Các chuyên gia của SSI cho rằng dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân sẽ quay lại TTCK Việt Nam, khiến VN-Index có một số bước nhảy vọt trong năm 2024. Bên cạnh đó, diễn biến dòng tiền ngoại cũng sẽ thuận lợi hơn năm trước.
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 vừa công bố, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định vận động giữa dòng tiền và yếu tố cơ bản có thể dẫn tới những phản ứng khác nhau của TTCK trong năm 2024.
Về các yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng tới thị trường, do năm 2023 là một năm có nhiều biện pháp giúp “trì hoãn thời gian” chờ thị trường bất động sản (BĐS) và tài chính trở lại trạng thái bình thường, một sự hồi phục đang được kỳ vọng để giúp hệ thống tài chính có thể tránh được những thách thức lớn trong năm 2024.
“Chúng tôi tin rằng nhiều khả năng phục hồi kinh tế sẽ diễn ra rõ nét hơn vào nửa cuối năm 2024, với xuất khẩu tăng nhờ lãi suất toàn cầu giảm và niềm tin người tiêu dùng dần quay lại. Trong nước, tâm điểm chính vẫn sẽ là sự phục hồi của ngành BĐS trong bối cảnh các doanh nghiệp BĐS đang cần phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án và tỷ lệ cho vay BĐS hiện vẫn ở mức cao. Nếu như thanh khoản tại thị trường BĐS và trái phiếu doanh nghiệp không phục hồi nhanh, niềm tin người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng”, chuyên gia của SSI đánh giá.
SSI dự báo sự phục hồi của thị trường BĐS sẽ phân hóa giữa các phân khúc và cần thêm thời gian để có thể tiến đến phục hồi hoàn toàn. Các công ty BĐS có sức khỏe tài chính tốt mới có thể vượt qua thách thức trong 2024.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể đạt mức cao nhất trong quý III/2024 sau đó giảm trở lại.
Theo SSI, triển vọng ngành BĐS và ngân hàng có thể chưa thuận lợi ngay trong năm 2024. Quá trình phục hồi kỳ vọng diễn ra từ từ, chưa kể một số yếu tố cần theo dõi chặt chẽ bao gồm dự thảo thuế đất hiện đang được Bộ Tài chính xây dựng sẽ có tác động lớn đến nhu cầu BĐS. Những yếu tố cần theo dõi chặt chẽ khác bao gồm tình hình địa chính trị trên thế giới và các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế trong nước.
Về mặt dòng tiền, SSI nhấn mạnh lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế (giá vàng đã tăng đáng kể, trong khi ngành BĐS và TPDN cần nhiều thời gian để hồi phục).
“Dòng vốn này có thể quay lại TTCK trong các giai đoạn của năm 2024. Do nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 92,2% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường năm 2023, chúng tôi dự đoán VN-Index sẽ có một số bước nhảy vọt trong năm 2024 nhờ dòng vốn này”, báo cáo cho biết.
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã có một năm rút ròng trong năm 2023, SSI cho rằng xu hướng này sẽ đảo chiều trong năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của Fed và cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong 2024-2025. Việc nâng hạng lên Thị trường mới nổi là sự kiện nhà đầu tư đã mong chờ từ lâu. Mặc dù dòng vốn vào của NĐTNN có thể chưa hồi phục ngay lập tức nhưng ít nhất áp lực bán của khối ngoại sẽ không còn mạnh mẽ như năm trước.
Tóm lại, SSI cho rằng cả dòng vốn NĐT cá nhân và nước ngoài đều thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong năm nay, trong khi nền tảng cơ bản vẫn còn quan ngại về một số yếu tố cần theo dõi. “Năm 2024 dự kiến là một năm biến động mạnh, với sự phục hồi mạnh có thể nối tiếp ngay sau điều chỉnh sâu. Chúng tôi khuyến nghị mua khi thị trường điều chỉnh mạnh”, báo cáo nêu.
Các chuyên gia của SSI cho rằng giá trị hợp lý cho VN-Index cuối năm 2024 là 1.300 điểm mặc dù trong năm có thể có những thời điểm thị trường vượt được ngưỡng này. Về các chủ điểm đầu tư của năm, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là động lực chính giúp cổ phiếu tăng vượt trội trong năm nay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục, tỷ suất cổ tức cao đang trở thành một yếu tố hấp dẫn.
Thanh Long / Vietnamfinance