“99% doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhu cầu trở thành đại gia. Họ chỉ cần một chính sách đúng để tạo nên yếu tố bền vững”, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh tại hội thảo Tham vấn kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 2016- 2020.
Chủ trì hội thảo, bàn về cách hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam mới chỉ có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, hầu như chưa có các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngay đến cụm từ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới ra đời vài năm gần đây. Thêm vào đó, cách chia hỗ trợ theo từng Bộ gây ra sự rời rạc, thiếu sự xâu chuỗi gắn kết gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được hỗ trợ của Bộ này nhưng lại thiếu hỗ trợ của Bộ khác thì liệu có thể trở thành doanh nghiệp hoàn hảo không?”, Thứ trưởng đặt câu hỏi.
Theo Thứ trưởng Đông, chủ của những doanh nghiệp nhỏ và vừa thường là cá nhân nên vai trò của việc khuyến khích đổi mới, sáng tạo từ cá nhân là hết sức quan trọng. Không phải cứ mở doanh nghiệp là startup. Khái niệm này cần được hiểu là khởi nghiệp từ những sản phẩm mang tính đổi mới, sáng tạo từ cá nhân.
Đánh giá về nguồn nhân lực startup Việt, Thứ trưởng chỉ rõ, nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo ra những sản phẩm sáng tạo riêng biệt. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về số dân đông và nằm bên cạnh một nước lớn như Trung Quốc nên cơ hội phát triển là rất lớn.
Thứ trưởng Đông nêu quan điểm, tương lai của Việt Nam không phải trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị của Samsung. Ngược lại, Việt Nam có những sản phẩm tự làm được. Thứ trưởng lấy ví dụ, mới đây, một doanh nghiệp Viêt đã ký được hợp đồng sản xuất bột tinh chất từ đất hiếm cung cấp cho Samsung để mài mặt kính. Từ năm 2009, khi Nhật Bản bị Trung Quốc làm khó, doanh nghiệp Việt này đã cung cấp sản phẩm bột tinh chất cho một đại lý thu mua từ Nhật để bán cho các doanh nghiệp sản xuất.
Ở một ví dụ khác, ông Đông cho hay, có một nhóm 8 bạn trẻ của trường Cao đẳng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh khi được đưa vào lớp vườn ươm của Tokyo, Nhật Bản đã làm ra một chiếc nôi đặc biệt dành cho trẻ sinh thiếu tháng, và sản phẩm này đã được Nhật Bản công nhận chuẩn quốc tế.
“Có rất nhiều thứ có thể đổi mới sáng tạo từ đất nước Việt Nam, từ con người Việt Nam. Đó mới là giá trị gia tăng thực sự”, Thứ trưởng lưu ý.
Còn ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong 5 vừa qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không được thụ hưởng nhiều về các chương trình hỗ trợ.
Theo ông Nam, chính sách nhiều nhưng chưa hiệu quả, thiếu quy trình chuẩn, Bộ nào thích thì làm, không tập trung chính sách mũi nhọn nên doanh nghiệp nhỏ và vừa không thụ hưởng được. Theo đó, quy trình cần được đánh giá lại, xuất phát từ quyền phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể hỗ trợ hiệu quả, thiết thực.
Đánh giá về hiệu quả của doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nam cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay có hạn chế là giấu doanh thu của mình. Việc đánh giá về doanh thu không đúng khiến các chỉ tiêu khác tự khắc sai méo. Do đó, quá trình đánh giá cần chuẩn xác mới thấy rõ được hiệu quả của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho hay, thực tế các chính sách của Việt Nam chưa đáp ứng được mong muốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguy cơ thua trên sân nhà là rất lớn. Đại đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thành lập với mục đích thoát nghèo và họ chỉ cần một chính sách ổn định để hoạt động hiệu quả.
“99% doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhu cầu trở thành đại gia. Họ chỉ cần một chính sách đúng để tạo nên yếu tố bền vững”, ông Nam nhấn mạnh.
Về kế hoạch phát triển trong giai đoạn 2016- 2020, ông Nam đề xuất cần phải có quy định về tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng vai trò của tổ chức hội. Hội trong trường hợp này là các tổ chức chuyên môn ngành nghề của chính những người có nhu cầu thành lập lại, hoàn toàn không phải hiệp hội được chỉ định vì nó chỉ mang tính hình thức, ông Nam cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa sát thực tế. Mỗi doanh nghiệp có nhu cầu rất khác nhau nên kết quả chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ thương mại còn khớp nhau.
Từ phía doanh nghiệp, ông Quân cho biết trở ngại lớn cản trở doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chính sách là năng lực hấp thụ nguồn lực như năng lực hấp thụ chính sách, hấp thụ vốn và công nghệ mới. Điều này tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp nhận kết nối, hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài. Ông Quân cũng đề xuất giải pháp trong việc tập trung xây dựng các cụm liên kết, gắn kết các doanh nghiệp với nhau để doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ nguồn lực nội tại phát triển.
Tuyết Nhung
Theo Bizlive