VN-Index có phiên tăng điểm đầu tuần nhờ diễn biến hồi phục ổn định của thị trường chung trên nền thanh khoản yếu. Khối ngoại duy trì đà mua ròng sang phiên thứ 2 liên tiếp.
Thị trường mở cửa đầu tuần trong sắc xanh và đà tăng được duy trì ổn định xuyên suốt phiên giao dịch. Thanh khoản không quá nổi bật nhưng lực cầu chiếm ưu thế giúp chỉ số chung cân bằng. Lực cầu vẫn tiếp tục duy trì tập trung ở các nhóm ngành đã có nhịp giảm điểm mạnh trong các phiên trước như ngân hàng. Tuy nhiên đến nửa cuối phiên nhóm ngân hàng cho thấy rõ sự phân hóa khi các các cổ phiếu như MBB, CTG và SSB đều giảm xấp xỉ 1% trong phiên… Ngoài diễn biến tại nhóm ngân hàng, một số blue-chips hồi phục ổn định như VCB, VHM, GAS giúp nâng đỡ điểm số chung.
Quán tính hồi phục được duy trì trong phiên chiều khi sắc xanh được lan tỏa tốt giữ nhịp cho thị trường. Đà tăng tích cực lan tỏa sang các nhóm ngành khác như công nghệ thông tin (FPT), bất động sản (VHM) và bán lẻ (MSN) giữ cho chỉ số duy trì được đà tăng trong phiên. Tuy nhiên, điểm nhấn trong phiên thuộc về nhóm cổ phiếu điện với TV2 và POW tăng trần, PC1 tăng 2,69%. Mặc dù một vài nhịp giằng co xuất hiện do áp lực chốt lời ngắn hạn nhưng nhìn chung thanh khoản bán chủ động chưa lớn, thị trường vẫn vận động trong xu hướng cân bằng và sắc xanh được duy trì đến hết phiên.
Độ rộng thị trường nghiên về phía tích cực khi các nhóm “trụ” như bất động sản, ngân hàng hay dịch vụ tài chính vẫn duy trì được sắc xanh chung, trong khi chỉ 4/19 nhóm ngành giảm điểm trong phiên hôm nay là viễn thông, xây dựng và vật liệu, dịch vụ bán lẻ và linh kiện phu tùng.
3 “ông lớn” VHM, VCB và VIC là 3 mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số chung hôm nay, đóng góp tổng cộng hơn 2,6 điểm. Ở chiều ngược lại, BID, MBB và TMP là 3 mã “kéo chân” thị trường nhiều nhất.
Thanh khoản là điểm trừ trong phiên hôm nay khi rơi xuống mức thấp hơn trung bình 20 phiên, giá trị giao dịch cả 3 sàn chỉ đạt khoảng hơn 12.960 tỷ đồng.
Sau phiên đảo chiều mua ròng nhẹ cuối tuần trước, đà mua ròng của khối ngoại được duy trì và nới rộng sang phiên hôm nay. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 122 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung mua các mã MSN, CTG, PVS. Ở chiều ngược lại, KDC, VCB và HDB là 3 mã bị bán mạnh nhất.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 6,60 điểm (+0,54%), lên 1.234,70 điểm với 223 mã tăng và 135 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 497,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 11.954 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 88,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.695 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,96 điểm (+0,43%), lên 221,25 điểm, với 77 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 695 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 493 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,13%), lên 91,82 điểm với 171 mã tăng và 122 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 314 tỷ đồng, giảm 48% về khối lượng và giảm 39% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 38 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ, với VN30F2412 tăng 0,40 điểm, tương đương 0,03% lên 1.298,40 điểm, khớp lệnh hơn 178.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.700 đơn vị.
CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, thị trường vẫn duy trì được động lực hồi phục ổn định và áp lực chốt lời chưa quá lớn nên vẫn có thể kì vọng vào xu hướng tăng ngắn hạn. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng những nhịp rung lắc trong phiên để giải ngân từng phần ở những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục, ngoài ra có thể chọn lọc những cổ phiếu có xu hướng ổn định bám sát đường MA20, thu hút được dòng tiền giải ngân và dư địa tăng còn đáng kể từ vùng hỗ trợ, thuộc nhóm ngành có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2024 để tham gia giải ngân. Các nhóm ngành có thể cân nhắc giải ngân lướt sóng ngắn hạn: chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.
Nhận định về chiến lược giao dịch tuần mới, CTCK MB (MBS) cho biết, đối với các nhóm cổ phiếu, sau nhịp giảm hơn 100 điểm vừa qua, một số nhóm cổ phiếu đã tạo được nền tích lũy và nhận được dòng tiền vào bắt đáy dù trên nền thanh khoản thấp như: bất động sản, chứng khoán, dầu khí,… hoặc một số nhóm cổ phiếu có thể được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa như: phân bón, hóa chất, logistics, cảng biển, … hay nhóm cổ phiếu xuất khẩu (dệt may, thủy sản, gỗ) khi xuất nhập khẩu đến nửa đầu tháng 11 đã vượt trên 681 tỷ USD tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023…
Theo Quỳnh Dương / Thị trường Tài chính tiền tệ