Diễn biến mạnh lên của đồng USD gây áp lực tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư, VN-Index mất hơn 15 điểm và thủng mốc 1.255 điểm trong phiên giao dịch ngày 3/1/2025.
Thị trường mở phiên trong sắc đỏ giảm nhẹ dưới tham chiếu nhưng áp lực giảm điểm liên tục được nới rộng trong phiên sáng và tính đến hết phiên sáng thì chỉ số đã ghi nhận mức giảm gần 10 điểm. Động lực giảm điểm chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng với các cổ phiếu như TCB, CTG, VPB, MBB giảm mạnh với thanh khoản khá sôi động, kéo theo sắc đổ lan rộng tại nhóm “trụ” blue-chip.
Diễn biến phiên chiều không khác so với phiên sáng khi chỉ số chung tiếp tục rơi sâu hơn. Mặc dù không xuất hiện hiện tượng bán tháo nhưng sắc đỏ đã lan tỏa ra hầu hết các nhóm ngành. Chỉ số đánh mất các ngưỡng hỗ trợ trên và vẫn đang tìm kiếm điểm cân bằng quanh MA10 tuần.
Rổ VN30 ghi nhận 24/30 cổ phiếu kết phiên dưới tham chiếu. Đóng góp nhiều nhất về phía giảm điểm là TCB, CTG, FPT trong khi ở chiều ngược lại thì chỉ có 3 cổ phiếu ghi nhận sắc xanh nhưng mức tăng cũng không đáng kể là PLX, VCB, SSB.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau 5 phiên lao dốc, trong đó có 3 phiên nằm sàn, YEG đã lấy lại sắc tím và khớp lệnh xấp xỉ 4,7 triệu đơn vị.
Bên cạnh áp lực bán khá mạnh của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng có phiên giao dịch kém khả quan khi bán ròng tới hơn 760 tỷ đồng với tâm điểm bán chính là các cổ phiếu ngân hàng.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 16/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành bảo hiểm, bán lẻ, dịch vụ tài chính dẫn đầu đà giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, sàn HOSE có 69 mã tăng và 353 mã giảm, VN-Index giảm 15,12 điểm (-1,19%) xuống 1.254,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 560,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 13.750 tỷ đồng, tăng 30,93% về khối lượng và 27,88% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.727 tỷ đồng.
Sàn HNX có 55 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index giảm 2,03 điểm (-0,89%) xuống 225,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,48 triệu đơn vị, giá trị gần 817 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,96 triệu đơn vị, giá trị 26,67 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (-0,75%), xuống 94,34 điểm với 145 mã tăng và 137 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 54,86 triệu đơn vị, giá trị 566 tỷ đồng.
Chỉ số đánh mất các ngưỡng hỗ trợ trên và vẫn đang tìm kiếm điểm cân bằng. VNIndex có phiên giao dịch đầu tuần tiệm cận lên sát ngưỡng kháng cự 1.280 điểm với hiệu ứng chốt NAV cuối năm 2024 của thị trường. Tuy nhiên, chỉ số chung vận động điều chỉnh ngay sau đó và càng giảm sâu hơn vào các phiên cuối tuần dưới áp lực bán trả điểm nhóm Ngân hàng và các thông tin vĩ mô liên quan tới tỷ giá kém tích cực.
Theo phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS), trước diễn biến mạnh lên của đồng USD so với các đồng tiền khác, chỉ số hoàn toàn có thể tiếp tục diễn biến rung lắc mạnh để kiểm tra lại các vùng hỗ trợ dưới, cũng như gây ra áp lực tiêu cực lên tâm lý của nhà đầu tư.
“USD vẫn quá mạnh, nhiều tổ chức dự báo Ngân hàng Nhà nước, sẽ tăng lãi suất điều hành trong năm 2025. Đồng bạc xanh liên tục tăng giá trên thị trường quốc tế và tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng duy trì ở mức kịch trần cho phép, nhiều tổ chức phân tích không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2025. Chỉ số USD Index (DXY) đã tăng 0,69% trong phiên giao dịch ngày 2/1/2025 lên 109,24 điểm – mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2022”, VCBS nhấn mạnh.
Với lực cung chưa có dấu hiệu dừng lại, nhà đầu tư cần thận trọng trong việc giải ngân mới vào thị trường, nhưng vẫn có thể duy trì danh mục hiện tại và mua gom dần với tỷ trọng nhỏ với cổ phiếu mục tiêu cho mục đích nắm giữ dài hạn.
Theo Q.L / Thị trường Tài chính tiền tệ