Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà.
Yêu cầu này được nêu trong Nghị quyết số 77 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.
Đa dạng gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà
Trong nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, giá vốn rẻ; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ; nghiên cứu xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà…
Trong nghị quyết, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Quỹ nhà ở xã hội quốc gia trước ngày 15/4.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng đã có văn bản triển khai cho các tổ chức tín dụng trong nước đăng ký tham gia chương trình ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà.
Thống kê ban đầu, có Ngân hàng BIDV với gói tín dụng 4.000 tỷ đồng, cho vay tối đa 40 năm; Ngân hàng SHB đăng ký gói 16.000 tỷ đồng với thời gian cho vay tối đa 35 năm.
Ngoài ra, Eximbank vừa ra mắt gói vay “Vững tổ ấm – Chắc tương lai” dành cho khách từ 22 đến dưới 35 tuổi, lãi suất từ 3,68% một năm, được cố định trong 36 tháng. HDBank đưa ra chương trình cho vay mua nhà với lãi suất từ 4,5%/năm trong 3 tháng đầu tiên, thời hạn vay tối đa 50 năm; với mức giải ngân lên đến 90% giá trị tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, LPBank cũng triển khai chương trình “An cư dễ dàng – Vững vàng tương lai” với quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi từ 3,88%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Khách hàng từ 18-45 tuổi có thể tiếp cận gói vay để mua nhà, xây dựng hoặc trang bị nội thất.
Trước đó, ACB áp dụng gói vay “Ngôi nhà đầu tiên” dành cho người dưới 35 tuổi, lãi suất từ 5,5% được cố định trong 5 năm, thời gian vay tối đa 30 năm; SHB đưa ra mức 3,99%/năm, trong khi Kienlongbank hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi với lãi suất 0%/năm trong tháng đầu tiên.
Thách thức không nhỏ với người vay
Ưu đãi là vậy, nhưng trên thực tế, các gói vay mua nhà này thường chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi trong 3 tháng đến 5 năm đầu, sau đó sẽ điều chỉnh theo lãi suất thị trường. Một số ngân hàng cho phép hoãn trả nợ gốc hoặc giảm tỉ lệ trả trong những năm đầu, giúp giảm áp lực tài chính ban đầu cho người vay. Tuy nhiên về lâu dài, mức lãi suất có thể tăng cao, đặt ra thách thức không nhỏ cho người mua nhà.
Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm giao dịch bất động sản Căn Nhà Mới, đánh giá việc triển khai các gói vay mua nhà ưu đãi giúp người trẻ tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn, đồng thời tạo động lực để doanh nghiệp tập trung phát triển phân khúc nhà giá hợp lý. Khi lãi suất thấp, áp lực tài chính giảm, nhu cầu mua nhà tăng, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản và các ngành liên quan như xây dựng, vật liệu, tài chính.

Tuy nhiên, ông Vũ cũng lưu ý rằng người vay cần xem xét kỹ lãi suất sau ưu đãi, đặc biệt là mức lãi suất thả nổi và các chi phí đi kèm. Việc đánh giá khả năng tài chính dài hạn là điều quan trọng để tránh rủi ro khi lãi suất tăng cao. Nếu không tính toán cẩn thận, người vay có thể gặp khó khăn trong việc duy trì khoản vay mua nhà ổn định và tận dụng tối đa lợi ích từ chính sách hỗ trợ.
Dù gói vay mua nhà ưu đãi mở ra nhiều hy vọng cho người trẻ nhưng vẫn tồn tại không ít thách thức, từ giá nhà quá cao, điều kiện vay khắt khe đến những hạn chế trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích với mức giá căn hộ trung bình tại Hà Nội và TP. HCM dao động từ 50 – 60 triệu đồng/m², một căn hộ 50m² cũng có giá lên đến 2,5 – 3 tỷ đồng.
“Dù lãi suất vay mua nhà ưu đãi ở mức 5,5 – 6%/năm, một người trẻ có thu nhập 15 – 20 triệu đồng/tháng vẫn khó có thể trả góp trong 20 – 30 năm mà không gặp áp lực tài chính lớn. Do đó, ngoài lãi suất, điều quan trọng nhất là kiểm soát giá nhà và gia tăng nguồn cung nhà ở hợp túi tiền”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, một trong những vấn đề cốt lõi là chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ. Theo ông, một chính sách vay mua nhà ưu đãi chỉ hiệu quả khi có đủ nguồn cung nhà ở phù hợp.
“Hiện nay, thị trường bất động sản đang mất cân đối nghiêm trọng, nhà cao cấp thì nhiều nhưng nhà giá rẻ lại rất ít. Nếu không có chính sách kích thích các doanh nghiệp xây dựng nhà thương mại giá rẻ thì dù có vay mua nhà ưu đãi người dân vẫn không thể mua được”, ông Thịnh nói.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) thì cho rằng thủ tục cho vay với người mua nhà cần giảm bớt nhiêu khê, phiền hà; thời hạn cho vay cần dài hơi, có thể cho vay tới 30 năm để giảm số tiền phải trả hàng tháng. Mức lãi suất trung bình 5%/năm sẽ hợp lý.
“Làm sao để người trẻ mua nhà, mỗi tháng chỉ phải trả cả gốc và lãi khoảng 6-8 triệu đồng sẽ tốt nhất. Vợ chồng thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, nuôi hai đứa con, lại trả tiền vay mua nhà trên chục triệu đồng mỗi tháng thì khó khả thi ”, ông Toản phân tích.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc EZ Property cũng cho rằng cần tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý, thể chế để khuyến khích từng địa phương có động lực phát triển nhà xã hội, nhà cho người trẻ… như vậy mới tạo nguồn cung đa dạng.
Tuệ Lâm / Vietnamfinance.vn