Bộ Tài chính Mỹ ngày 10/12 cho hay họ đã giải ngân khoản vay 20 tỷ USD cho Ukraine, được hỗ trợ bởi lãi suất từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Động thái diễn ra khi Washington cố gắng đẩy nhanh viện trợ cho Kiev trước khi ông Donald Trump chính thức tiếp quản Nhà Trắng.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng số tiền này đã được chuyển vào một quỹ của Ngân hàng Thế giới và sẽ được chuyển đến Kiev. Liên minh châu Âu (EU) sẽ đóng góp thêm 20 tỷ USD vào quỹ này, trong khi các thành viên G7 là Anh, Nhật Bản và Canada sẽ đóng góp thêm 10 tỷ USD nữa, tổng cộng là 50 tỷ USD mà Ukraine về mặt lý thuyết sẽ trả trong vòng 40 năm.
Khoản vay sẽ được trả bằng lãi suất thu được từ tài sản có chủ quyền bị đóng băng của Nga. Ước tính 300 tỷ USD tài sản thuộc về ngân hàng trung ương Nga đã bị Mỹ và các đồng minh đóng băng sau khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022.
Bằng cách chuyển tiền trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1, Bộ Tài chính Mỹ đã đảm bảo rằng ông Trump sẽ không thể hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản, một bước đi có khả năng được coi là đòn bẩy để buộc Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đàm phán một thỏa thuận hòa bình với Moscow.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, cho biết khoản chuyển tiền tín dụng 20 tỷ USD “sẽ cung cấp cho Ukraine một nguồn hỗ trợ quan trọng” và “sẽ giúp đảm bảo Ukraine có đủ nguồn lực cần thiết để duy trì các dịch vụ khẩn cấp, bệnh viện và các nền tảng khác cho cuộc kháng cự dũng cảm của mình”.
Một tuần trước đó, Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt gói viện trợ quân sự mới trị giá 725 triệu USD cho Ukraine và áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
“Tổng thống Biden đã cam kết đảm bảo rằng mọi USD chúng ta có sẽ được sử dụng hết từ nay đến ngày 20/1”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời các phóng viên vào tháng trước.
Mỹ đã gửi tổng cộng 62 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022.
Chính phủ, quân đội và các dịch vụ công của Ukraine đã hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài kể từ năm 2022, và chi phí duy trì xung đột với Nga đã khiến tài chính của đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Tháng trước, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký ban hành luật ngân sách nhà nước của đất nước cho năm tới. Ngân sách dự kiến doanh thu là 49 tỷ USD và chi tiêu là 87 tỷ USD, đưa tổng thâm hụt lên 38 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản của Nga sẽ làm suy yếu niềm tin toàn cầu vào Mỹ và các đồng minh, trong khi Điện Kremlin nhiều lần lên án việc đóng băng tài sản là “trộm cắp” và cho rằng việc khai thác các khoản tiền này là bất hợp pháp và tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Ở tuyến đầu của cuộc chiến, lực lượng Ukraine đang lo ngại về nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump và nguy cơ mất đi người ủng hộ lớn nhất của họ.
Theo RT
Theo QUANG đĂNG / Vietnamfinance.vn