Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (CIEM) cho rằng, các con số thống kê cho thấy sức lực của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên suy kiệt sau hơn hai năm bươn chải duy trì hoạt động sau COVID-19 và ứng phó với các yếu tố khó khăn bên ngoài.
Doanh nghiệp rút lui cao bất thường: ‘Doanh nghiệp đang ngày càng suy kiệt’
Doanh nghiệp ngày càng suy kiệt
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có 41.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng là 63.000 doanh nghiệp. Con số này phần nào phản ánh sức khoẻ của doanh nghiêp khi số doanh nghiệp rút lui nhiều hơn số mới thành lập.
Nhận định về số doanh nghiệp rời khởi thị trường cao hơn số mới thành lập, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh (CIEM) cho rằng, thông thường, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thời điểm đầu năm thường thấp hơn so với các tháng giữa năm và cuối năm do rơi vào các tháng Tết có số ngày nghỉ dài.
Dù thấp hơn các giai đoạn khác song số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui. Vì vậy, hiện tượng doanh nghiệp rút lui cao đột biến, hơn cả doanh nghiệp gia nhập thị trường xu hướng đi ngược so với trước đây.
Điều này cho thấy, sức lực cuae doanh nghiệp đang ngày càng trở nên suy kiệt sau hơn hai năm phải cố gắng bươn chải duy trì hoạt động sau COVID-19 và ứng phó với các yếu tố khó khăn bên ngoài.
“Kể từ sau COVID-19, những khó khăn của doanh nghiệp chưa bao giờ hết như đầu ra gặp khó, giá nguyên phụ liệu tăng cao, lãi suất cao… Sang năm 2024, những khó khăn này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp nhỏ, mà còn tác động đến ngay cả doanh nghiệp có quy mô lớn”, bà Thảo nêu rõ.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, qua theo dõi hàng năm, số doanh nghiệp rời bỏ khỏi thị trường trong quý I thường cao hơn các quý còn lại, do là thời điểm kết thúc năm tài chính nên doanh nghiệp xem xét còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động hay không.
Tuy vậy, so với các tháng cuối năm 2023 (mỗi tháng có khoảng 11.000 – 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường) số doanh nghiệp rút lui trong hai tháng đầu năm nay lên tới 31.500 doanh nghiệp, gấp hơn hai lần. Điều này cho thấy những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 chưa giảm bớt mà vẫn kéo dài sang năm 2024.
Nên kéo dài chính sách hỗ trợ về thuế phí
Thực tế, những tín hiệu tiêu cực cũng được dự báo từ trước khi theo khảo sát từ cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) có tới 82,4% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế.
“Những xung đột giữa các nước, những trục trặc trong quan hệ giữa các quốc gia đã và đang tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và cộng động doanh nghiệp nói riêng, hiện nhiều ngành hàng của Việt Nam gặp khó do vận tải qua Biển Đỏ bị rủi ro, nhiều chuyến tàu hàng bị đổi hướng cho nên thời gian giao hàng kéo dài chi phí tăng cao”, ông Tuấn quan ngại.
Tại khảo sát của mình, Ban IV nhấn mạnh doanh nghiệp kiệt sức là sự thật và nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt. Vì thế, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt các chính chính này cần phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận.
Lãnh đạo của VCCI đề xuất, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm vì đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.
“Đối với những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít. Đây là bài học để chúng ta thiết kế chính sách cho doanh nghiệp trong năm 2024”, ông Tuấn nêu.
Kỳ Thư / Vietnamfinance