Triều Tiên, dù nổi tiếng toàn cầu vì những vụ thử hạt nhân, tên lửa, cuộc sống ở đây vẫn là điều bí ẩn với thế giới bên ngoài.
Triều Tiên. Luôn luôn sẵn sàng cho chiến tranh. Chĩa một thanh gươm hạt nhân về phía Mỹ và đồng minh, đe dọa tấn công bất cứ khi nào.
Cuộc sống ở đây là điều bí ẩn đối với hầu hết thế giới.
Các phóng viên Will Ripley, Tim Schwarz và Justin Robertson từ CNN hồi tháng 6 có chuyến thăm Triều Tiên trong 15 ngày. Bị chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, song họ vẫn có thể tiếp cận quốc gia bí hiểm này với một mức độ gần gũi chưa từng thấy, vượt ra khỏi ánh đèn hào nhoáng ở Bình Nhưỡng, đi sâu vào những vùng đất cách xa thành thị Triều Tiên.
Họ nói chuyện với người dân từ mọi tầng lớp xã hội, tìm hiểu thêm về điều gì khiến đất nước này trở nên khép kín, lý do dẫn tới lòng hận thù sâu đậm của họ với Mỹ và vì sao người dân lại dành tình yêu vô điều kiện cho gia tộc họ Kim đến vậy.
Dưới đây là những câu chuyện do Ripley kể trên hành trình khám phá trái tim “vương quốc bí ẩn”.
Trẻ em Triều Tiên
Triều Tiên thường khiến người ta nhớ tới bởi những vụ phóng tên lửa, đầu đạn hạt nhân, các cuộc duyệt binh quân sự quy mô và nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un.
Nhưng ở Wonsan, thành phố ven biển phía đông Triều Tiên, chúng tôi đã nhìn thấy nhiều điều bất ngờ.
Trẻ em chơi điện tử.
Nhưng không giống trẻ em phương Tây, những đứa trẻ 14, 15 tuổi này không chỉ chơi đùa. Bằng nhiều cách, những việc chúng đang làm là nhằm chuẩn bị cho cuộc sống thực tế. Hầu hết các bé trai, cùng vô số bé gái, sẽ dành những năm tháng đầu tiên của cuộc sống trưởng thành phục vụ trong lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên, giống như cha mẹ, ông bà chúng.
Tôi hỏi một cậu bé rằng em thích nhất phần nào trong trò chơi mà em đang chơi và cậu bé trả lời đó là việc được giết chết kẻ thù. Tôi hỏi em kẻ thù là ai, câu trả lời thật ớn lạnh.
“Người Mỹ”.
Cuộc sống đã đổi thay kể từ thời điểm bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc sau Thế chiến II. Sự căm ghét mà người dân Triều Tiên dành cho Mỹ bắt nguồn từ cuộc chiến tranh liên Triều những năm 1950, đã cướp đi sinh mạng khoảng ba triệu người, chủ yếu là dân thường.
Chính quyền Triều Tiên dạy người dân rằng không ai khác ngoài Mỹ đã khơi mào cuộc chiến, nhưng các nhà sử học phương Tây lại nói điều trái ngược.
Cậu bé mà tôi gặp cùng bạn bè mình khăng khăng nói trong tương lai chúng muốn gia nhập quân đội để chiến đấu với “kẻ thù Mỹ đáng ghét”.
“Bởi vì họ xâm lược nước chúng cháu, giết hại người dân chúng cháu”, cậu bé bắt đầu.
“Chôn sống họ”, bạn của em chen ngang.
“Chôn sống họ và giết chết họ”, cậu bé đầu tiên tiếp tục, không để lỡ nhịp.
Tôi hỏi liệu các em có bắn tôi không nếu tôi nói rằng mình là người Mỹ và nhận được câu trả lời nhanh chóng, không phân vân: “Có”.
Sau đó, chúng bày tỏ một chút đồng cảm, nói rằng chúng sẽ xem liệu tôi là người tốt hay xấu. Tôi đảm bảo mình là người tốt. Chúng nói vậy thì sẽ không bắn tôi.
