Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2016, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết ngân hàng đang làm thủ tục và chờ hướng dẫn cụ thể của Ủy ban chứng khoán Nhà nước để niêm yết theo quy định.

Chiều nay, ngày 28/3, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức ĐHĐCĐ năm 2016. Tại ĐHĐCĐ, một cổ đông đã chất vấn HĐQT về kế hoạch niêm yết trên sàn của ngân hàng và bao giờ sẽ thực hiện.
Trả lời câu hỏi trên, ông Dũng cho biết theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2016, tất cả các ngân hàng phải niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung hoặc Upcom. “Vì vậy, VPBank đã đang tiến hành làm thủ tục để niêm yết theo quy định”, ông Dũng nhấn mạnh.
Muốn chuyển địa điểm trụ sở
Tại đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) đã trình cổ đông về kế hoạch lợi nhuận năm 2016. Theo đó, tổng tài sản đến cuối năm 2016 sẽ tăng lên 246.223 tỷ đồng, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 156.358 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2015 của VPBank, tổng tài sản đạt 193.876 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ đạt 116.804 tỷ đông, tương đương 49% so với cuối năm 2014, lợi nhuận trước thuế đạt 3.096 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 2,7%.
Cũng tại đại hội, HĐQT của VPBank cũng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ 9.181 tỷ đồng lên 11.040 tỷ đồng thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng. Cụ thể, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 110.400.000 cổ phần, tương đương 1.104 tỷ đồng; chia cổ phiếu thưởng là 48.045.300 cổ phần, tương đương 480 tỷ đồng. Như vậy, vốn điều lệ dự kiến tăng thêm sẽ là 1.584 tỷ đồng.
Nói về kế hoạch tăng trưởng trong năm 2016, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết trong những năm tới, VPBank vẫn tiếp tục kế hoạch kinh doanh theo chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ. “Theo đó, ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh tăng tổng tài sản, vốn điều lệ và tăng trưởng tín dụng cũng sẽ cao hơn, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản trị của ngân hàng”, ông Vinh nhấn mạnh.
Tại ĐHĐCĐ, HĐQT VPBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi địa điểm của trụ sở chính trong năm 2016 từ 72 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm (Hà Nội) về địa điểm 89 Láng Hạ, Đống Đa (Hà Nội).
Nói về kế hoạch thay đổi địa điểm, ông Dũng cho biết, việc thay đổi địa điểm là do trong thời gian qua ngân hàng liên tục tăng trưởng, cùng với sự tăng trưởng hoạt động là sự tăng trưởng về nhân sự.
“Hiện nhân sự tại hội sở chính đã lên đến con số gần 3.000 người, nên trụ sở hiện tại không đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Ngoài ra, HĐQT đã đàm phán với đối tác để thuê được toà nhà văn phòng thương mại, riêng, độc lập với hợp đồng thuê dài hạn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế của ngân hàng. Do vậy, HĐQT mong cổ đông thông qua chủ trương này của HĐQT”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về câu hỏi của cổ đông trong việc thực hiện bán cổ phần cho đối tác nước ngoài của công ty tài chính VPB FC, ông Dũng cho biết hiện vẫn đang tiến hành đàm phán. “Vì đang đàm phán nên rất khó mô tả chi tiết đang đàm phán như thế nào và đến đâu. Khi nào đàm phán xong, HĐQT sẽ báo cáo kết quả ngay cho cổ đông”, ông Dũng khẳng định.
Tham dự ĐHĐCĐ, ông Trần Quốc Hùng, Cục phó Cục thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, đánh giá năm 2015 VPBank đã hoàn thành cơ bản tái cơ cấu, tái cấu trúc lại hoạt động của ngân hàng, góp phần vào thành công tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng.
“Năm 2016 cần phải hoàn thành hơn nữa, nếu VPBank làm tốt, đây sẽ là nhân tố tốt để Ngân hàng Nhà nước nhìn vào và nhân rộng thực hiện trong hệ thống”, ông Hùng yêu cầu.
Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng tốt
HĐQT VPBank cho biết, nhờ hoạt động tài chính tiêu dùng khởi sắc mà số nhân sự tại VPBank tăng vọt gần 3.500 người trong năm 2015, trong đó ngân hàng mẹ tuyển thêm 1.000 người, còn lại phần lớn là từ công ty tài chính. Nhiều năm trở lại đây, VPBank liên tục là đơn vị mạnh tay tuyển dụng nhân sự.
Trước một số lo ngại VPBank năm 2015 tăng trưởng “nóng”, ông Vinh lại cho rằng mức tăng trưởng cao này “hoàn toàn hợp lý” trong bối cảnh ngân hàng đã có 3 năm xây dựng nền tảng, bộ máy và hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro.
“Tăng trưởng tín dụng tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng chiến lược, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng, sau đó đến bán lẻ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng tín dụng của các phân khúc ưu tiên này chiếm 70% tổng dư nợ”, ông Vinh nói.
Báo cáo thường niên 2015 cũng cho biết, dư nợ các khoản vay tín chấp của VPBank tăng 136%.
Do đó, nợ xấu được xem là một trong những lo ngại với các cổ đông trong bối cảnh những khoản vay tín chấp này không có tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Vinh trấn an các cổ đông: “Điều đó không đồng nghĩa rủi ro có thể tăng cao. Tôi tin tưởng với kinh nghiệm quản trị rủi ro có hệ thống và theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp ngân hàng kiểm soát tốt rủi ro ở mức ‘chấp nhận được”.
Trần Giang
Theo Bizlive