Ngày 27/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nước này có thể chạm trần nợ công, sớm nhất vào giữa tháng 1/2025, đồng thời kêu gọi Quốc hội “hành động để bảo vệ lòng tin và mức độ tín nhiệm” của quốc gia.
Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện, nghị sĩ Mike Johnson và các nhà lập pháp khác, Bộ trưởng Yellen cho biết: “Nợ công dự kiến sẽ đạt đến trần mới trong khoảng thời gian từ ngày 14/1 – 23/1, khi đó Bộ Tài chính sẽ cần phải bắt đầu thực hiện các biện pháp đặc biệt” để có thể tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của chính phủ, ngăn chặn việc vỡ nợ.
Trước đó, Quốc hội đã tăng mức giới hạn hơn 100 lần để cho phép chính phủ thực hiện được các cam kết chi tiêu.
Tuy nhiên, những người bảo thủ phản đối tăng khoản vay khổng lồ của quốc gia, hiện đang ở mức 36.200 tỷ USD, và nhiều đảng viên Cộng hòa chưa bao giờ bỏ phiếu ủng hộ việc này.
Nếu trần nợ không được nâng lên hoặc dỡ bỏ trước khi các công cụ của Bộ Tài chính cạn kiệt, chính phủ có nguy cơ vỡ nợ, gây tác động sâu sắc đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden ký đạo luật nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa nhưng không bao gồm yêu cầu nợ cốt lõi của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ quốc gia. Dự luật chỉ được Quốc hội thông qua sau cuộc tranh luận nội bộ gay gắt giữa các đảng viên Cộng hòa về cách giải quyết yêu cầu của tổng thống đắc cử Trump. “Bất cứ điều gì khác đều là sự phản bội đất nước chúng ta,” ông Trump nói trong một tuyên bố.
Sau cuộc tranh luận kéo dài vào mùa hè năm 2023 về cách cấp vốn cho chính phủ, các nhà hoạch định chính sách đã xây dựng Đạo luật Trách nhiệm Tài chính, trong đó bao gồm việc đình chỉ quyền vay 31,4 nghìn tỷ USD của quốc gia cho đến ngày 1/1/2025.
Tuy nhiên, đáng chú ý là bà Yellen cho biết, vào ngày 2/1/2025, khoản nợ dự kiến sẽ tạm thời giảm do việc mua lại các chứng khoán không thể bán được theo lịch trình do quỹ tín thác liên bang nắm giữ có liên quan đến các khoản thanh toán Medicare. Do đó, “Bộ Tài chính không cho rằng cần phải bắt đầu thực hiện các biện pháp đặc biệt vào ngày 2/1 để ngăn chặn Mỹ vi phạm nghĩa vụ của mình”, bà nói.
Nợ liên bang hiện ở mức khoảng 36.000 tỷ USD – con số này tăng vọt ở cả chính quyền Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Và sự gia tăng lạm phát sau đại dịch COVID-19 đã đẩy chi phí đi vay của chính phủ lên cao đến mức nghĩa vụ nợ vào năm tới sẽ vượt quá chi tiêu cho an ninh quốc gia.
Đảng Cộng hòa, những người sẽ có toàn quyền kiểm soát Nhà Trắng, Hạ viện và Thượng viện trong năm mới, có kế hoạch lớn nhằm mở rộng chương trình cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump và các ưu tiên khác nhưng lại tranh luận về cách thức chi trả.
Theo H.Y / Thị trường tài chính tiền tệ