Đây chính là nghịch lý ở Triều Tiên – những người trẻ tươi cười, thân thiện, lịch sự nói với tôi rằng họ ghét đất nước tôi như thế nào.
Theo nhiều cách khác nhau, thanh niên Triều Tiên khá giống với những người trẻ Mỹ. Họ thích các trò chơi và thể thao. Nhưng khi tôi nói chuyện với vài học sinh trung học đang chơi bóng chuyền bãi biển, một số cụm từ liên tục được nhắc lại mỗi lúc tôi đề cập tới Mỹ.
Những cụm từ như “kẻ thù đáng ghét” hay “quốc gia thù địch”, tôi tự hỏi liệu họ có thực sự cảm thấy như vậy? Liệu họ có hiểu bất cứ điều gì về nước Mỹ?
Sự thật là tất cả những gì lũ trẻ này biết chỉ là các chiến dịch tuyên truyền của chính phủ, dạy chúng phải căm thù người Mỹ và trung thành với gia tộc họ Kim. Tượng đài và hình ảnh những nhà lãnh đạo họ Kim có ở khắp nơi. Họ xuất hiện đều đặn trên sóng truyền hình quốc gia.
Có khoảng 5 triệu trẻ em dưới 14 tuổi ở Triều Tiên. Chúng là một phần của một xã hội tập trung, nơi tập thể, không phải thành tích cá nhân, bao trùm lên tất cả. Tinh thần tập thể ấy là yếu tố quan trọng nhất giúp các em học sinh chiến thắng một suất tham gia Trại hè Thiếu nhi Quốc tế Songdowon kéo dài hai tuần, sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với bất kỳ học sinh Triều Tiên nào.
Thứ đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi tới trại hè là bức tượng đài khắc họa cảnh những đứa trẻ mừng rỡ vây quanh hai cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Giống như những nơi khác ở Triều Tiên, cuộc sống phát triển xung quanh các nhà lãnh đạo.
Một bữa tiệc sinh nhật chuẩn bị diễn ra và chúng tôi được xem các em học sinh hát vang những ca khúc ca ngợi lãnh đạo tối cao.
Câu bé Chae Jin-song, nhân vật chính trong buổi sinh nhật, gọi ông Kim Jong-un là “người cha mang đến tình yêu giống như cha mẹ đẻ”. Trước bạn bè, Chae hứa sẽ “học tập tốt hơn để đền đáp tình yêu của lãnh đạo đáng kính Kim Jong-un”.
Những đứa trẻ này là tương lai của Triều Tiên. Cả một thế hệ, được nuôi dưỡng để tôn thờ nhà lãnh đạo tối cao.
Không hoài nghi. Không bất đồng. Không cật vấn.
Chỉ có lòng trung thành, suốt đời.
Wonsan – thành phố của hải sản và tên lửa
Chỉ có một từ duy nhất để miêu tả hành trình gần 200 km tới Wonsan, thành phố ven biển phía đông thủ đô Bình Nhưỡng: Gập ghềnh.
Chúng tôi mất gần 5 tiếng đi đường với vô số lần dừng lại. Mỗi lần kéo dài 20 phút.
Chỉ những chiếc xe nhỏ mới có thể đi qua và chúng tôi đang ở trong một chiếc xe van lớn. Người giám sát chúng tôi phải mất khá lâu để thuyết phục nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ ở trạm gác cho chiếc xe qua, vài cuộc điện thoại cùng lời hứa rằng sẽ lái xe thật chậm và cẩn thận khi gặp các đội xây dựng.
Chúng tôi nhìn thấy những người đàn ông và phụ nữ lao động trong các đường hầm tối tăm, chật hẹp.
Phong cảnh rất đẹp. Những ngọn núi hùng vĩ, những cánh rừng rậm và những chấm nhỏ li ti là các thị trấn tí hon nằm phía xa. Tôi tự hỏi cuộc sống của người dân ở những cộng đồng nông thôn nhỏ bé ấy ra sao. Đó là nơi mà người ngoài, đặc biệt là nhà báo, phóng viên, không được phép tiếp cận.
