Hội đồng Hiến Pháp chính thức phê chuẩn đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu gây tranh cãi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trước đó, nhằm ngăn chặn dự thảo này được hiện thực hoá, hàng trăm nghìn công dân đã tham gia biểu tình trên khắp nước Pháp trong vài tháng liên tiếp.
Cảnh sát chống bạo động bảo vệ tòa nhà Hội đồng Hiến pháp
Cải cách hưu trí được thông qua
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình vẫn diễn ra rầm rộ trên toàn quốc, thứ Sáu ngày 14/4, Hội đồng Hiến Pháp của Pháp đã xác nhận chính thức thông qua dự thảo cải cách hưu trí do Tổng thống Macron đề xuất.
Cụ thể, hội đồng quyết định chấp thuận những vấn đề cốt lõi của dự thảo, bao gồm cả việc tăng tuổi nghỉ hưu cho phần lớn người lao động từ 62 lên 64 và bỏ sáu điều khoản bổ sung như đã được dự đoán bởi nhiều người trước đó.
Đây là kết quả mà các công dân Pháp không mong muốn nhất, đồng thời cũng cho thấy được dường như Chính phủ Pháp vốn không có ý định trưng cầu dân ý về những thay đổi trong tương lai.
“Quyết định của Hội đồng Hiến pháp đã thể hiện mong muốn của Chính phủ vẫn cao hơn nhu cầu của người dân. Các cuộc biểu tình chắc chắn sẽ vẫn còn diễn ra sau khi người dân tập hợp đủ lực lượng”, ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo đảng La France Insoumise nhận định.
Tổng thống Macron cho biết Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện giấy tờ và nhanh chóng ký thành luật trong vòng 48 giờ tới. Vị tổng thống cũng khẳng định sẽ tìm cách gặp gỡ và xoa dịu sự tức giận của người dân hiện tại.
“Việc chính sách được chấp thuận một phần là kết quả tốt nhất đối với Tổng thống Macron. Sau khi dự thảo được chính thức ban hành, ông ấy có thể ngồi đàm phán cùng đại diện các công đoàn trên khắp cả nước về một số điều khoản bổ sung hoặc những cải cách cần có trong tương lai để phù hợp với xã hội hơn”, ông Renaud Foucart, giảng viên cao cấp về kinh tế tại Đại học Lancaster bày tỏ.
Phán quyết của hội đồng như “đổ thêm dầu vào lửa” trước tình trạng hỗn loạn hiện tại của Pháp. “Đêm nay, Paris sẽ cháy”, ông Foucart đưa ra lời phỏng đoán.
Toàn cảnh cuộc biểu tình gần đây tại nước Pháp
Ngày 13/4, trước thềm hội đồng đưa ra phán quyết cuối cùng, hàng trăm nghìn công dân đã “nổi dậy”, giơ bảng biểu tình và đốt pháo đỏ, bom khói khắp đường phố Paris, hơi cay cũng liên tục được bắn ra.
Trụ sở của tập đoàn hàng đầu nước Pháp LVMH tại thủ đô cũng bị người biểu tình tràn vào đóng chiếm. Trùng hợp, ngày 13/4 cũng là thời điểm LVMH đang “ăn mừng” vì giá cổ phiếu tăng kỷ lục, đạt 872,7 EUR/cổ phiếu, con số cao nhất từ trước đến nay.
Nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình này là do chính phủ Pháp hiện đang có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của người dân từ 62 tuổi lên thành 64 tuổi, đề án này đang được cân nhắc bởi toà án và phán quyết quan trọng sẽ được đưa ra vào ngày 14/4.
Theo đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne đã đề ra một dự thảo cải cách hưu trí. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu sẽ bị cộng thêm 2 năm, đồng nghĩa với việc người lao động Pháp cần hoàn thành 43 năm làm việc để nhận lương hưu đầy đủ.
Lý do Chính quyền Pháp đưa ra là vì tuổi thọ của công dân Pháp đang được kéo dài, mỗi người dân sẽ nhận lương hưu dài hơn dự kiến, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. Tổng thống Macron lập luận rằng việc cải cách là cần thiết và buộc phải có để kiểm soát tài chính công cũng như giúp đất nước tiếp tục phát triển.
Đồng tình với tổng thống, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định dự thảo cái cách hưu trí mặc dù đang gây nhiều tranh cãi, nhưng “cuộc cải cách sẽ giúp tài chính của công dân được cân bằng vào năm 2030”.
Đối lập với quan điểm của Chính phủ, thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo lên tiếng khẳng định bản thân ủng hộ những công dân đang ngày đêm biểu tình: “Cuộc cải cách này là bất công và đầy bạo lực. Công dân Pháp đã yêu cầu rút lại dự thảo trong nhiều tháng và Chính phủ cần lắng nghe, tôn trọng tiếng nói của họ”.
Các cuộc tấn công lớn nhỏ đã diễn ra liên tục suốt nhiều ngày trong 2 tháng rưỡi qua. “Ít nhất 1.000 thành phần cực đoan trà trộn vào khu vực biểu tình, lợi dụng biến động xã hội để cố gắng thực hiện các hành vi bạo lực dọc theo cả tuyến đường. 47 người ở thủ đô Paris đã bị bắt giữ và ít nhất có 10 cảnh sát bị thương”, đại diện phía cảnh sát Paris cho biết.
Ước tính cuộc biểu tình có sự tham gia của 380.000 người trên khắp nước Pháp vào 13/4, 42.000 người trong số đó là số lượng người biểu tình tại Paris.
Rác thải tràn ngập tại đường phố Paris khi toàn bộ những người thu gom rác và công nhân đốt lò đều đình công tham gia biểu tình. Tính đến cuối tháng 3 vừa rồi (gần 1 tháng kể từ cuộc đình công đầu tiên), Paris đã hứng chịu 10.000 tấn rác chất đống khắp thủ đô vào thời điểm tồi tệ nhất.
Quốc Anh / Vietnamfinance
Theo CNBC, CNN