Hợp tác làm ăn từ năm 2012, nhưng khi xảy ra tranh chấp và hơn 1 năm đòi nợ, Công ty Gia Hân mới bắt đầu tìm “tung tích” đối tác. DN thừa nhận không biết rõ về Global Home S.R.O.
Người phải lên tiếng để làm sáng tỏ vụ việc tố nợ là ông Otto De Jager, chồng ca sĩ Thu Minh, đến thời điểm này vẫn bặt vô âm tín. Luật sư Nguyễn Văn Đức, (Công ty Luật Kinh Luân – Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, cần phải truy tìm lô hàng mà phía Global Home S.R.O cho là kém chất lượng.
Việc khẳng định hàng kém chất lượng phải do bên thứ 3, là đơn vị mua hàng của Global Home S.R.O xác nhận, hoặc do một đơn vị giám định hàng hóa độc lập xác nhận. Từ đây sẽ khẳng định lỗi do nhà sản xuất hay do khâu vận chuyển, bảo quản, để quy đúng trách nhiệm.
Phải có đơn vị thứ 3 chứng minh lô hàng kém chất lượng
Theo cáo buộc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Gia Hân ở Đồng Nai, tính tới hết đơn hàng tháng 7/2015, Global Home nợ doanh nghiệp (DN) này 490.000 USD (khoảng hơn 11 tỷ đồng).
Dù không thanh toán nhưng Global Home vẫn đặt tiếp một lượng hàng lớn trị giá 280.000 USD. Lô hàng đã được nhân viên kiểm soát chất lượng của Global Home kiểm tra, đóng dấu nhưng không nhận hàng, và cho đến giờ vẫn còn để trong kho của Gia Hân. Tổng cộng số tiền chưa thanh toán giữa 2 bên lên tới hơn 770.000 USD, tương đương gần 20 tỷ đồng.
Việc Global còn nợ tiền hàng của Công ty Gia Hân là có thật, điều này đã được bà Vũ Anh Minh, Trưởng đại diện Global Home khẳng định. Tiền nợ này xuất phát từ hợp đồng mua bán hàng hoá.
Theo hợp đồng ký giữa 2 bên mà phía Gia Hân cung cấp, điều khoản giá của sản phẩm là giá FOB kho ngoại quan ICD Tân Cảng – Long Bình Việt Nam, theo Inconterms 2000. Giá này được ấn định tại mỗi đơn đặt hàng. Có nghĩa theo điều kiện giao hàng FOB, người mua chịu mọi phí tổn và rủi ro ngay sau khi hàng được giao qua lan can tàu tại cảng xuất khẩu. Người mua đồng thời có nghĩa vụ làm thủ tục xuất khẩu.
Như vậy, trách nhiệm của Công ty Gia Hân là sản xuất hàng theo quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng Global Home yêu cầu, quá trình sản xuất có người của Global giám sát chặt chẽ. Global cũng đã đóng dấu xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì Gia Hân mới được phép đóng gói xuất kho. Trách nhiệm của Gia Hân đã chấm dứt tại cảng.
Thời điểm này, Global đã xuất hàng bán cho đối tác của mình ở Anh. Sau đó, Global phản hồi với Gia Hân là hàng không đạt chất lượng và buộc Gia Hân chịu trách nhiệm. Global Home cũng cho rằng, đơn vị này đã phải bồi thường cho khách hàng của mình ở Anh số tiền 250.000 USD.
Tuy nhiên, khi yêu cầu đưa ra bằng chứng, phía Global Home lại không cung cấp vì “sợ lộ bí mật kinh doanh”. Luật sư Nguyễn Văn Đức khẳng định, nếu nói hàng kém chất lượng thì phía Global Home phải phản hồi bằng xác nhận của đơn vị mua hàng từ Anh, hoặc xác nhận của đơn vị có chức năng thẩm định sản phẩm.
“Việc cung cấp bằng chứng này là trách nhiệm của bên mua, ở đây chẳng có gì là bí mật kinh doanh cả. Gia Hân không thể nghe phản hồi của đối tác là sản phẩm không đúng chất lượng rồi phải chịu trách nhiệm. DN cần yêu cầu đối tác cung cấp bằng chứng xác thực. Hoặc hai bên phải mời đơn vị thẩm định độc lập để xác định nguyên nhân sản phẩm bị lỗi (nếu có).
Nếu lỗi do chất lượng sản xuất thì nhà sản xuất, tức Gia Hân phải có trách nhiệm. Còn nếu lỗi do bảo quản không đúng cách, như quá trình vận chuyển bằng tàu biển sản phẩm có thể bị ảnh hưởng bởi nước biển, không khí, độ ẩm… thì không thể đổ lỗi cho nhà sản xuất”, luật sư Đức nói.
Làm ăn lớn nhưng đợi tranh chấp mới tìm “tung tích” đối tác
Luật sư Đức cũng cho biết, Global Home ở TP HCM chỉ là văn phòng đại diện của Global Home S.R.O. Văn phòng đại diện không có chức năng ký kết hợp đồng kinh tế nên theo nguyên tắc, tranh chấp này là tranh chấp giữa Gia Hân với Global Home S.R.O (trụ sở tại Cộng hòa Czech). Điều đáng nói là phía Gia Hân đến thời điểm này mới bắt đầu đi tìm hiểu lai lịch của công ty này.