Wonsan là thành phố công nghiệp cỡ vừa, lớn thứ 5 Triều Tiên. Nó nổi tiếng đối với du khách vì ngành đánh bắt và nguồn thủy hải sản phong phú.
Đây cũng là nơi có các khu thử hạt nhân chính của Triều Tiên.
Chương trình tên lửa Triều Tiên đang phát triển nhanh chóng, bất chấp những nỗ lực kiềm chế từ Mỹ và đồng minh. Bình Nhưỡng hiện sở hữu cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới Mỹ.
Người lập quốc, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, chứng kiến vụ phóng tên lửa Scud đầu tiên vào những năm 1980. Người kế nhiệm đồng thời cũng là con trai ông, ông Kim Jong-il, thực hiện hơn mười vụ phóng tên lửa suốt 17 năm cầm quyền.
Nhưng ông Kim Jong-un đã đưa hoạt động này lên một tầm cao mới kể từ thời điểm lên nắm quyền hồi năm 2011, phóng vệ tinh, ra lệnh thực hiện các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Những động thái trên đã đưa Triều Tiên tới lằn ranh nguy hiểm bùng phát một cuộc chiến với Mỹ. Washington ngày càng phản ứng quyết liệt hơn với hành động của Bình Nhưỡng, đặc biệt từ khi ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ.
Vâng, các cuộc thử nghiệm vẫn tiếp diễn. Vì sao? Tuyên truyền. Mỗi vụ phóng đều góp phần phô diễn sức mạnh của Triều Tiên, tới chính người dân nước này và cả thế giới. Nó giống như một chính sách đảm bảo cho ông Kim Jong-un cũng như đảng Lao động Triều Tiên, bảo vệ họ khỏi Mỹ và đồng minh, giữ quyền lực trong tay chính quyền.
Nhưng người ta đôi lúc dễ dàng quên đi tất cả những căng thẳng ấy nếu ở Wonsan, nơi mà người dân có thể dành những buổi chiều yên ả quăng cần câu cá. Tôi hỏi ông Kim Un-taek, một người dân Wonsan, cuộc sống ở đây như thế nào và ông ấy trả lời rằng mọi thứ đều tốt bởi không khí trong lành từ biển.
Tôi kể với ông Kim rằng Wonsan nay nổi tiếng khắp thế giới vì những vụ phóng tên lửa và hỏi ông từng chứng kiến một vụ phóng nào chưa.
“Rồi. Tôi đã nhìn thấy chúng. Thật thỏa mãn. Chúng tôi thấy nó bay vút lên trời”, ông đáp.
Tôi tiếp tục hỏi những tên lửa đó đối với ông có ý nghĩa như thế nào?
“Tự hào”, ông trả lời.
Ông Kim, như rất nhiều người khác, không hiểu vì sao Mỹ cảm thấy bị đe dọa bởi tên lửa Triều Tiên.
“Đấy là cách chúng tôi làm để xây dựng năng lực phòng vệ. Tại sao Mỹ lại áp đặt trừng phạt chúng tôi”, ông hỏi, khuôn mặt lộ rõ vẻ khó hiểu.
Bên cạnh tên lửa, thành tựu đáng tự hào nhất của Wonsan còn là một nhà máy thủy điện mới, được xây dựng chủ yếu bởi chính người dân thành phố. Nó biến Wosan trở thành một trong số ít nơi ở Triều Tiên không thường xuyên bị mất điện.
Chúng tôi nhớ tới điều này trên đường trở về Bình Nhưỡng, lúc dừng chân ăn tối tại một nhà khách. Chúng tôi mới bắt đầu bữa ăn được vài phút thì đèn vụt tắt. Không ai tỏ ra bất ngờ và chúng tôi dùng bữa với món thịt chim dưới ánh đèn pin.
