Làn sóng rời Côn Sơn của các công ty sản xuất Đài Loan đang khiến quận giàu nhất của Trung Quốc đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.
Nhiều công ty Đài Loan chọn Đông Nam Á là điểm đến mới, thay vì Côn Sơn của Trung Quốc.
Cách Thượng Hải khoảng 1 giờ lái xe về phía Tây, Côn Sơn – quận giàu có nhất Trung Quốc là cứ địa của khu phức hợp của Foxconn trong suốt 30 năm qua.
Trong khoảng thời gian này, nhà sản xuất linh kiện điện tử Đài Loan đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trẻ đến từ các vùng lân cận ở các dây chuyền sản xuất, từ cáp iPhone cho đến vỏ MacBook cho Apple.
Nền kinh tế của Côn Sơn bùng nổ khi các nhà máy và dòng tiền đầu tư của Đài Loan đổ vào, giúp nó trở thành quận giàu nhất của Trung Quốc trong 17 năm qua.
Theo SCMP, 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 50% sản lượng công nghiệp, 60% đầu tư nước ngoài và 70% xuất nhập khẩu của Côn Sơn gắn liền với các doanh nghiệp của Đài Loan hoặc do Đài Loan tài trợ.
Tính đến năm 2020, có hơn 5.300 công ty Đài Loan và khoảng 100.000 người Đài Loan ở Côn Sơn.
Rõ ràng, nhờ có dòng vốn FDI chủ yếu từ Đài Loan, Côn Sơn đã phát triển từ một khu vực nghèo khó thành trung tâm công nghệ thông tin đẳng cấp thế giới, từng bước nâng cấp nền kinh tế của mình trong những năm qua.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thông tin nhà máy lắp ráp của Foxconn sẽ chuyển đến Việt Nam đang khiến người dân địa phương nơi đây lo lắng. Nhiều người đặt câu hỏi rằng “Nếu các nhà máy của Đài Loan rời đi, tương lai của Côn Sơn sẽ ra sao?”
Người dân địa phương lo ngại việc các nhà máy sản xuất của Foxconn rời đi khác sẽ phủ bóng đen ảm đạm lên nền kinh tế của Côn Sơn.
Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng một số nguồn tin cho rằng 1/3 công ty Đài Loan đã rời khỏi Côn Sơn trong đầu năm nay. Nhiều doanh nhân và người dân địa phương cũng đều xác nhận rằng làn sóng công ty Đài Loan rời Côn Sơn đang diễn ra.
Ông Peter Tu, chủ một nhà máy sản xuất máy móc có trụ sở tại Côn Sơn cho biết, cuộc di cư của các công ty Đài Loan nổi bật hơn so với các công ty nước ngoài khác vì họ tập trung nhiều vào lĩnh vực điện tử – lĩnh vực vốn đang “nhạy cảm” hơn trước căng thẳng thương mại Mỹ -Trung.
Không chỉ Mỹ, ngày càng có nhiều khách hàng từ các quốc gia khác yêu cầu các nhà sản xuất Đài Loan xây dựng chuỗi cung ứng mới, thay thế cho Trung Quốc đại lục do những lo ngại về căng thẳng Mỹ – Trung và khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vì căng thẳng trên eo biển Đài Loan trong những năm gần đây.
Ông James Gao, chủ sở hữu của một tập đoàn hậu cần có trụ sở tại Côn Sơn hợp tác với Foxconn và Pegatron, một nhà sản xuất theo hợp đồng khác của Apple tại Đài Loan, cho biết các lô hàng đã giảm ít nhất 1/3 trong quý đầu tiên của năm 2023 so với một năm trước đó.
“Nếu như trước đây một nhà máy ở Côn Sơn có thể nhận được đơn đặt hàng trị giá 10 tỷ USD từ Apple hoặc Dell thì bây giờ họ chỉ nhận được 8 tỷ USD, và phần còn lại sẽ chuyển sang Việt Nam”, ông nói.
Khi nhiều nhà máy rời đi còn những nhà máy ở lại bị cắt giảm đơn hàng, các cơ hội việc làm tại Côn Sơn cũng theo đó giảm đi đáng kể. Ông Chen Jian, một nhà tuyển dụng làm việc với các nhà sản xuất Đài Loan ở Côn Sơn, cho biết: “Vị trí công việc ngày càng ít đi và hiện không có đủ để đáp ứng cho lực lượng lao động đông đảo ở nơi đây”.
Theo nhiều nhà tuyển dụng, mức lương theo giờ của các công nhân tại những nhà máy Đài Loan ở Côn Sơn cũng giảm tới 1/3. Financial Times cho hay tiền lương tại các nhà máy này đã giảm xuống dưới 2,75 USD/giờ, thay vì mức lương hơn 3 USD/giờ trong năm ngoái.
Nhiều nhà tuyển dụng cũng thắt chặt giới hạn độ tuổi với người lao động phổ thông. Foxconn Kunshan, nhà sản xuất theo hợp đồng hàng đầu của Apple, hiện yêu cầu ứng viên cho các vị trí đầu vào phải dưới 40 tuổi chứ không còn là 45 tuổi như một năm trước.
Chưa kể, việc nền kinh tế đang chững lại khi thị trường bất động sản thua lỗ đã khiến Côn Sơn nói riêng và Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các công ty Đài Loan tại đây. Năm chủ nhà máy Đài Loan có trụ sở tại Côn Sơn cho biết, doanh thu của họ dự kiến sẽ giảm ít nhất 40% trong năm nay.
Kể từ năm 2016, Đài Loan đã thúc đẩy Chính sách hướng Nam mới nhằm mở rộng các kênh đầu tư, thương mại, du lịch và giáo dục với Nam Á, Đông Nam Á và Australia để cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam đang dẫn đầu về vốn FDI từ Đài Loan trong 6 tháng đầu năm 2023 với 352,4 triệu USD, tăng so với 143,4 triệu USD trong nửa đầu năm 2022.
Đầu tư của Đài Loan vào Indonesia, nơi có nguồn khoáng sản dồi dào, đã tăng lên 143,7 triệu USD trong nửa đầu năm 2023, từ mức 118,7 triệu USD trong cùng kỳ năm 2022.
Trái lại, dòng tiền từ Đài Loan đổ vào Trung Quốc đại lục lại đang chững lại. Theo dữ liệu của Ủy ban Đầu tư của Bộ Kinh tế Đài Loan công bố, các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc của các công ty Đài Loan đã giảm 4.78% trong 7 tháng đầu năm nay, xuống còn 2,01 tỷ USD.
Ông Chen Liyan, thị trưởng Côn Sơn, cho biết, dự kiến đầu tư nước ngoài đổ vào Côn Sơn dự kiến sẽ đạt 1,1 tỷ USD trong năm nay, giảm 1,7 tỷ USD so với năm 2022. Ông cho rằng cần có cái nhìn thực tế hơn về các dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh môi trường kinh tế đang thay đổi. “Những ngày tăng trưởng nhanh chóng của Côn Sơn đã qua rồi”, ông thừa nhận.
Mai Lý / Vietnamfinance
Theo SCMP, Financial Times