Loại tên lửa mới này có khả năng xuyên qua hệ thống phòng không của Ukraine một cách dễ dàng, đặc biệt là khi được trang bị trên máy bay ném bom Tu-22M3.
Theo Bulgarian Military, những nguồn tin xuất hiện gần đây đang gây hoang mang cho giới lãnh đạo Ukraine, đó là việc Nga đã bắt đầu sử dụng tên lửa Kh-50 trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Các báo cáo đầu tiên xuất hiện trên một trang blog tiếng Nga. Sau đó, bắt đầu lan truyền trên các phương tiện truyền thông chính thống. Ngày 3/8, tờ Rossiyskaya Gazeta trích dẫn từ một nguồn tin giấu tên đã viết về việc Nga tăng cường sản xuất và triển khai sử dụng Kh-50.
Tại sao điều này lại quan trọng?
Mặc dù luôn tự hào về kho tên lửa hành trình của mình, nhưng vũ khí của Nga vẫn có những hạn chế và thiếu sót. Thực tế chiến trường Ukraine đã đưa ra những đánh giá rất cụ thể cho từng loại tên lửa được Nga sử dụng, có loại rất nặng như Kh-101, có loại thiếu khả năng tàng hình như 3M14 Kalibr và có tên lửa hội tụ cả hai điểm yếu trên là Kh-55.
Trong khi đó, số tên lửa không bị giới hạn phạm vi hoạt động, có sức huỷ diệt lớn và không thể bị bắn hạ như như Kinzhal và Iskander-M thì chi phí quá đắt đỏ, nên sử dụng rất hạn chế.
Mặt khác, các tên lửa hạng nặng như Kh-101 và Kh-55 cần các máy bay ném bom lớn, di chuyển với tốc độ chậm để phóng chúng. Dấu hiệu nhiệt từ động cơ máy bay ném bom này bị các vệ tinh SBIRS của Mỹ phát hiện ngay khi chúng mới cất cánh và báo cho Ukraine có thời gian chuẩn bị trước.
Sau khi phóng từ máy bay ném bom, dấu hiệu nhiệt từ động cơ phản lực cung cấp năng lượng cho tên lửa hạng nặng này cũng có khả năng bị các vệ tinh của Mỹ theo dõi, mặc dù chúng được trang bị công nghệ tàng hình.
Các tên lửa nhẹ hơn nhưng không được trang bị công nghệ tàng hình dễ dàng bị theo dõi bởi các radar giám sát và hệ thống phòng không của Ukraine, cũng như hệ thống cảnh báo sớm AWACS của Mỹ/NATO. Điều này khiến cho nhiều tên lửa bị bắn hạ trước khi đến được mục tiêu.
Một số chuyên gia cho rằng, thứ Nga đang thiếu và cần nhất là một tên lửa như Storm Shadow của Anh nhưng có tầm bắn lên tới 1.500 km. Và tên lửa Kh-50 có lẽ đáp ứng được yêu cầu trên.
Tính xác thực của các nguồn tin viết về Kh-50
Vào giữa tháng 4/2023, một báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, Nga đang khôi phục dự án tên lửa Kh-50.
Cụ thể, ông Yuriy Ihnat, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine nói với giới truyền thông rằng, Nga muốn hồi sinh các dự án cũ, như kế hoạch sản xuất tên lửa Kh-50. Ông chỉ ra rằng: “Trong quá khứ, dự án Kh-50 được coi là không cần thiết do sự thành công của tên lửa Kh-101”.
Oleksii Hromov, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ukraine cho biết, Nga dự định sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình Kh-50 vào mùa thu năm nay. Ông cảnh báo thêm, sau một thời gian các sản phẩm sẽ được tích luỹ và sẽ được sử dụng trong các cuộc tấn công vào những mục tiêu ở Ukraine.
Tên lửa Kh-50
Kh-50 là một sản phẩm của Cục thiết kế Raduga, là một phần trong chương trình Kh-SD (Sredney Dalnosti, tầm trung). Công việc nghiên cứu và phát triển Kh-SD bắt đầu vào đầu những năm 1990 nhưng sau đó đã bị đình chỉ trong vài năm.
Theo trang tin Janes, Kh-50 có chiều dài khoảng 6 mét và nặng khoảng 1.600 kg. Được trang bị động cơ phản lực cánh quạt OMKB izdeliye 37-04 (hoặc TRDD-50B), tầm bắn hơn 1.500 km, tốc độ hành trình 700 km/h, tốc độ tối đa 950 km/h, có thể mang đầu đạn nặng 450 kg.
