Hàng tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi thị trường chứng khoán Nga sau thông báo áp thuế toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây dường như là một tín hiệu cho thấy quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đòn áp thuế này mặc dù không nằm trong danh sách các quốc gia bị nhắm mục tiêu.
Nga trúng “đạn lạc”
Trong số 180 quốc gia, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ, bị áp thuế trả đũa trong “Ngày giải phóng”, Nga không có tên trong danh sách.
Một quan chức Nhà Trắng đã tiết lộ rằng Nga “không có trong danh sách này vì các lệnh trừng phạt từ cuộc chiến Ukraine đã khiến thương mại giữa hai nước bằng 0”.
Bên cạnh Nga, các quốc gia khác phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ là Belarus, Cuba và Triều Tiên cũng không phải chịu mức thuế quan trả đũa.
Mặc dù Nga đã tránh được mức thuế quan “có đi có lại” mà Tổng thống Trump công bố trong ngày 2/4, nhưng sự sụt giảm của cổ phiếu Nga làm gia tăng thêm sự bất ổn trong nền kinh tế vốn đã chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng của phương Tây.

Giá trị vốn hóa của các công ty trên Sàn giao dịch chứng khoán Moscow (MOEX) đã giảm 23,7 tỷ USD, từ mức 55,04 nghìn tỷ rúp (651,8 tỷ USD) vào ngày 2/4 xuống còn 53,02 nghìn tỷ rúp (627,9 tỷ USD) vào cuối ngày 4/4.
Chỉ số MOEX Russia (theo dõi 43 công ty đại chúng lớn nhất của Nga) đã mất 8,05% trong tuần – mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2022.
Cổ phiếu của một số công ty lớn nhất của Nga giảm, bao gồm Sberbank (giảm 5,2%), Gazprom (4,9%), công ty thép và than khổng lồ Mechel (7%) và công ty sản xuất khí đốt Novatek (5,4%).
Thêm vào áp lực lên Nga là quyết định tăng gấp 3 lần sản lượng dự kiến vào tháng 5 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ông David Goldman, giám đốc giao dịch tại Novion, nói với Newsweek rằng OPEC muốn bù đắp tác động tiêu cực mà thuế quan sẽ gây ra bằng cách bán thêm dầu, mặc dù điều này “đổ thêm dầu vào lửa thay vì giúp dập tắt nó”.
Hãng tin độc lập của Nga The Bell lưu ý rằng nếu giá dầu tiếp tục giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra bởi thuế quan của Mỹ, Nga có thể phải đi vay để trang trải thâm hụt tài chính.
Nguồn tin này cho biết thêm rằng doanh thu từ năng lượng giảm có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nga khó cắt giảm lãi suất hơn và chi phí đi vay cao hơn sau đó sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, bà Yelena Kozhukhova, một nhà phân tích tại Veles Capital ở Moscow, cho biết triển vọng về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ làm giảm giá năng lượng và tăng chi phí nhập khẩu sẽ gây tổn hại cho Nga do nước này phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa.
Phản ứng cứng rắn từ Trung Quốc
Sự hỗn loạn xảy ra trên toàn cầu khi khoảng 2,5 nghìn tỷ USD bị xóa sổ khỏi Phố Wall và giá cổ phiếu ở các trung tâm tài chính khác.
Ngày 5/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun cho biết “thị trường đã lên tiếng” khi phản đối thuế quan và kêu gọi Washington tham vấn.

Bắc Kinh đã đáp trả bằng mức thuế quan trả đũa 34% đối với Mỹ sau khi Tổng thống Trump áp dụng mức thuế 34% đối với hàng hóa Trung Quốc ngoài mức thuế 20% hiện có.
Ông Craig Singleton, giám đốc cấp cao của Chương trình Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD), nói với Newsweek rằng bằng cách áp dụng mức thuế quan tương tự mức ông Trump công bố, Trung Quốc đang gửi tín hiệu tới cả người dân trong và ngoài nước rằng “Trung Quốc sẽ không bị dồn vào chân tường hay khuất phục”.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ mở rộng các biện pháp trả đũa nhưng không dừng lại ở mức phá vỡ hoàn toàn. Những động thái này có thể bao gồm nhiều cuộc điều tra theo quy định hơn, đặc biệt là trong chống độc quyền và an ninh mạng, nhắm vào các công ty lớn của Mỹ. Kiểm soát xuất khẩu cũng có thể thắt chặt hơn nữa đối với các khoáng sản chiến lược.
“Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng chịu những đòn giáng kinh tế trong ngắn hạn để chứng minh rằng nước này sẽ không khuất phục trước áp lực. Nhưng đây là một canh bạc: Tổng thống Trump có thể coi đây không phải là sự răn đe mà là bằng chứng cho thấy thuế quan có hiệu quả và sẽ gây sức ép mạnh hơn nữa”, ông Craig Singleton nhận định thêm.
Theo News Week
Minh Đăng / Vietnamfinance.vn