Sự tham gia của Trung Quốc vào dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG 2 ở Bắc Cực của Nga không nên là mục tiêu của bất kỳ sự can thiệp hoặc hạn chế nào của bên thứ ba, theo tuyên bố ngày 26/12 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Phản ứng gay gắt từ Trung Quốc
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Nga là vì lợi ích chung của cả hai nước và “không nên bị bất kỳ bên thứ ba nào can thiệp hoặc hạn chế”.
“Trung Quốc luôn phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn mà không có cơ sở luật pháp quốc tế”, bà Mao khẳng định.
Reuters trước đó đưa tin rằng Tổng công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đều yêu cầu chính phủ Mỹ miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với nhà máy LNG mới của Nga.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cũng đã cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt đối với dự án Arctic LNG 2 có thể có tác động tiêu cực lớn đến hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản. Tokyo trước đó đã miễn trừ các lệnh trừng phạt cho các dự án LNG của Nga ở Sakhalin và Bắc Cực và tiếp tục cung cấp dịch vụ kiến trúc và kỹ thuật cho các dự án.
Mỹ siết trừng phạt
Nhà máy khí thiên nhiên hoá lỏng Arctic LNG 2 nằm ở bán đảo Gyda của Nga, được vận hành bởi nhà sản xuất LNG độc lập lớn nhất đất nước Novatek, và dự kiến bắt đầu vận chuyển thương mại vào đầu năm 2024.
Nó sẽ có ba đoàn tàu vận chuyển LNG. Chuyến tàu đầu tiên được hạ thủy vào tháng 7. Nhà máy đã bắt đầu sản xuất khí đốt vào tuần trước và dự kiến bắt đầu vận chuyển LNG thương mại vào đầu năm 2024. Sau khi bổ sung thêm hai đoàn tàu nữa vào năm 2024 và 2025, nhà máy dự kiến sẽ đạt công suất tối đa 19,8 triệu tấn vào năm 2026.
Arctic LNG 2 được coi là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm tăng thị phần LNG toàn cầu lên 20% vào năm 2030 từ mức 8% hiện nay. Mục tiêu này vốn đã gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine và thiếu tàu chở khí đốt.
Được biết, Khoản đầu tư ban đầu vào dự án LNG 2 ở Bắc Cực vào khoảng 21 tỷ USD, được xem là dự án LNG lớn thứ 2 của Nga. Nó đã gặp khó khăn trong việc huy động vốn sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Hồi tháng 9, Mỹ đã áp đặt một số lệnh trừng phạt đối với Arctic LNG 2, nêu tên các công ty dịch vụ của Nga có liên quan đến việc triển khai dự án này.
Tới đầu tháng 11, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt mới, cấm các nước thứ ba ở châu Á và châu Âu mua LNG do nhà máy Arctic LNG 2 sản xuất khi nó bắt đầu hoạt động. OFAC đã ấn định ngày 31/1/2024 là hạn chót để kết thúc giao dịch với dự án.
Trước đó, hãng tin Kommersant của Nga ngày 25/12 đưa tin TotalEnergies của Pháp, CNOOC và CNPC của Trung Quốc, cùng tập đoàn Japan Arctic LNG (Nhật Bản), một tập đoàn liên quan đến Mitsui & Co và JOGMEC, đã tuyên bố bất khả kháng đối với việc họ tham gia vào dự án Arctic LNG 2 của Nga.
Kommersant cho biết việc các công ty nước ngoài đình chỉ tham gia dự án khí hoá lỏng Arctic LNG 2 ở Bắc Cực có thể dẫn đến việc nhà máy này mất đi các hợp đồng dài hạn về cung cấp LNG, trong khi Novatek sẽ phải tự tài trợ cho dự án và bán khí đốt đường biển trên thị trường giao ngay.
Thanh Tú / Vietnamfinance
Theo Reuters