Các quốc gia phương Tây chưa tìm được tiếng nói chung trong việc có nên tiếp tục hạ trần giá dầu Nga xuống mức thấp hơn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.
Chiến sự Nga – Ukraine đang căng thẳng trên cả chiến trường lẫn thương trường. Những dự đoán trước đó của phương Tây về một nước Nga suy yếu dường như vẫn chưa thành hiện thực. Cho đến nay, nền kinh tế Nga vẫn “kiên cường” bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đang xuất hiện “những vết nứt”. Trong những ngày đầu khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá dầu thô tăng cao đã trở thành “tấm lưới an toàn” bảo vệ nền kinh tế Nga khỏi những tổn thất từ cuộc chiến.
Thế nhưng, trong năm nay, sau khi phương Tây áp dụng một loạt lệnh trừng phạt, doanh thu từ dầu khí của Nga ước tính đã bị cắt giảm gần một nửa, khiến điện Kremlin thiệt hại khoảng 150 tỷ USD.
Cùng với nhiều yếu tố khác, việc Nga thất thu trong xuất khẩu dầu khí đã góp phần khiến giá trị đồng rúp sụt giảm liên tục, mất hơn 1/3 giá trị so với đồng USD trong năm qua.
Mặc dù Ngân hàng trung ương Nga đã 3 lần tăng lãi suất nhằm ổn định tiền tệ và giảm lạm phát nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Những người dân Nga đang bắt đầu cảm thấy khó khăn.
Dẫu vậy, các nhà kinh tế ước tính rằng điện Kremlin vẫn có thể đảm bảo được lợi nhuận từ xuất khẩu dầu khi chi phí sản xuất dầu thô của Nga rơi vào khoảng 15 USD/thùng, chỉ là một phần nhỏ so với mức giá trần hiện nay là 60 USD/thùng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào tháng trước, dầu thô của Nga có giá trung bình 64,31 USD, vượt mức trần giá và nâng doanh thu xuất khẩu dầu của Nga lên mức cao nhất trong 8 tháng năm 2023. Rõ ràng, mức giá trần mà phương Tây áp với dầu Nga đang dần mất đi sức mạnh.
Đây chính là thời điểm quan trọng mà phương Tây cần tăng thêm áp lực cho Điện Kremlin thông qua việc thắt chặt thêm các lệnh trừng phạt, tờ Washington Post nhận định.
Để thu hẹp lỗ hổng của các lệnh trừng phạt, một nhóm chuyên gia bao gồm các nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng ở phương Tây đã đề xuất bản kế hoạch mới khả thi hơn, trong đó biện pháp cứng rắn nhất là giảm dần mức trần giá dầu, thậm chí xuống mức còn một nửa so với mức giá 60 USD/thùng như hiện nay.
Bà Aleksandra Prokopenko, từng là nhà phân tích của Ngân hàng trung ương Nga, cho rằng việc hạ giá dầu – nguồn tiền tệ chính của nước này – xuống mức thấp sẽ khiến nền kinh tế Nga “sa lầy”.
“Để có thể đẩy nền kinh tế Nga đến bờ vực, phương Tây nên tiếp tục “đánh mạnh” vào nguồn thu chính của điện Kremlin, bao gồm cả việc hạ mức trần giá dầu và áp dụng các biện pháp tương tự đối với những mặt hàng xuất khẩu khác của Nga”, bà Aleksandra Prokopenko nói.
Vào tháng 7, các chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết mức trần giá dầu 60 USD/thùng tác động đến doanh thu xuất khẩu dầu của Nga ít hơn so với kỳ vọng. Họ cho rằng mức trần 60 USD là quá cao để các biện pháp trừng phạt có hiệu lực. “Mức trần 60 USD/thùng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại nữa”.
Thế nhưng một số quốc gia EU lo ngại việc tiếp tục hạ mức giá trần có thể khiến Nga quay sang “trả đũa” bằng cách cắt giảm xuất khẩu dầu hoặc chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu dầu. Điều này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc hạ giá trần sẽ chỉ làm sâu sắc thêm mối lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu, nhất là ở thời điểm hiện tại, nhu cầu dầu tăng cao kỷ lục đã đẩy giá dầu thô lên cao. Nếu không cẩn thận, quyết định này sẽ khiến phương Tây chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”.
Giá năng lượng tăng cao kéo theo chi phí sinh hoạt cũng tăng đã từng khiến nhiều dân ở nhiều nước EU rơi vào cảnh khốn đốn. Phương Tây đã phải chống chọi với đợt lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi giá dầu tăng vọt, và dĩ nhiên, không ai muốn kịch bản này lặp lại một lần nữa.
Chưa kể, một số chuyên gia cho rằng việc hạ giá trần có thể vẫn không mang lại nhiều kết quả triển vọng. Ông Chris Weafer, chuyên gia năng lượng, cho biết chừng nào Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác còn mua dầu với giá chiết khấu thì hạ mức giá trần vẫn là vô nghĩa.
Không phải đến tận bây giờ cuộc tranh luận về tính hiệu quả của mức trần giá dầu mới diễn ra. Kể từ trước khi mức trần giá dầu được áp dụng vào tháng 12/2022 thì đến tận bây giờ, phương Tây vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc có nên hạ mức trần giá dầu Nga xuống mức thấp hơn hay không.
Khánh Tú / Vietnamfinance
Theo Washington Post