Khu phi quân sự, Dennis Rodman và Otto Warmbier
Tôi đang có mặt tại một cửa hàng quà tặng ở một trong những địa điểm căng thẳng bậc nhất thế giới.
Những tấm bưu thiếp bày bán trong cửa hàng đa phần đều mang các câu khẩu hiệu như “Chúng ta sẽ nghiền nát nỗ lực khơi dậy chiến tranh hạt nhân của Mỹ” hay “Trước Mỹ, chúng ta sẽ chống trả bằng sự không khoan nhượng tuyệt đối”.
Và bạn thậm chí không cần biết tiếng Triều Tiên để hiểu những tấm bưu thiếp viết gì. Các biểu tượng – một nắm đấm khổng lồ đập tan nước Mỹ hay một người Mỹ bị tiêu diệt bởi tên lửa của chính mình, tự chúng đã nói lên tất cả.
Chào mừng tới Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), địa điểm không giống với bất kỳ đâu trên thế giới. Khu vực dài 257 km này chia cắt Triều Tiên với người hàng xóm phía nam. Dù mang danh nghĩa khu phi quân sự, nơi đây lại là khu vực được vũ trang kín kẽ nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Hai bên đều cắt cử binh sĩ trang bị vũ khí canh gác ngày đêm, 24/7. Đây là một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất toàn cầu, một lời nhắc nhở rằng Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn còn chiến tranh.
Chúng tôi lái xe qua những vùng nông thôn yên ả nhưng mặt đất giăng đầy mìn để đến làng Panmunjom, một trong những di tích kỳ lạ nhất còn lại từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tôi hỏi người hướng dẫn, trung tá Hwang Myong Jin, rằng căng thẳng tại khu DMZ gần đây có dâng cao hay không. Câu trả lời là “Có” và anh đổ lỗi cho “chính sách thù địch” của Mỹ.
Tôi cố gắng đổi chủ đề. Trung tá Hwang 36 tuổi, bằng tuổi tôi và đấy là điểm giống nhau duy nhất giữa chúng tôi.
Anh ấy thích bóng rổ. Tôi thì chơi môn này khá tệ. Tôi thích nhạc rock cổ điển. Ca khúc anh ấy yêu thích là “bài ca cách mạng trường tồn” của Triều Tiên, ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Bất chấp những khác biệt, chúng tôi vẫn nói chuyện khá gần gũi, giống như bạn bè.
Tim, Justin và tôi trở lại Bình Nhưỡng mà không hề hay biết những ngày tiếp theo sẽ là quãng thời gian xáo trộn nhất trong suốt hành trình tại Triều Tiên.
Nó bắt đầu giống như bao buổi sáng ở Bình Nhưỡng. Một giai điệu quen thuộc đến mức ám ảnh được phát trên loa phóng thanh lúc 5h sáng, không khác gì chiếc đồng hồ gọi cả thành phố thức dậy.
Chúng tôi tới sân bay quốc tế Bình Nhưỡng bởi một khách VIP sắp đến thăm. Đây có lẽ là người Mỹ duy nhất quen biết cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un: Ngôi sao bóng rổ nhà nghề Dennis Rodman.
Rodman từng tham gia một trận đấu bóng rổ mừng sinh nhật ông Kim Jong-un và gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “người bạn trọn đời”. Nhưng trong chuyến thăm này, ông Kim lại không gặp mặt ông.
Dennis Rodman.
Bị phân tâm bởi sự xuất hiện của Rodman, chúng tôi không hay biết một cuộc chuyển giao bí mật đang diễn ra ở sân bay. Sinh viên Mỹ Otto Warmbier được lặng lẽ chuyển lên một chuyến bay đưa anh trở về nhà.
Warmbier đến Triều Tiên vào cuối tháng 12/2015. Anh bị chính quyền Triều Tiên kết án 15 năm tù với cáo buộc ăn cắp một tấm biểu ngữ tuyên truyền tại khách sạn nơi Warmbier cư trú ở Bình Nhưỡng. Hồi giữa tháng 6, anh được Triều Tiên trao trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê vì tổn thương não. 6 ngày sau, Warmbier qua đời ở tuổi 22.
