Máy bay phản lực chở khách thân hẹp C919 do Trung Quốc sản xuất đã được triển khai cho các chuyến bay giữa Thượng Hải và Hồng Kông kể từ đầu năm 2025, bước đầu tiên hướng tới việc thâm nhập bầu trời toàn cầu và cạnh tranh với Boeing và Airbus trên thị trường quốc tế.
Khai thác tuyến bay “quốc tế” đầu tiên
Chuyến bay MU721 chở 157 hành khách cất cánh từ Sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải lúc 8h21 sáng 1/1, đánh dấu chuyến bay ra nước ngoài đầu tiên của máy bay lắp ráp trong nước C919. Tại Trung Quốc, các tuyến bay giữa các thành phố của Trung Quốc và Hồng Kông được phân loại là “quốc tế”.
Việc mở tuyến bay MU721 bổ sung Hồng Kông trở thành thành phố thứ 9 mà China Eastern Airlines thường xuyên khai thác các chuyến bay thương mại có sử dụng C919 và là thành phố đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục.
![](https://vietdaily.vn/wp-content/uploads/2025/02/luu-ban-nhap-tu-dong-47.jpg)
Ông Vương Diên An, tổng biên tập tạp chí Kiến thức Hàng không Vũ trụ có trụ sở tại Bắc Kinh, phát biểu với tờ Hoàn cầu Thời báo rằng tuyến bay mới này mang đến cơ hội cho người dùng ở nước ngoài biết thêm về hiệu suất của C919 vì Hồng Kông là một trung tâm vận tải quan trọng trên thế giới.
Yang Yang, phó tổng giám đốc trung tâm tiếp thị của Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) thuộc sở hữu nhà nước, cho biết công ty đặt mục tiêu đạt chứng nhận châu Âu cho C919 vào năm 2025 và có kế hoạch triển khai máy bay này để sử dụng trong các chuyến bay thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á vào năm 2026.
“Chúng tôi hy vọng có thể tăng cường triển khai hoạt động máy bay C919 tại Trung Quốc để kiểm soát kỹ lưỡng mọi vấn đề tiềm ẩn trước khi mở rộng sang Đông Nam Á”, ông Yang cho biết.
Comac đã giới thiệu ARJ21 và C919 tại Triển lãm hàng không Singapore vào tháng 2 năm ngoái. Hãng hàng không TransNusa của Indonesia đã bắt đầu sử dụng dòng ARJ21 củ Trung Quốc trong chuyến bay Manado – Quảng Châu vào tháng 10 năm ngoái và được cho là đang cân nhắc sử dụng C919 trong tương lai.
Comac cho biết vào tháng 11 năm ngoái rằng C929, một máy bay chở khách thân rộng hai động cơ phản lực tầm xa có sức chứa 250 đến 320 chỗ ngồi, vẫn đang trong giai đoạn thiết kế sơ bộ.
Truyền thông Trung Quốc cho biết C919 đặt mục tiêu cạnh tranh với Airbus A320 của Pháp và Boeing 737 của Mỹ trong khi C929 sẽ cạnh tranh với Airbus A330, A350 và Boeing 787.
Việc phát triển C919 bắt đầu vào năm 2008 với nguyên mẫu đầu tiên được tung ra vào tháng 11/2015. Máy bay đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/ 2017 và nhận được chứng chỉ bay từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, cơ quan hàng không dân dụng của nước này, vào tháng 9/2022.
Còn nhiều trở ngại
Mặc dù được quảng cáo là tự sản xuất trong nước nhưng 40% linh kiện của máy bay “made in China” được nhập khẩu. Các nhà cung cấp bao gồm các công ty lớn của phương Tây như Collins Aerospace, Honeywell và Thales.
Hiện C919 đang sử dụng động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt có tỷ lệ vòng dẫn cao, được gọi là động cơ đẩy hàng không tiên tiến (LEAP-1C), được sản xuất bởi CFM International, một liên doanh 50-50 giữa GE Aviation của Mỹ và Safran Aircraft Engines của Pháp.
