Trung Quốc xây dựng ảnh hưởng ở Zimbabwe qua các gói hỗ trợ xây dựng bệnh viện, trường học, tòa nhà quốc hội và đầu tư vào ngành điện.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp năm 2014. Ảnh: PRI. |
Zimbabwe trong những ngày vừa qua trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới, khi cuộc binh biến ngày 15/11 do Tư lệnh Constantino Chiwenga chỉ huy đã đẩy Tổng thống Robert Mugabe vào tình thế bị quản thúc và bị mất vị trí lãnh đạo đảng Zanu-PF cầm quyền vài ngày sau đó.
Cuộc binh biến diễn ra chỉ ít ngày sau khi tướng Chiwenga trở về từ chuyến thăm Bắc Kinh, nơi ông có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm 10/11. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cuộc viếng thăm này là một cuộc trao đổi quân sự thường xuyên và không có liên quan đến binh biến ở Zimbabwe.
Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Zimbabwe và nhiều năm qua xác lập được sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở quốc gia châu Phi này thông qua các hoạt động đầu tư, hợp tác và hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, theo SCMP.
Hỗ trợ quân sự
Theo CNN, từ thập niên 1970, Trung Quốc đã bí mật viện trợ vũ khí, đạn dược và tài chính cho lực lượng du kích của ông Mugabe trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Trung Quốc sau đó tiếp tục hỗ trợ về tài chính và chính trị cho Zimbabwe trong nỗ lực gây dựng ảnh hưởng tại quốc gia này.
“Kể từ khi lên nắm quyền, Mugabe thường xuyên nhận được sự hậu thuẫn từ Bắc Kinh. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Zimbabwe và đã đầu tư rất nhiều tiền vào nước này”, Wang Xinsong, giáo sư Trường Chính sách Công và Phát triển Xã hội thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết.
Quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia còn mật thiết hơn nhiều. Theo các bức điện bị rò rỉ của các nhà ngoại giao Mỹ, kể từ khi giành độc lập vào năm 1980, chính phủ Zimbabwe đã mua nhiều thiết bị quân sự từ Trung Quốc, gồm “máy bay, đạn dược, radar phòng không và trang bị y tế”. Trung Quốc cũng được cho là thường xuyên gửi cố vấn kỹ thuật quân sự tới Zimbabwe.
Cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, người bị ông Mugabe cách chức cách đây không lâu, là một trong những chiến sĩ du kích đầu tiên của đảng Zanu PF cầm quyền ở Zimbabwe được cử đến Trung Quốc để huấn luyện quân sự.
Trung Quốc mới đây đã tài trợ vốn vay 100 triệu USD để giúp Zimbabwe xây dựng Đại học Quốc phòng Zimbabwe ở thủ đô Harare.
Đại học Quốc phòng Zimbabwe ở thủ đô Harare. Ảnh: Xinhua. |
Ngoài chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước, Tư lệnh Chiwenga cũng thường xuyên tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Sau cuộc gặp một phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Zimbabwe vào tháng 12 năm ngoái, ông Chiwenga nói rằng các lực lượng vũ trang Zimbabwe thu được nhiều lợi ích từ các chương trình hợp tác huấn luyện quân sự với PLA.
Trong chuyến thăm Zimbabwe năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã kêu gọi tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước, theo Xinhua.
Đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng
Các công ty Trung Quốc từ lâu là những đối tác quan trọng trong nỗ lực của chính phủ Zimbabwe nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện trầm trọng ở nước này.
Năm 2015, Tổng Công ty Xây dựng Điện lực Trung Quốc ký thỏa thuận 1,2 tỷ USD để mở rộng nhà máy nhiệt điện Hwange – nhà máy điện lớn nhất Zimbabwe. Dự án này sẽ bổ sung thêm 600 MW vào tổng công suất của nhà máy nhiệt điện Hwange. Việc nâng cấp nhà máy nhiệt điện này được mô tả là dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất Zimbabwe trong ba thập kỷ. Thỏa thuận được ký nhân chuyến thăm Harare của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây hai năm.
Nhà máy nhiệt điện Hwange. Ảnh: SCMP. |
Trong khi đó, tập đoàn Sinohydro Group của Trung Quốc đang mở rộng Nhà máy điện Nam Kariba ở Zimbabwe trong một dự án trị giá 355 triệu USD. Năm 2015, Zimbabwe cũng trao ba dự án điện mặt trời cho các công ty Trung Quốc và liên doanh giữa công ty trong nước với các đối tác Trung Quốc.
Tháng 9 năm ngoái, báo nhà nước Zimbabwe Herald cho biết chính phủ Trung Quốc cam kết tài trợ 46 triệu USD cho Zimbabwe để xây dựng tòa nhà quốc hội mới với 650 chỗ ngồi, thay thế cho tòa nhà quốc hội hiện tại được xây từ thời kỳ nước này còn là thuộc địa của Anh. Dự án dự kiến mất 2,5 năm để hoàn thành với tổng chi phí 140 triệu USD.
“Tòa nhà quốc hội của chúng ta đang sử dụng chỉ có thể phục vụ 120 người nhưng giờ đây, chúng ta có hơn 270 nghị sĩ, vậy nên, tòa nhà này thiếu hụt không gian trầm trọng”, Chủ tịch Quốc hội Zimbabwe Jacob Mudenda nói vào năm ngoái.
Trung Quốc đã cung cấp vốn vay không lãi suất 33 triệu nhân dân tệ (5 triệu USD) để giúp xây dựng một trung tâm siêu máy tính ở Đại học Zimbabwe, Harare vào năm 2015. Trung tâm siêu máy tính được sử dụng cho các mục đích nghiên cứu khoa học đời sống, khí hậu và nông nghiệp. Cơ sở này đưa Zimbabwe trở thành nước thứ năm ở châu Phi sở hữu một trung tâm siêu máy tính.
Năm ngoái, Xinhua cũng đưa tin Trung Quốc cam kết xây dựng một trung tâm phẫu thuật tiết niệu hiện đại ở Zimbabwe trong vòng ba năm.
Trong một thỏa thuận được ký kết vào tháng 7/2016, Bắc Kinh cam kết gửi các chuyên gia y tế sang Zimbabwe hàng năm, cung cấp các thiết bị y tế cho nước này và đào tạo các bác sĩ Zimbabwe ở Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng cấp cho Zimbabwe một hạn mức cho vay trong lĩnh vực y tế trị giá 100 triệu USD vào năm 2011. Ngoài ra, Trung Quốc đã hỗ trợ xây dựng bệnh viện Mahusekwa 130 giường hay còn gọi là bệnh viện hữu nghị Trung Quốc – Zimbabwe ở thị trấn Marondera, tỉnh Đông Mashonaland.
Sau cuộc binh biến ở Zimbabwe, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố, bày tỏ hy vọng quốc gia này có thể giải quyết tình hình “một cách hòa bình và thích hợp”, khẳng định sẽ tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Zimbabwe.
Tờ Global Times, phụ san của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuần trước nhấn mạnh chính phủ nước này dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ không giảm bớt mức độ quan hệ gần gũi với Zimbabwe.
Hồng Vân/VNE