Các nhà lãnh đạo của Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU) đã tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 1/8 bên ngoài nhà của Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, cũng là người thừa kế công ty, sau khi các cuộc đàm phán mới thất bại.
Thay đổi chiến thuật
Ngày 1/8, công đoàn lao động lớn nhất của Samsung Electronics Co. đã kêu gọi Chủ tịch công ty Lee Jae-yong can thiệp vào cuộc đình công kéo dài nhiều tuần sau khi các cuộc đàm phán về tiền lương thất bại.
“Đã đến lúc Chủ tịch Lee phải lên tiếng và làm rõ lập trường của mình để giải quyết cuộc tổng đình công”, các thành viên của NSEU cho biết tại một cuộc họp báo diễn ra trước dinh thự của ông Lee ở trung tâm Seoul.
Nhiều người giương cao biểu ngữ có dòng chữ “Cuộc đình công của Samsung Electronics, ông Lee Jae-yong phải chịu trách nhiệm”.
“Trong 25 ngày kể từ khi cuộc đình công bắt đầu, tất cả những gì ông Lee làm là tham dự đám cưới của con trai người đàn ông giàu nhất châu Á và tặng điện thoại Samsung cho các vận động viên Olympic có giá trị hơn 30 tỷ won (22 triệu USD)”, thành viên công đoàn Kim Jae-won nói với các phóng viên.
Ông Lee vốn là khách mời trong đám cưới của Anant Ambani, con trai út của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani vào tháng 7.
Chủ tịch của nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới hiện đang có chuyến công du nước ngoài để tham dự Thế vận hội Olympic 2024 tại Paris. Tuần trước, ông đã tham dự một buổi tiệc do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đồng tổ chức tại Bảo tàng Louvre.
Một số cảnh sát đã đến khu vực biểu tình và cuộc biểu tình đã bị gián đoạn khi cảnh sát cảnh báo rằng họ không được phép hô vang khẩu hiệu.
Công đoàn tuyên bố rằng công ty đang cố gắng phá vỡ cuộc đình công bằng các biện pháp bất hợp pháp, bao gồm cả việc lập “danh sách đen” những người tham gia đình công.
Công đoàn lao động đầu tiên tại Samsung Electronics được thành lập vào cuối những năm 2010, hiện có khoảng 31.000 thành viên, tương đương gần 1/4 tổng số lực lượng lao động của công ty.
Đây không phải là lần đầu tiên các thành viên công đoàn biểu tình trước dinh thự của Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong.
Hai năm trước, công đoàn cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình trước nhà của ông Lee Jae-yong và thành công trong việc giành được thêm ba ngày nghỉ lễ nữa.
Vào năm 2020, các cựu nhân viên của Samsung đã phải đối mặt với sự chỉ trích vì các phương pháp phản đối khác thường của họ, bao gồm nướng thịt ba chỉ, uống rượu soju và gẩy đàn guitar bên ngoài nhà của ông Lee.
Kết thúc cuộc đình công vô thời hạn
Trước đó cùng ngày, ông Son Woo-mok, chủ tịch NSEU, đã tuyên bố kết thúc cuộc đình công thông qua chương trình phát sóng trực tiếp trên YouTube.
“Chúng tôi đã tiến hành các cuộc đàm phán cuối cùng với ban quản lý, nhưng chúng đều thất bại, chúng tôi tin rằng đã đến lúc chuyển cuộc tổng đình công của chúng tôi sang một cuộc đấu tranh lâu dài”, ông Son nói. Ông chỉ đạo các thành viên công đoàn quay trở lại làm việc vào ngày 5/8.
Công đoàn và ban quản lý đã tổ chức vòng đàm phán lương mới nhất trong ba ngày kể từ ngày 29-31/7 nhưng không đạt được thỏa thuận nào.
