Giá bán lẻ điện sẽ được điều chỉnh tối thiểu 3 tháng/lần. Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Chính phủ mới đây đã ban hành nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ngày 28/3.
Theo đó, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Giá bán điện bình quân được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.
Giá bán lẻ điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% đến dưới 5%, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. EVN sẽ quyết định việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sau khi Bộ Công Thương có ý kiến.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan.
Trên cơ sở ý kiến góp ý các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Chính phủ.
Giá bán lẻ điện bình quân sẽ được xác định trên cơ sở chi phí khâu phát điện, mua điện truyền tải, phân phối – bán lẻ điện, điều độ vận hành hệ thống và điều hành giao dịch thị trường điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành quản lý ngành.
Ngoài ra, các khoản chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó chi phí các khâu có tính đến các khoản giảm trừ giá thành theo quy định.
Liên quan đến giá điện, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký ban hành Quyết định số 07 ngày 31/3/2025 quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Quyết định nêu rõ, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 50 của Luật Điện lực số 61/2024/QH15. Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện và có hiệu lực từ ngày 31/3/2025.
Theo đó, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau:
– Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh.
– Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Mai Anh / Vietnamfinance.vn