Khung tên lửa được thiết kế rất độc đáo, mặt cắt phẳng và các mặt được mài nhẵn. Hình dạng này đáp ứng các yêu cầu về tiết diện radar thấp và tận dụng tối đa dung tích khoang chứa vũ khí của máy bay ném bom hạng nặng, tức là máy bay có thể mang được nhiều tên lửa Kh-50 hơn so với Kh-101.
Tên lửa Kh-50 được các chuyên gia ví von là “Kh-101 thu nhỏ”. Cả hai tên lửa có nhiều điểm tương đồng, đều là những dự án tiên phong trong công nghệ tên lửa hành trình và có các tính năng như:
– Mức độ bộ lộ tín hiệu thấp (LO)
– Khung tên lửa sử dụng nhiều tổng hợp để giảm tín hiệu radar
– Khả năng điều hướng khi bay
– Nhận dạng mục tiêu quang học/hồng ngoại
Hệ thống tương quan kỹ thuật số quang điện của Kh-50 để điều hướng và nhận dạng mục tiêu được gọi là “Otblesk”, gần giống với DSMAC của Mỹ. Kh-50 ngắn hơn Kh-101 khoảng 1,5 m và nhẹ hơn khoảng 800 kg, nhưng tên lửa vẫn có thể mang đầu đạn nặng 400-450 kg như Kh-101.
Do kích thước nhỏ hơn, Kh-50 mang ít nhiên liệu hơn và có tầm bắn ngắn hơn. Trong khi tầm bắn ước tính của Kh-101 là 5.500 km, thì tầm bắn của Kh-55 dự kiến chỉ đạt 1.500 km.
Ưu điểm của tên lửa Kh-50
Mặc dù kích thước nhỏ hơn, nhưng tên lửa Kh-50 lại có tín hiệu radar thấp hơn nên khó bị hệ thống radar đối phương phát hiện. Mặt khác, Kh-50 được thiết kế để bay ở độ cao thấp và được trang bị bộ phòng thủ tiên tiến bao gồm khả năng tác chiến điện tử và bẫy nhiệt.
Điều này cho phép tên lửa tránh được sự phát hiện của radar và tự bảo vệ mình trước các hệ thống phòng không cũng như tên lửa không đối không, được trang bị đầu dò tần số vô tuyến và hồng ngoại của đối phương. Do đó, Kh-50 vượt trội hơn so với các tên lửa hành trình khác của Nga trong việc xâm nhập không phận của đối phương dù đã được bảo vệ nghiêm ngặt.
Để đối phó với ưu thế của máy bay chiến đấu Nga, các nước phương Tây đã chuyển giao những hệ thống phòng không tốt nhất cho Ukraine. Tuy nhiên, Kh-50 được thiết kế đặc biệt, nó có thể bay qua vùng trời được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không như NASAMS, IRIS-T và Patriot mà vẫn không hề hấn gì.
Tầm bắn ngắn hơn của tên lửa Kh-50 không phải là bất lợi mà là lợi thế. Tầm bắn giảm không chỉ tăng cường khả năng tàng hình của tên lửa mà còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.
Kh-50 khi được trang bị trên máy bay ném bom Tu-22M3 sẽ khiến cuộc tấn công khó bị đánh chặn hơn. Tu-22M3 có kích thước nhỏ và tốc độ vượt trội cho phép tiếp cận gần mục tiêu hơn để tấn công, giúp giảm thời gian bay và khả năng phản ứng của đối phương.
Mặc dù các tính năng của tên lửa Kh-50 phần lớn chưa được tiết lộ và không được công khai. Và các giả thuyết cho rằng Kh-50 là phiên bản Kh-101 thu nhỏ hoặc Stomrm Shadow nâng cấp, điều đó không có gì là sai cả.
Nhưng, bất kể cách nhìn nhận về tên lửa này như thế nào, thì việc triển khai Kh-50 trong các hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine có khả năng sẽ mang lại cho Nga một lợi thế đáng kể, giống như trực thăng Ka-52, máy bay không người lái Lancet và bom lượn FAB-500M62 đã làm được trên chiến trường.
LÊ HƯNG (Bulgarian Military) / VTC News