Nếu Trung Quốc bác phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA), vấn đề Biển Đông có thể được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngày 4/6, trong cuộc họp báo lên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore, Chuẩn Đô đốc Quan Hữu Phi, vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Quân ủy Trung ương Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố nước này sẽ không chấp hành phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện “đường 9 đoạn” Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông, theo AP.
Năm 2013, Philippines đệ đơn lên PCA, kiện yêu sách chủ quyền phi lý theo đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra, đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông. PCA tuyên bố mình có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện, và sẽ ra phán quyết cuối cùng vào tháng 6.
Ngay từ khi Philippines khởi kiện, Trung Quốc đã liên tục tuyên bố không tham gia vụ kiện đồng thời sẽ bác bỏ mọi phán quyết của tòa. Dù PCA không có quyền lực thi hành phán quyết của mình, giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng vụ việc sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để xem xét xử lý, theo Interpreter.
Greg Raymond, thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, Australia, nhận định rằng so với Toà án Công lý quốc tế (ICJ), PCA có ít có quyền lực hơn khi cơ quan này không có điều khoản nào tương đương với điều 94 của Liên Hợp Quốc, trong đó quy định bất kỳ bên nào trong một vụ kiện không tuân thủ phán quyết của tòa án thì có thể bị đưa ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng Bảo an có thể đưa ra kiến nghị hoặc quyết định buộc bên không tuân thủ phải thi hành phán quyết.
Tuy nhiên, bác bỏ một phán quyết của PCA đồng nghĩa với việc không tôn trọng luật pháp quốc tế. Như vậy, các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể nhóm họp và ra nghị quyết về vấn đề này. Nội dung nghị quyết có thể chỉ rõ việc phớt lờ phán quyết của PCA sẽ làm xói mòn uy tín của UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển) và phủ nhận mọi nỗ lực ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ để đàm phán thành công văn bản này.
Ngoài ra, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng có thể xếp loại vấn đề Biển Đông như một tranh chấp gây xung đột quốc tế và do vậy nó phải thuộc thẩm quyền nhiệm vụ của cơ quan quyền lực này.
Mặc dù Trung Quốc (có thể là Nga) sẽ lên tiếng phản đối, các thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an nhiều khả năng sẽ đồng ý xem xét nghị quyết. Theo Raymond, có ít nhất hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an là Mỹ và Anh chắc chắn sẽ ủng hộ. Mỹ tuy chưa phê chuẩn UNCLOS, nhưng Tổng thống Obama luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng các phán quyết của PCA. Thủ tướng Anh David Cameron gần đây cũng bày tỏ hy vọng Trung Quốc tuân thủ các phán quyết được đưa ra
Chỉ còn lại Pháp là khó dự đoán. Paris và các thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế nhưng Pháp hiện chưa muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, cũng như tố cáo các hành động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, chẳng hạn như tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông năm 2013.
Trong khi đó, một số ủy viên không thường trực có thể sẵn sàng ủng hộ một cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an về vụ việc này. Nhật đang dùng khái niệm “trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ” để đề cập vấn đề Biển Đông.
Australia đang dành sự quan tâm lớn tới việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng luật pháp quốc tế và các biện pháp hòa bình. Canberra cho rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là một yêu sách không thể chấp nhận và các hành động của Bắc Kinh không phù hợp với trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ. Bất kỳ phán quyết nào của PCA phản đối “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đều tạo ra cơ hội để Australia mở rộng và tăng cường các biện pháp tiếp cận vấn đề Biển Đông theo quan điểm cứng rắn của mình.
Trung Quốc có thể đe dọa trả đũa kinh tế và từng bị cáo buộc là đã sử dụng chiêu bài này để chống lại các nước. Điển hình là việc hạn chế kim ngạch xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi căng thẳng ở Biển Hoa Đông leo thang năm 2010. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như chỉ muốn dừng lại ở mức độ cảnh báo, làm gián đoạn thương mại với Australia, bởi những quan hệ kinh tế mật thiết với nước này.
Một điểm thuận lợi đối với Australia là nước này từng đứng lên như một cường quốc ủng hộ việc thiết lập trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ. Năm 1986, ICJ cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nicaragua vi phạm luật pháp quốc tế nên yêu cầu Washington phải giảm sự ủng hộ đối với các hoạt động quân sự và bán quân sự cho nước này. Sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết kêu gọi Mỹ phải tuân thủ. Australia khi đó với tư cách là ủy viên không thường trực đã kiên quyết ủng hộ nghị quyết này.
“Tình hình hiện nay dường như giống với 30 năm trước. Nếu sự việc tiếp tục phát triển tiêu cực, Australia chắc chắn sẽ công khai đứng lên phản đối việc Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế”, ông Raymond khẳng định.
Nguyễn Hoàng
Theo Vnexpress