Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 15/5 cho biết, các lực lượng nước này đã sẵn sàng phản công nhưng họ vẫn cần được cung cấp thêm vũ khí và thiết bị mới để tránh tổn thất nặng nề.
Mục đích của Ukraine
Kể từ cuối năm 2022, đã có những cuộc thảo luận về một cuộc phản công lớn của Ukraine. Vì lý do an ninh, Kiev vẫn chưa công bố thời điểm cụ thể, song các chuyên gia phương Tây dự đoán hoạt động này có thể diễn ra từ cuối tháng 5 cho đến tuần đầu tiên của tháng 6.
Thế nhưng, Tổng thống Zelensky đã gây bất ngờ khi tuyên bố “cuộc phản công có thể bị trì hoãn” và Ukraine “cần nhiều thời gian hơn”. Nhận định về tuyên bố này, ông Simon Schlegel, nhà phân tích cấp cao về Ukraine tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế lưu ý: “Sở dĩ ông Zelensky nói như vậy là vì kỳ vọng đối với cuộc phản công đang vượt quá tầm kiềm soát. Đã có những ý kiến cho rằng Ukraine chỉ có duy nhất một cơ hội này để xoay chuyển tình thế. Vì thế nhà lãnh đạo Ukraine muốn hạ thấp kỳ vọng”.
Hôm 9/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Ukraine đã có mọi thứ cần thiết cho cuộc phản công, trong đó có cả những loại vũ khí quan trọng và các binh sỹ được đào tạo bài bản ở phương Tây. Theo ông, việc vạch ra kế hoạch hành động hoàn toàn phụ thuộc vào bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang của họ. Tuy vậy, Tổng thống Zelensky vẫn nói rằng quân đội nước này cần thêm khí tài quân sự.
Nhà phân tích Schlegel cho rằng: “Trong tình huống này Ukraine không thể nói họ đã có đủ. Vấn đề không chỉ nằm ở việc cung cấp vũ khí mà còn ở việc cung ứng đủ đạn dược, phụ tùng thay thế, bảo trì bảo dưỡng. Dự trữ đạn dược chính là nút thắt cổ chai mà ông Zelensky muốn nới rộng trước khi mạo hiểm tính mạng của các binh sỹ”.
Ông Max Bergmann, giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cũng đồng ý với quan điểm trên. Ông giải thích: “Chúng tôi biết người Ukraine đã có rất nhiều xe tăng, xe bọc thép chở quân và phương tiện vận chuyển khác. Tôi chắc chắn họ vẫn đang chờ đợi thêm các đợt viện trợ mới. Nhưng nếu họ vẫn chần chừ chưa muốn phản công thì điều này sẽ cho phép Nga có thêm thời gian củng cố hệ thống phòng thủ và chuẩn bị phản ứng đáp trả”.
Tuy vậy, một số nhà phân tích phương Tây nhận định, tuyên bố của Tổng thống Zelensky có lẽ đã được tính toán kỹ lưỡng để “đánh lạc hướng” Moscow, khiến họ tin rằng cuộc phản công đã bị trì hoãn trong khi trên thực tế nó đã thực sự bắt đầu.
Ông Neil Melvin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết, điều quan trọng là phải hiểu rõ khái niệm “phản công”.
“Tôi từng tưởng tượng rằng, đó là một khoảnh khắc cực kỳ khắc nghiệt và dữ dội khi tất cả xe tăng đều lao về phía trước và bộ binh ồ ạt tiến theo sau. Nhưng thực tế, phản công là một quá trình lâu dài. Tôi cho rằng cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu. Những gì họ đang làm là cố gắng định hình chiến trường theo cách của họ và phân tán các lực lượng Nga theo nhiều hướng khác nhau. Họ đang cố gắng tìm sơ hở của đối phương bằng cách thăm dò và di chuyển lực lượng xung quanh”.
Ukraine cần những vũ khí nào cho cuộc phản công?
Theo Bloomberg, kể từ tháng 12/2022, Ukraine đã tiếp nhận số vũ khí phương Tây trị giá khoảng 30 tỷ USD – nhiều hơn ngân sách quốc phòng thường niên của bất cứ quốc gia nào trong khối NATO (trừ Mỹ). Kể từ khi xung đột nổ ra đến nay, tổng số tiền viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine đã vượt quá 67 tỷ USD.
Nhưng Ukraine cho biết, họ vẫn cẫn có thêm vũ khí tầm xa, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không. Hôm 11/5, Anh tuyên bố đã cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow có tầm bắn có thể lên đến 560 km. Chuyên gia Neil Melvin cho rằng, những loại vũ khí này có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi.
“Điều mà Ukraine cần làm là tấn công và làm suy yếu khả năng phòng thủ của Nga. Trước đó Mỹ đã cung cấp hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS và Kiev đã dùng hệ thống này phá hủy các trung tâm hậu cần, gây thiệt hại lớn cho đối phương. Nhưng Nga đã tìm biện pháp phù hợp. Họ đã di chuyển những cơ sở này ra khỏi tầm bắn của HIMARS. Với tên lửa Storm Shadow, Ukraine có thể tiếp tục tấn công các mục tiêu đó”.
Một số chuyên gia cho rằng, thành công hay thất bại của cuộc phản công sẽ phụ thuộc vào khả năng phối hợp chính xác và nhanh chóng giữa các đơn vị trong lực lượng vũ trang Ukraine, cũng như các cơ quan trong chính phủ nước này.
“Ukraine cần phải kết hợp hiệu quả giữa các lực lượng không quân, lực lượng mặt đất, cộng đồng tình báo, giới lãnh đạo chính trị khi tiến hành cuộc phản công để phá vỡ phòng tuyến của Nga và phải duy trì điều này trong suốt giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột”, ông Melvin lưu ý.
Một số nhà phân tích phương Tây không loại trừ khả năng Ukraine phản công thất bại. Điều này có thể khiến Mỹ và các nước châu Âu cắt giảm hỗ trợ cho họ và gây sức ép buộc Ukraine đạt được một lệnh ngừng bắn theo các điều khoản không có lợi.
Ông Schlegel lưu ý, kết quả cuộc phản công sẽ quyết định mức độ ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine trong giai đoạn tiếp theo. Nhưng hiện giờ đang có những lời kêu gọi cần phải hỗ trợ chiến lược dài hạn cho Ukraine, ngay cả khi các lực lượng nước này không đạt được mục tiêu đề ra trong chiến dịch xuân hè. Trước đó vào tháng 3, các nhà lãnh đạo EU đã bắt đầu xem xét việc tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược, không chỉ để lấp đầy kho dự trữ mà còn để cung cấp cho Ukraine.
“Trong hầu hết các kịch bản được đưa ra, không kịch bản nào cho thấy cuộc phản công sẽ giúp chấm dứt hoàn toàn xung đột Nga-Ukraine trong mùa hè năm nay. Phương Tây cần phải tính đến việc xung đột sẽ kéo dài và cần tiếp tế nguồn lực để Ukraine có thể đứng vững trong một cuộc chiến tiêu hao trước đối thủ có sức mạnh áp đảo hơn”./.
Hồng Anh/VOV.VN