Trong các cuộc đàm phán này, ban quản lý đã đề xuất một số nhượng bộ, bao gồm công nhận 4 giờ hoạt động công đoàn được trả lương cho đại hội đồng, cung cấp 500.000 điểm giải trí cho tất cả nhân viên, xem xét ý kiến của công đoàn khi cải thiện các tiêu chí trả lương dựa trên hiệu suất trong tương lai và giảm số ngày nghỉ phép hàng năm bắt buộc từ 15 xuống 10.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán cuối cùng đã đổ vỡ khi công đoàn yêu cầu thêm 2 triệu điểm trên “Samsung Family Net” cho các thành viên của mình.
Gánh nặng tài chính đối với người lao động dường như là lý do chính để chấm dứt cuộc đình công. Trong quá trình đàm phán với ban quản lý, công đoàn đã yêu cầu 2 triệu điểm phúc lợi, tương đương với 20 triệu won (14.500 USD) tiền mặt, để bù đắp cho khoản tiền lương bị mất do cuộc đình công.
Công ty đã từ chối yêu cầu này, viện dẫn nguyên tắc “không làm việc, không trả lương” theo luật lao động.
“Chúng tôi cần giảm gánh nặng kinh tế cho các thành viên của mình và chuyển sang hình thức phản đối tiếp tục gây áp lực lên công ty”, đại diện của NSEU nhấn mạnh thêm.
Cuộc đình công kéo dài đã dẫn đến tổn thất tiền lương đáng kể cho các thành viên tham gia, ước tính khoảng 4-5 triệu won (2.933-3.667 USD) cho mỗi người, tùy thuộc vào vị trí của họ.
Số lượng thành viên tham gia đình công ngày càng giảm và động lực giảm sút cũng được xem là lý do để công đoàn quyể định chấm dứt cuộc đình công.
Trong khi công đoàn ước tính rằng có khoảng 6.500 người tham dự cuộc biểu tình ban đầu tại nhà máy Hwaseong vào ngày 8/7, thì số người tham dự đã giảm xuống chỉ còn 350 người vào cuộc biểu tình được tổ chức vào ngày 11/7 tại cơ sở Giheung.
Một yếu tố khác góp phần vào việc hủy bỏ cuộc đình công là tình trạng sắp hết hạn của NSEU với tư cách là công đoàn đại diện thương lượng. Chỉ còn 5 ngày nữa là hết nhiệm kỳ, NSEU phải đối mặt với những thách thức từ các công đoàn khác trong công ty.
Triển vọng đàm phán trong tương lai giữa công đoàn lao động và ban quản lý vẫn chưa chắc chắn. NSEU đã yêu cầu tăng lương 5,6% cho các thành viên của mình, cao hơn mức tăng 5,1% do hội đồng quản lý lao động đặt ra.
Công đoàn cũng kêu gọi sửa đổi tiêu chí tính lương theo hiệu suất. Samsung Electronics đã bày tỏ thiện chí đáp ứng nhiều yêu cầu của công đoàn nhưng vẫn kiên quyết không bồi thường tiền lương bị mất trong cuộc đình công.
Hàng nghìn thành viên NSEU đã ngừng làm việc vào ngày 8/7 trong cuộc đình công ban đầu được dự định kéo dài ba ngày, một phần của cuộc chiến lâu dài về tiền lương và phúc lợi. Sau đó, công đoàn đã gia hạn lệnh ngừng làm việc “vô thời hạn”.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu công nhân đã ngừng làm việc, nhưng Samsung cho biết hành động này không ảnh hưởng đến sản xuất và cam kết giảm thiểu sự gián đoạn đối với hoạt động quản lý và sản xuất. Công ty vẫn công bố mức tăng trưởng và lợi nhuận kỷ lục trong quý II vào đầu tuần này.
Trước đó, đại diện Samsung ngày 31/7 cho biết họ đang “giao tiếp và thảo luận để đảm bảo cuộc đình công của công đoàn kết thúc sớm”.
Theo AFP, Yonhap
Hải Đăng / Vietnamfinance