Otto Warmbier.
Cuộc sống nông thôn và tin tức giả
Tỉnh Bắc Hwanghae, cách Bình Nhưỡng gần 64 km về phía nam, là khu vực tràn ngập những cánh đồng lúa và các ngôi làng làm nghề nông.
Không có điều gì nhạy cảm ở đây như tại Wonsan.
Vậy vì sao để được phép tới đây lại khó khăn đến thế? Và vì sao người giám sát luôn miệng nhắc nhở chúng tôi cẩn thận khi phỏng vấn bất kỳ ai?
Bởi nông nghiệp là một trong những đề tài nhạy cảm nhất tại quốc gia vẫn đang phải vật lộn nuôi sống người dân này.
Triều Tiên có rất ít đất canh tác. Mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn khi họ đang phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng nhất suốt hai thập kỷ qua.
Đối với đa phần người dân, thịt bò, thịt gà, thịt lợn đều là những thứ thực phẩm xa xỉ, khó lòng với tới. Sự sống phụ thuộc vào những món ăn cơ bản, đơn giản: Cải bắp muối, kimchi, cơm hoặc cháo.
Các cánh đồng thực tế trống rỗng khi chúng tôi tới và rất nhiều nông dân dường như được đưa ra chỉ để cho chúng tôi thấy. Chúng tôi nói chuyện với một người, bà Yun Myong-gum, 38 tuổi.
Một nông dân Triều Tiên trên đường trở về nhà ăn trưa.
Bàn tay chai sạn, nứt nẻ là bằng chứng cho 10 năm lao động vất vả,”bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của bà. Dù vậy, bà Yun có rất nhiều triết lý về cuộc sống.
“Công việc nào mà không mệt mỏi? Điều khiến tôi vui, khiến những người nông dân như chúng tôi vui, là việc được chăm sóc đất đai của chúng tôi”.
Tôi hỏi bà về nơi mà bà muốn rời Triều Tiên để tới đó. Câu trả lời của bà Yun khiến tôi bất ngờ bởi chưa người Triều Tiên nào nói với tôi như vậy trước đây.
“Tôi muốn đến Mỹ”, bà nói, nước mắt bắt đầu chảy dài trên má.
“Tôi muốn biết vì sao người Mỹ lại chèn ép người dân Triều Tiên nhiều đến thế. Mối hiềm khích giữa Triều Tiên và Mỹ là gì? Họ xâm lược đất nước chúng tôi và thảm sát chúng tôi. Anh nghĩ vì sao mà chúng tôi giờ đây phải khổ như thế này? Tất cả vì người Mỹ”, bà nói.
“Tôi nguyền rủa người Mỹ và muốn phá hủy đất đai của họ”.
Sự cay đắng trong những lời nói của bà Yun khi bà quả quyết muốn phá hủy quê hương tôi không ăn nhập với nụ cười cũng như sự thân thiện trên gương mặt bà. Bà nắm chặt tay tôi và mời tôi về nhà để ăn mừng thu hoạch.
“Chúng tôi không nghĩ xấu về người dân Mỹ, chúng tôi chỉ lên án chính phủ của họ”, bà giải thích.
Tôi hỏi những người giám sát liệu chúng tôi có thể tới thăm nhà bà Yun không. Câu trả lời tôi nhận về là “Để lúc khác”.
Thay vào đó, họ đưa chúng tôi tới nhà một người nông dân khác, được lựa chọn kỹ lưỡng dành riêng cho chúng tôi.
Lão nông dân và vợ mời chúng tôi bữa trưa. Nấu từ những sản phẩm tự nuôi trồng trong mảnh sân trước nhà, bữa ăn gồm trứng vịt, tương đậu và cơm, gói trong rau diếp kèm tỏi và tương ớt. Đơn giản, tốt cho sức khỏe và ngon.
Bữa trưa với vợ chồng ông Kim Gyo-son.
