Lãnh đạo một công ty công nghệ từng nói rằng, nếu có một website thương mại điện tử của Việt Nam nào có thể sánh với Lazada, đó sẽ là Deca. Thời điểm ấy, Adayroi của Vingroup chưa ra đời. Còn bây giờ, Lazada tồn tại được bao lâu có lẽ cũng là dấu hỏi…
Sự ra đi của Deca nhạt nhòa trong dòng chảy “chết” dồn dập của một loạt các kênh thương mại điện tử vào cuối năm, bắt đầu từ tin nhắn đau thương của beyeu.com – website thương mại điện tử của Project Lana, sau đó là Foodpanda của Rocket Internet.
Nếu như lý do “chết” của beyeu.com và Foodpanda đều được người trong cuộc nói thẳng thừng là vì lý do tài chính, thì trong sự ra đi của Deca, Tổng Giám đốc CTCP Quảng cáo trực tuyến 24h Phan Minh Tâm đã khẳng định là “nguồn tài chính của 24h vẫn còn rất dồi dào”.
Vậy đâu là lý do 24h dừng cuộc chơi thương mại điện tử tại đây?
Đầu tư ngoài ngành
Ông Hải Hồ – sáng lập viên SHIELD cho rằng: “Thương mại điện tử của Việt Nam không có vấn đề. Doanh nghiệp nào sống được vấn sống tốt, doanh nghiệp nào “chết” thì cứ “chết”.
Hàng ngày các quán cà phê đóng cửa đều đặn cũng như mọc ra đều đặn. Người giàu mở quán cà phê không có nghĩa là nó sẽ tồn tại. Và khi người giàu đóng quán cà phê không có nghĩa họ hết tiền mà vì họ có cái khác làm vui hơn”.
Ông Hải cũng cho biết: Beyeu và Deca có 1 điểm chung – Đầu tư ngoài ngành.
Cả hai đều là Publisher (24h mạnh về các trang tin 24h.com.vn và Eva.vn, Beyeu có Webtretho) đầu tư vào thương mại điện tử. Và thương mại điện tử tất làm cực hơn publisher.
“Những công ty chỉ có một con đường sống là thương mại điện tử sẽ là những công ty bám trụ lại cuối cùng. Có thể, Tiki sẽ là người đi hết con đường vì sự kiên trì. Và Adayroi cũng sẽ đi cùng hết con đường…”, sáng lập viên của SHIELD nhận định.
Giá đắt và phụ thuộc nhiều vào đơn vị vận chuyển
Chia sẻ quan điểm, Anh L.T – một khách hàng đặt mua nhiều lần sản phẩm của Deca cho biết: Chi phí vận chuyển (ship) ở Việt Nam rất đắt đỏ và phụ thuộc hoàn toàn vào partner (bên thứ 3). Anh T cũng chỉ ra 5 vấn đề khi mua hàng của Deca:
+ Hàng hóa đóng gói rất sơ sài (dù về sau khâu này có cải thiện)
+ Thời gian giao hàng chậm
+ Giá cả so với các hệ thống cửa hàng không chênh là bao (trừ khi áp dụng coupon)
+ Nguồn hàng khá đa dạng, lúc “add to cart” (cho sản phẩm vào giỏ hàng) phải khá tỉnh
+ Một số mặt hàng dường như là ký gửi, đặt mua rất hay mua phải sản phẩm hình thức chưa được đẹp
Và quan trọng nhất, anh T. cho rằng sản phẩm chủ đạo của Deca là bỉm sữa, trong khi mặt hàng này các “bà mẹ bỉm sửa” rất tinh tường và chi li, chưa kể đến thị trường xách tay/mô hình bán hàng C2C (Customer to Customer) được chuộng hơn cả.
Tại sao phải mua online khi mua offline tiện và rẻ hơn?
“Người tiêu dùng ở Việt Nam có quá nhiều lựa chọn xung quanh thì cớ gì phải mua online”, H.L – một startup cho biết.
Ông cho rằng thị trường Việt Nam rất khác so với các nước – nơi mà thương mại điện tử đã phát triển.
Với Foodpanda, tại sao chúng ta phải order online khi bước chân ra khỏi cửa là đủ thứ đồ ngon trên đường.
Cớ gì phải lên Zalora mua giày trong khi hiệu giày xịn đẹp bày bán khắp phố thử thoải mái.
“Thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ tiến lên một bước, nếu và chỉ nếu khi giá của sản phẩm online rẻ hơn và chất lượng bằng hoặc hơn so với offline. Ở Mỹ, người dùng lên eBay hay Amazon mua hàng đơn giản là vì giá nó rẻ hơn, chưa cần bàn về trải nghiệm người dùng/giao diện người dùng hay vấn đề logistics”, ông cho biết.
Tất nhiên, trên đây chỉ là ý kiến của những người ngoài cuộc, còn người trong cuộc – ông Phan Minh Tâm vẫn chưa cho biết lý do cụ thể về sự ra đi của Deca.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