Tổng thống Mỹ có thể bị phế truất thông qua quá trình luận tội và xét xử của Quốc hội hoặc từ sự đề xuất của phó tổng thống và đa số thành viên Nội các.
Cách điều hành khác thường của Donald Trump trong ba tuần qua dẫn tới việc các nhà cái thi nhau tung ra tỉ lệ cược về khả năng ông có thể bị luận tội.
Theo Hiến pháp và trên thực tế, tổng thống Mỹ có quyền lực rất lớn khi vừa là người đứng đầu quốc gia, vừa là người đứng đầu nhánh hành pháp. Tuy nhiên, quyền lực này bị giới hạn và kiểm soát bởi mô hình tam quyền phân lập với cơ chế “kiểm soát và cân bằng”. Hiến pháp Mỹ cũng nêu rõ những quy định về việc bãi miễn tổng thống.
Luận tội và kết tội
Theo Hiến pháp Mỹ, luận tội được định nghĩa là “biện pháp phế truất tổng thống, phó tổng thống, các thẩm phán liên bang và các quan chức liên bang khác”.
Tại Mỹ, luận tội nằm trong thẩm quyền của ngành lập pháp, là việc chính thức truy tố một viên chức dân sự nào của chính phủ vì những hành động phạm pháp thực hiện trong khi đang tại chức.
Dù bị luận tội, tổng thống sẽ không bị sa thải ngay lập tức. Đây là quá trình lâu dài và người bị xét xử có thể sẽ không bị cách chức. Nói cách khác, việc xét xử quan chức về những tội truy tố này hoàn toàn độc lập với việc kết án, phế truất người này.
Mục 4, Điều II Hiến pháp Mỹ nêu rõ: “Tổng thống, phó tổng thống và các viên chức dân sự khác của Mỹ sẽ bị truất phế dựa trên sự luận tội vì bị kết án là phản quốc, hối lộ hay các tội nặng nhẹ khác”.
Hạ viện là nơi có quyền duy nhất luận tội trong khi đó Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử tổng thống và phó tổng thống. Việc phế truất các viên chức bị luận tội là tự động nếu bị Thượng viện xét là có tội.
Quá trình luận tội một tổng thống bắt đầu tại Hạ viện, nơi Ủy ban Tư pháp Hạ viện mở các phiên điều trần. Tại đây, các tội danh của tổng thống được đưa ra xem xét và nếu được thông qua, Hạ viện sẽ tiếp tục thảo luận để bỏ phiếu quyết định tổng thống có tội hay không.
Một khi có tội, tổng thống sẽ bị xét xử tại Thượng viện và bị cách chức nếu 2/3 Thượng viện nhất trí điều này.
Trong lịch sử nước Mỹ, 2 tổng thống từng bị luận tội nhưng đều không bị phế truất là Andrew Johnson và Bill Clinton. Ngoài ra, Tổng thống Richard M. Nixon đã từ chức trước khi bị luận tội do vụ bê bối Watergate.
Đề xuất của phó tổng thống và nội các
Tổng thống Mỹ còn có thể bị bãi miễn theo cách khác. Điều 4 Tu chính án số 25 quy định vì bất cứ lý do nào, nếu phó tổng thống và đa số nội các quyết định rằng tổng thống “không thể đảm đương quyền hạn và các chức trách tại nhiệm sở”, họ có thể “sa thải” ông chủ Nhà Trắng bằng cách gửi đề nghị cho hai người: chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện tạm quyền (vị trí thứ hai ở Thượng viện Mỹ sau phó tổng thống – người đảm nhiệm vai trò chủ tịch viện này).
Sau đó, phó tướng ngay lập tức trở thành “tổng thống lâm thời” và tiếp nhận toàn bộ quyền lực từ tổng tư lệnh quân đội. Như vậy, trên lý thuyết, tại bất cứ thời điểm nào, phó tổng thống và bất cứ 8 thành viên nào của nội các cũng có thể loại bỏ người đứng đầu quốc gia.
Tổng thống được quyền kháng cự biện pháp này, tuy nhiên sau đó vấn đề có thể được đưa trước Quốc hội để giải quyết bằng bỏ phiếu. Tổng thống sẽ bị “sa thải” nếu 2/3 thành viên ở cả Hạ viện và Thượng viện nhất trí như vậy.
Điều 4 Tu chính án 25 chưa bao giờ được áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, trong vài tháng nay, những lời đồn về việc Tổng thống Trump có hành vi xử sự kỳ lạ và tâm lý bất ổn đang ngày càng tăng lên. Nếu tình trạng thể chất hay tinh thần của ông Trump thực sự có vấn đề thì đây có thể là căn cứ cho thấy đương kim tổng thống khó có thể đảm đương trọng trách điều hành đất nước.
Theo trang Vox, Tu chính án 25 tồn tại như một giải pháp tình thế đối với việc tổng thống không đủ sức khỏe để làm việc và được áp dụng khi những phó tổng thống và nội các có đủ quyết tâm để thông báo cho Quốc hội về điều này.
Ngụy An/Zing