Bộ Giao thông Công chính Campuchia đã khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc nối thủ đô Phnom Penh với Thành phố Bavet (Tỉnh Svay Rieng), tiếp giáp biên giới Việt Nam. Đây là tuyến cao tốc dự kiến sẽ nối liền với TP. HCM đến Phnom Penh qua cao tốc TP. HCM – Mộc bài
Tuyến đường cao tốc Phnom Penh – Bavet ( ảnh minh họa)
Dự án đường cao tốc Phnom Penh – Bavet có chiều dài toàn tuyến là 135,1 km, cùng 3,7 km đường dẫn cho các công trình cầu bắc qua sông rạch, với tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD, thực hiện theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) với thời gian khai thác 50 năm.
Trong đó 20% do Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) đầu tư, 80% còn lại từ nguồn vốn vay của công ty này.
Cùng với dự án trên, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã quyết định đầu tư 232,58 triệu USD xây dựng cầu bắc qua sông Mekong nối xã Dei Edth, huyện Kien Svay, với xã Thmor Kor, huyện Lvea Em (tỉnh Kandal) thông qua đường vành đai 3 và kết nối dự án đường cao tốc Phnom Penh – Bavet.
Cả hai dự án đều chung nhà thầu xây dựng CRBC, dự kiến hoàn thành trong năm 2027, sau 48 tháng thi công.
Tuyến đường cao tốc kết nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Bavet sẽ mang lại nhiều cơ hội khi kết nối với tuyến đường cao tốc mà Việt Nam sẽ xây dựng, nối liền hệ thống đường cao tốc từ TP. HCM đến Phnom Penh, và giữa Phnom Penh với Bangkok của Thái Lan. Cụ thể, tuyến cao tốc Phnom Penh – Bavet giáp cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), dự kiến sẽ kết nối với đường cao tốc Mộc Bài – TP. HCM của Việt Nam.
Trước đó, Ban quản lý Dự án Đầu tư các công trình giao thông TP. HCM (TCIP) đã kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cao tốc nối TP. HCM với tỉnh Tây Ninh đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có chiều dài hơn 50 km, nối TP.HCM đi Tây Ninh đến của khẩu quốc tế Mộc Bài kết nối Campuchia qua tuyến cao tốc Phnôm Pênh – Bavet cũng đang triển khai.
Dự án đi qua địa phận TP.HCM dài 23,7 km và đoạn qua Tây Ninh dài 26,3 km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, tuyến đi song song quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.
Về vốn cho dự án, TCIP cho biết kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng, chiếm 29% tổng phần vốn nhà nước tham gia dự án; chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương nhằm bảo đảm giải ngân trong năm 2025, trong đó Tây Ninh 1.532 tỷ đồng và TP.HCM 1.368 tỷ đồng.
Sau khi hình thành và đi vào khai thác, đây sẽ là tuyến xuyên Á quan trọng, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đầu mối hàng không và cảng biển quốc tế, rút ngắn khoảng cách với nước bạn Campuchia…
Trần Lê / Vietnamfinance