Tôi hỏi người chủ nhà, ông Kim Gyo-son, về nạn đói xảy ra ở Triều Tiên những năm 1990 khiến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người chết.
“Chúng tôi phải ăn vỏ cây sau quãng đường dài leo núi tìm thức ăn và tự hỏi mình sẽ phải làm điều này đến bao giờ”, ông chia sẻ.
Nhưng ông Kim bảo chúng tôi rằng mọi khó khăn đều đã qua nhờ những cánh đồng lúa ông tự tay vun trồng.
“Tôi có gạo và tiền để sinh sống. Ngôi nhà này cũng tốt, tôi không phải trả tiền mua nó”, ông cho hay.
Sau bữa trưa, ông Kim đưa tôi đi xem một vòng quanh ngôi nhà nhỏ hai phòng ngủ của ông. Nó được xây bằng bê tông với mái màu xanh. Sân trước có một vườn rau xanh mướt và một chiếc giếng nhỏ. Bếp khá hẹp và đơn giản, không nhiều đồ đạc.
Một góc trang trọng trong phòng khách nhà ông Kim.
Phòng khách nhà ông Kim bày một chiếc TV và một đầu DVD. Ông hàng ngày xem các chương trình về dạy nấu ăn, đời sống, ca nhạc, phim truyện tại đây. Tất nhiên, không chương trình nào từ phương Tây.
Giống như bao ngôi nhà Triều Tiên khác, chân dung các cố lãnh đạo Triều Tiên được ông treo trang trọng, trong đó bao gồm cả một bức ảnh chuyến thăm bất ngờ của cố lãnh đạo Kim Jong-il đến đây hồi năm 2006. Đấy cũng là lý do ngôi nhà này được chọn để chúng tôi tới.
Ông Kim có vẻ cũng không khác gì nhiều so với những người ở độ tuổi ông trên khắp thế giới. Đọc báo là một trong những niềm yêu thích lớn nhất của ông.
Tôi hỏi ông biết gì về Tổng thống Trump. Ông đáp rằng ông hình thành nhận thức từ những thông tin đọc trên báo chí.
“Tôi nghĩ ông ta là người bốc đồng, thiếu bình tĩnh. Thế nên, ông ấy mới đánh mất lòng tin của người dân Mỹ”, ông Kim nói.
Tôi bảo ông rằng nhiều người ở đất nước tôi hoài nghi về báo chí và những bản tin trên TV, đồng thời đề cập tới chuyện “tin giả”.
Ông nói vì Rodong Sinmun, báo nhà nước Triều Tiên, là tiếng nói của đảng, nên ông không bao giờ nghĩ họ đưa tin giả.
“Vậy ông tin hoàn toàn vào những gì mình đọc trên báo?”, tôi hỏi.
“Vâng, chúng tôi tin 100%”, ông trả lời.
Hỏi bất kỳ người nào ở Triều Tiên và họ sẽ nói điều tương tự: Không có tin giả.
Mua điện thoại thông minh ở Bình Nhưỡng
Bình Nhưỡng chính là Triều Tiên mà bạn xem trên các bản tin.
Thủ đô giống như phòng trưng bày quốc gia, là nhà của những người dân được tin tưởng và nhiều đặc quyền nhất Triều Tiên.
Đây cũng là nơi mà mỗi sáng thường diễn ra những màn đồng diễn vẫy cờ khích lệ người dân lao động hăng say của những phụ nữ Triều Tiên trong đồng phục chỉn chu. Kỷ luật, tinh thần cống hiến và lòng nhiệt thành là những điều bạn luôn phải tâm niệm nếu bạn thuộc về ba triệu người sống tại Bình Nhưỡng.
Những năm gần đây, ở Bình Nhưỡng mọc lên rất nhiều dự án đầy tham vọng. Trên con phố Ryomyong, chúng tôi tìm thấy một “cửa hàng Apple phiên bản Triều Tiên”. Quản lý cửa hàng điện thoại mang thương hiệu Arirang này cho biết họ là một trong ba nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu Triều Tiên.
