một sự kiện quan trọng để ông Lee củng cố quyền lực trong công ty.
Tuy nhiên toà án cho rằng các công tố viên đã không đưa ra các bằng chứng vững chắc và rõ ràng. “Rất khó có thể chấp nhận lý do đưa ra lệnh bắt” – toà án cho biết.
Trước đó, nhân vật trung tâm trong vụ bê bối chính trị tại Hàn Quốc Choi Soon Sil khai nhận tập đoàn Samsung cũng đã hỗ trợ tích cực trong quá trình bà này thành lập công ty giấy tại Đức vào hồi tháng 8-2016.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Công tố viên Park Young Su cho biết, việc Samsung hỗ trợ bà Choi thành lập Công ty giấy tại Đức là chứng cứ quan trọng phá vỡ lập luận cho rằng họ là “người bị hại, bị cưỡng bức” khi hỗ trợ tài chính cho bà Choi.
Trong diễn biến liên quan đến bê bối chính trị của tổng thống Park, công tố viên độc lập Park Young Su cũng đã đề nghị tòa ra lệnh bắt giữ đối với Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Jo Yoon Son và cựu Chánh Văn phòng phủ Tổng thống Kim Ki-chun do nghi ngờ lập và quản lý “danh sách đen” đối với gần 10.000 người. Đây là lần đầu tiên nhóm điều tra độc lập đề nghị bắt giam đối với một bộ trưởng đương nhiệm.
Theo các điều tra viên, “Danh sách đen” này được lập sau thảm họa chìm phà Sewon hồi tháng 4-2014, gồm những nhân vật trong giới văn hóa và nghệ thuật có lập trường phản đối chính phủ.
TRẦN PHƯƠNG
Theo Tuổi Trẻ