Đại diện Gia Hân chia sẻ, cũng như hầu hết các DN gỗ nhỏ, đi lên từ hộ gia đình tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương, việc làm ăn luôn phải cạnh tranh rất quyết liệt. Để ký được những hợp đồng lớn là không dễ, do vậy khi ông Otto xuất hiện, đề nghị làm ăn thì DN vui mừng hợp tác.
Tại thời điểm các quan hệ làm ăn diễn ra, ngoài ông Otto còn có sự xuất hiện của ca sĩ Thu Minh với tư cách là vợ ông Otto. Đây là một bằng chứng mà DN tin tưởng. Và khi tranh chấp xảy ra, công an Đồng Nai triệu tập thì Thu Minh cũng là người xuất hiện để giải quyết.
“Chính Thu Minh là người tới tận xưởng, xem xét rồi đặt cọc 10.000 USD. Trong 1-2 chuyến hàng đầu, việc thanh toán đều đúng như cam kết, thậm chí rất nhanh. Các đơn hàng sau lớn dần và bắt đầu xuất hiện câu chuyện trả chậm. Chậm trả rồi nhưng vẫn tiếp tục đặt đơn hàng mới, thanh toán nhỏ giọt rồi không thanh toán”, đại diện Gia Hân cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc cũng phân trần, để giành được một hợp đồng không hề đơn giản. Do vậy, ngay khi ký hợp đồng với Global Home, Gia Hân dựa trên uy tín là chính chứ chưa tham khảo luật sư về hợp đồng.
Luật sự Nguyễn Văn Đức cho rằng: “Hạn chế lớn nhất của các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam là dễ dãi trong hợp tác làm ăn, luôn tự đặt mình vào thế yếu và chấp nhận nhiều điều kiện thua thiệt do phía đối tác đặt ra. Bản thân người đại diện pháp luật của DN đôi khi biết mình bị chèn ép, bị thua thiệt nếu đặt bút ký hợp đồng do đối tác soạn sẵn, nhưng rồi họ tự nhủ thời buổi khó khăn có được hợp đồng là mừng rồi. Họ có thể tiên liệu trước được tiềm ẩn rủi ro nhưng tự an ủi là chắc không sao nên vẫn đặt bút ký.
Ngược lại, DN ngoại khi vào Việt Nam làm ăn họ nghiên cứu rất kỹ đối tác Việt. Họ biết tiềm lực của đối tác đến đâu, tài sản thế nào, tài khoản mở ở ngân hàng nào… trong khi DN Việt bán hàng cho đối tác nước ngoài nhưng chưa một lần được đối tác mời tham quan trụ sở, không tìm hiểu gì về đối tác”.
Theo ông Đức, có rất nhiều kênh để Công ty Gia Hân tiếp cận, tìm hiểu về Global Home chứ không phải chỉ đến tại Cộng hòa Czech. DN cần nhờ Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở các nước, tham tán thương mại và các đơn vị liên quan để hỗ trợ tra cứu, tìm hiểu thông tin hoạt động. Một điều cần xác minh nữa là xác định xem tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, ông Otto có phải là người đại diện pháp luật của Global Home S.R.O hay không. Đây là những vấn đề hết sức cơ bản, DN cần phải nắm khi giao kết hợp đồng với đối tác.
“Tiếc một đồng, mất mười đồng”
Theo thỏa thuận, hợp đồng ký một lần duy nhất sau đó mỗi đợt sản xuất từng lô hàng được thông báo qua thư điện tử. DN sản xuất ở Việt Nam, người nhập hàng ở Cộng hòa Czech, nhưng tranh chấp xảy ra được quy định được giải quyết tại Tòa trọng tài ở Hong Kong và luật áp dụng là luật của Anh quốc. Đây cũng là khó khăn, bất lợi cho DN Việt. Bởi yếu thế về sự hiểu biết các quy định pháp luật của nước ngoài, rào cản ngôn ngữ, chi phí đi lại, thuê luật sư nước ngoài, tuân theo nguyên tắc quy chế ngoại giao …
Đó là chưa kể nếu Tòa trọng tài Hong Kong ra phán quyết công nhận thì việc thi hành bản án sẽ quy định như thế nào. Bản án tại Hong Kong phải chuyển về Czech, sau đó DN phải sang Czech yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài.
Đây là bài học cho các DN Việt Nam. Trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài nên khéo léo, đưa điều khoản cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng là cơ quan tài phán Việt Nam (Tòa án hoặc Trọng tài Việt Nam) và áp dụng là luật Việt Nam.
Rất nhiều DN Việt khi ký kết hợp đồng, dù không am hiểu về pháp luật các nước nhưng vẫn chấp nhận chọn pháp luật nước ngoài để giải quyết, cùng với đó là chọn cơ quan tài phán là trọng tài quốc tế ở Luân Đôn (Anh), Paris (Pháp), Hong Kong (Trung Quốc), Singapore…. Chấp nhận điều khoản này, đồng nghĩa với việc tự làm khó mình.
“Tôi khuyên các DN, nhất là DN làm hàng xuất khẩu rất cần có sự hỗ trợ của luật sư trong tư vấn đàm phán, ký kết hợp đồng. Với những đơn hàng lớn, sự tham gia của luật sư sẽ hạn chế thấp nhất rủi ro cho DN. Các DN đừng vì tiếc một đồng mà để khi xảy ra tranh chấp, có khi thiệt hại đến mười đồng”, luật sư Đức nói.
Hà Linh- Kinh Luân
Theo Zing