Một chiếc điện thoại thông minh Arirang có giá khoảng 350 USD. Khi được hỏi người dân lấy tiền đâu ra để mua chúng, cô nhân viên quản lý chỉ trả lời rằng cuộc sống tại Triều Tiên đã khởi sắc.
Dù thu nhập trung bình của người dân Triều Tiên chỉ rơi vào khoảng 1000 – 2000 USD/năm, tương đương 3 – 5 USD/ngày, cuộc sống ở Bình Nhưỡng thực sự đang thay đổi. Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính, kinh tế Triều Tiên năm 2016 tăng trưởng 4%.
Thực tế trên có lẽ giúp phần nào giải thích cho xu hướng sắm sửa các thiết bị công nghệ hiện đại của người dân Bình Nhưỡng ngày nay.
Một khách hàng đang nghe nhạc trên chiếc điện thoại cô mới mua và chơi một trò gì đó tương tự trò Angry Birds.
Cô ấy nói rất thích chia sẻ ảnh với bạn bè và chụp selfie. Chúng tôi cùng chụp chung một tấm. Camera trên chiếc điện thoại cô ấy cầm trên tay cho ra hình ảnh còn sắc nét hơn cả điện thoại của tôi.
Người dân Triều Tiên có thể làm gần như mọi thứ trên điện thoại di động. Dù vậy, điều họ không thể làm là kết nối mạng Internet. Thứ họ có là một mạng intranet do nhà nước kiểm soát, bị kiểm duyệt gắt gao.
Tôi được biết Triều Tiên có một phiên bản Google của riêng họ, nơi thao tác tìm kiếm chỉ hiển thị ra những nội dung chính phủ cho phép. Họ cũng có phiên bản mạng xã hội tương tự Facebook. Họ có cả những phòng chat, tương tự AOL những năm 1990 và thậm chí cả hẹn hò qua mạng.
Người phụ nữ Triều Tiên tới một cửa hàng điện thoại di động trên con phố Ryomyong, Bình Nhưỡng, để hỏi về thiết bị mà cô từng mua ở đây.
Chúng tôi sau đó tới một cửa hàng bách hóa để mua sắm. Cửa hàng bày bán chủ yếu các sản phẩm xuất xứ từ Triều Tiên, như bia Taedonggang. Nhưng bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, vẫn có nhiều sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc xuất hiện.
Ở khu ăn uống trên tầng cao nhất, chúng tôi nhìn thấy vô vàn món ăn Triều Tiên và cả đồ ăn nhanh phong cách Mỹ.
Chúng tôi dùng thử sữa lắc và khoai tây chiên bán trong một quầy đồ ăn nhìn giống cửa hàng McDonald’s như tạc. Chúng ngon một cách đáng kinh ngạc.
Kinh tế phát triển đồng nghĩa với việc người dân Triều Tiên giờ đây có nhiều cách giải trí khi rảnh rỗi hơn. Chúng tôi tới thăm một lăng mộ và ngôi đền gần thành phố, bất chợt, nghe thấy tiếng nhạc và tiếng cười nói phát ra từ trong rừng.
Đó là một nhóm công nhân nhà máy đang cắm trại và hát karaoke. Họ vui vẻ chia sẻ bữa ăn với chúng tôi và thậm chí còn vui vẻ hơn khi xõa tóc xuống.
Chúng tôi nghĩ người Triều Tiên lao động chăm chỉ. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ họ cũng tiệc tùng hết mình đến vậy.
Các món ăn nhóm công nhân Triều Tiên chuẩn bị cho buổi cắm trại.
Ngọn núi thiêng
Chúng tôi lên một chuyến bay của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo tới huyện Samjiyon, cách Bình Nhưỡng gần 650 km về phía bắc, nằm ngay sát biên giới với Trung Quốc. Máy bay chở chúng tôi là một chiếc Antonov AN-24 do Nga sản xuất, đã hoạt động gần 50 năm nhưng trông vẫn khang trang. Đội ngũ tiếp viên là những cô gái khả ái, tuổi từ 18 đến 25.