![](https://vietdaily.vn/wp-content/uploads/2025/02/luu-ban-nhap-tu-dong-48.jpg)
Và không phải lúc nào các chuyến bay của C919 cũng diễn ra thuận lợi. Trong chuyến bay từ Thượng Hải đến Hợp Phì vào ngày 1/2/2023, một máy bay phản lực C919 do China Eastern Airlines sử dụng đã phải rút ngắn hành trình và hạ cánh tại Sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vì một trong những động cơ của máy bay trong quá trình hạ cánh không mở được bộ đảo chiều lực đẩy, được thiết kế để làm chậm máy bay.
Mặc dù vậy, máy bay vẫn thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ Thượng Hải đến Bắc Kinh vào tháng 5/2023 và trở thành dịch vụ thường xuyên vào tháng 1/2024.
Dư luận Trung Quốc dường như tập trung nhiều hơn vào các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Xiao Pang, một chuyên gia Trung Quốc về ngành hàng không, cho biết trong một bài viết rằng: “Chỉ khi động cơ CJ1000A do Trung Quốc tự phát triển có thể sử dụng trên C919 thì Trung Quốc mới không còn phải lo lắng về lệnh cấm công nghệ của phương Tây nữa”.
Ông cho biết động cơ CJ1000A có lực đẩy 14,5 tấn, vượt trội hơn LEAP-1C và sẽ sẵn sàng sử dụng trên máy bay C919 vào năm 2025. CJ2000, một động cơ mạnh hơn, sẽ được sử dụng trên máy bay C929 sau đó vài năm.
Không rõ liệu Comac có vội vàng thay thế LEAP-1C của C919 bằng CJ1000A hay không vì chỉ cần một vụ tai nạn cũng đủ để phá hủy niềm tin của người mua nước ngoài vào máy bay Trung Quốc.
Năm 2016, Comac và Tập đoàn máy bay thống nhất (UAC) của Nga đã ký biên bản ghi nhớ về chương trình phát triển máy bay phản lực đôi thân rộng có tên gọi là CR929.
Theo các báo cáo trước đây, UAC sẽ theo đuổi thị trường quốc tế trong khi Comac sẽ chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc.
![](https://vietdaily.vn/wp-content/uploads/2025/02/luu-ban-nhap-tu-dong-49.jpg)
Tuy nhiên, dự án đã thất bại do bất đồng quan điểm. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết UAC yêu cầu được chia sẻ thị phần máy bay chở khách nội địa của Trung Quốc. Sau khi quan hệ đối tác kết thúc vào năm 2023, Trung Quốc đã đổi tên CR929 thành C929.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cố gắng mua công nghệ động cơ phản lực từ Ukraine.
Quay trở lại năm 2015, 4 công ty Trung Quốc, bao gồm Skyrizon Aircraft và Xinwei Technology, được cho là đã mua 56% cổ phần của Motor Sich của Ukraine, công ty sản xuất động cơ D-18T được sử dụng trên máy bay vận tải An-124 và An-225.
Năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (AICC) và Antonov của Ukraine đã ký thỏa thuận về dự án sản xuất An−225.
Nhưng vào tháng 2/2021, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã trừng phạt bốn công ty Trung Quốc vì lo ngại họ sẽ chuyển giao công nghệ động cơ phản lực của Motor Sich cho Trung Quốc để sử dụng cho mục đích quân sự.
Sau khi chiến sự Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, ông Zelenskyy đã sử dụng thiết quân luật để quốc hữu hóa Motor Sich có trụ sở tại Zaporizhia, hiện vẫn nằm dưới sự bảo vệ của quân đội Ukraine, vào tháng 11 cùng năm.
Theo Asia Times
Theo Quang Đăng / Vietnamfinance.vn