Samjiyon nằm cách không xa địa điểm mà Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử ICBM lần hai hồi tháng 7.
Nhưng chúng tôi không đến đây vì tên lửa.
Chúng tôi muốn tới núi Trường Bạch, ngọn núi lửa chưa tắt và là điểm cao nhất trên bán đảo Triều Tiên. Núi Trường Bạch là địa điểm vô cùng linh thiêng đối với người dân nước này, cũng như đối với người dân nước láng giềng phía nam.
Truyền thông Triều Tiên thường ca tụng gia tộc họ Kim là những người “mang trong mình dòng máu núi Trường Bạch” cao quý.
Chúng tôi lái xe nhiều giờ liền, băng qua những con đường đất bụi bặm. Chúng tôi chưa bao giờ có thể đi sâu vào vùng nông thôn Triều Tiên tới vậy. Cơ sở hạ tầng ở đây khá thiếu thốn, vắng bóng những con đường lát phẳng.
Xe tải hạng nặng và công trường xây dựng là những dấu hiệu ít ỏi cho thấy sự phát triển. Người giám sát không cho phép chúng tôi chụp ảnh hay thậm chí dừng xe lại quan sát.
Chúng tôi cuối cùng cũng tới được trung tâm huyện Samjiyon. Hình ảnh nổi bật nhất nơi đây là một tượng đài khác của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. Cả đoàn được đưa tới một ngôi nhà găm đầy lỗ đạn. Theo người hướng dẫn, đây là nơi ông Kim Nhật Thành lãnh đạo một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào quân Nhật trong quá khứ.
Chúng tôi tiếp tục đi để đến một địa điểm mà người Triều Tiên coi là linh thiêng: Cabin nơi cố lãnh đạo Kim Jong-il sinh ra. Người hướng dẫn kể cho chúng tôi câu chuyện đầy bí ẩn về ngày ông Kim chào đời.
“Đấy là một ngày lạnh giá và thời tiết không hề bình thường. Nhưng bằng cách nào đó, những cơn gió mạnh bỗng ngừng thổi, mặt trời bắt đầu chiếu sáng. Mọi thứ sáng bừng lên và sự yên bình bao trùm tất cả. Những bông hoa nở tung và trên bầu trời xuất hiện một ngôi sao sáng lòa”, người hướng dẫn miêu tả.
“Đây là truyền thuyết hay sự thật”, tôi hỏi.
Cô hướng dẫn viên khẳng định câu chuyện hoàn toàn có thật. “Không phải truyền thuyết. Tướng quân là người Chúa trời phái xuống cho chúng tôi. Vì thế, ông ấy làm biến đổi cả thời tiết”.
Nhóm người Triều Tiên chụp ảnh tại địa điểm được cho là nơi sinh của cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Tôi nhận ra rằng đấy là đức tin của họ. Nó giống như Kinh thánh, kinh Koran hay Torah. Tìm đến núi Trường Bạch cũng có nghĩa là họ đang thực hiện một cuộc hành hương.
Đi tiếp hướng về đỉnh núi, cả đoàn lại gặp một dấu hiệu liên quan đến gia tộc họ Kim: Chữ ký của ông Kim Jong-il, được khắc lên núi.
Gió mạnh cản bước đáng kể chúng tôi, song khi tới gần đỉnh núi, gió bỗng ngưng bặt. Tôi bắt gặp cảnh tượng có lẽ là đáng nhớ nhất cuộc đời mình: Một miệng núi lửa xanh như ngọc, nằm lọt giữa những đỉnh núi nhọn phủ tuyết.
Giờ tôi đã hiểu vì sao ngọn núi này lại mang đến cảm xúc sâu đậm như vậy cho người dân Triều Tiên.
Nó là biểu tượng cho cuộc sống của người dân Triều Tiên: Một hành trình gian nan, khó khăn với hy vọng về một tương lai tươi đẹp phía trước.
Một tương lai tươi đẹp, nếu họ tiếp tục thề trung thành với lãnh đạo tối cao.