Trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện về Quản trị Pháp lý doanh nghiệp 2023 (tên tiếng Anh: “Legal Management Series 2023” – LMS 2023), sáng ngày 11 tháng 8 năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với sự đồng hành, phối hợp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI HCM) và Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF – Hồng Đức) tổ chức Hội thảo “M&A trong lĩnh vực Bất động sản – Quản trị rủi ro và thúc đẩy tiềm lực đầu tư”. Hội thảo diễn ra với sự tham dự của gần 200 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực Bất động sản, các luật sư đến từ công ty luật tham gia tư vấn cho doanh nghiệp về giao dịch M&A cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện,TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những đánh giá tổng quan về những thay đổi trong thị trường bất động sản và tầm quan trọng của việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường này. Ông Lịch nhận định, thị trường bất động sản đã, đang và sẽ là một kênh tiềm năng thu hút lượng lớn đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển của thị trường này sẽ tạo nên những đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước, tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản đang gặp một số khó khăn. Theo đó, thị trường BĐS 2023 được đánh giá là ảm đạm với đà giảm giá của nhiều loại BĐS, mức độ thanh khoản và số lượng giao dịch thành công cũng có chiều hướng đi xuống trong nửa đầu năm. Đây cũng được coi là thời điểm chạm đỉnh đáo hạn của trái phiếu BĐS, cộng với việc Nhà nước siết chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang chịu áp lực nặng nề. Điều này dẫn đến tâm lý bất an cho các nhà đầu tư đang và có ý định sẽ tham gia vào thị trường BĐS trong thời gian tới. Với thực trạng đó, việc trang bị cho nhà đầu tư đầy đủ thông tin và chiến lược phòng ngừa rủi ro là điều cần thiết. Là đơn vị điều phối giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận thấy rằng tỷ lệ tranh chấp liên quan đến bất động sản nói chung và liên quan đến giao dịch M&A trong lĩnh vực này nói riêng đang ngày càng tăng. Doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư đều đang kỳ vọng khung pháp lý cho hoạt động này phải có sự điều chỉnh phù hợp hơn cùng với đó là những phương pháp hiệu quả để xử lý tranh chấp, thiết lập giao dịch an toàn. Từ mục tiêu đó, theo ông Lịch, việc triển khai những diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin như Hội thảo này là điều cần được duy trì, khuyến khích.
Mở đầu Hội thảo, bà Đào Thiên Hương – Phó Tổng Giám đốc Cấp cao, EY-Parthenon Tư vấn Chiến lược, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam đã có phần trao đổi dẫn đề với nội dung về “Bức tranh tổng quan thị trường mua bán – sáp nhập trong 07 tháng đầu năm 2023 và xu hướng tương lai”. Thông qua những thống kê và báo cáo chi tiết, bà Hương đã có những chia sẻ cụ thể về sự tăng trưởng của thị trường mua bán – sáp nhập Đông Nam Á và tại Việt Nam. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) nở rộ, dự báo còn tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Điều này bắt nguồn từ thực tế khó khăn của thị trường BĐS, nổi bật là việc thiếu hụt nguồn vốn của doanh nghiệp trong nước. Đây chính là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài có sẵn tiềm lực tài chính để tiếp cận thị trường BĐS tại nước ta thông qua việc mua lại các dự án từ các doanh nghiệp trong nước. Bằng việc đánh giá chất lượng các thương vụ được triển khai thời gian vừa qua, bà Hương đã đưa ra các nhận định về những yếu tố quan trọng cần có trong một giao dịch M&A bất động sản. Cùng với đó, bà Hương cũng phác thảo ra bức tranh tương lai về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản và lưu ý cho doanh nghiệp những vấn đề cần chuẩn bị khi triển khai giao dịch M&A trong thời gian tới.
Tiếp nối phần chia sẻ của bà Đào Thiên Hương, Phiên thảo luận 1 với chủ đề “Các rủi ro trong M&A bất động sản nhìn từ góc độ thị trường và góc độ pháp lý” được triển khai với sự điều phối của TS. Phan Đức Hiếu – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng sự tham gia của các chuyên gia gồm: bà Đào Thiên Hương – Phó Tổng Giám đốc Cấp cao, EY-Parthenon Tư vấn Chiến lược, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam; bà Ngô Thị Vân Quỳnh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH An Legal; bà Nguyễn Trúc Hiền – Luật sư thành viên Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (VILAF Hồng Đức), bà Nguyễn Phương Ngân – Luật sư thành viên Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (VILAF Hồng Đức) và ông Giovanni Pisacane – Luật sư điều hành GREATWAY ADVISORY – GWA. Các chuyên gia đã có những đánh giá riêng biệt về bức tranh tổng quan M&A liên quan đến các dự án BĐS dựa trên thực tiễn thị trường tại Việt Nam, từ đó rút ra một số lưu ý để doanh nghiệp nhận diện và phòng ngừa sớm những rủi ro trước khi bước vào thương vụ. Theo đó, thị trường BĐS hiện nay vẫn là điểm sáng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều rào cản khiến hoạt động M&A chưa thể bứt phá hay thậm chí là thất bại, trong đó điểm nghẽn chủ yếu nằm ở vấn đề pháp lý. Nhiều dự án không đủ điều kiện để chuyển nhượng vì các quy định trong hệ thống pháp luật thiếu tính đồng bộ, thủ tục hành chính đất đai phức tạp cản trở gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý. Do đó, nhận thức và đánh giá chính xác về thị trường cũng như hiểu biết sâu sắc về M&A và quy định pháp luật Việt Nam chính là “chìa khóa” quan trọng cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các giao dịch này.
Nối tiếp Hội thảo, phiên 2 tập trung bàn luận các chiến lược quản trị rủi ro, từ đó định hướng thúc đẩy tiềm lực đầu tư vào thị trường BĐS với sự điều phối của LS. Ngô Thanh Tùng – Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF – Hồng Đức) cùng sự tham gia của các chuyên gia gồm LS. Trần Duy Cảnh – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt (Dentons LuatViet), Trọng tài viên VIAC; Ông Paul Tan – Luật sư thành viên Gibson, Dunn & Crutcher LLP, Trọng tài viên SIAC, Trọng tài viên Tòa Trọng tài ICC; Ông Seck Yee Chung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, Luật sư điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie; LS. Doãn Nhật Minh, Chuyên viên tư vấn cấp cao Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF – Hồng Đức). Tại phiên làm việc, các chuyên gia đánh giá, với những xu hướng mới trên thị trường BĐS như hiện tại, việc tiếp cận cũng như thực hiện giao dịch M&A cũng cần được thay đổi để phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Các phân khúc được quan tâm chủ yếu thuộc những dự án có giá trị lớn, có tính chất phức tạp, dẫn đến gia tăng rủi ro tranh chấp như BĐS khu công nghiệp, BĐS du lịch,…. Theo các chuyên gia, tranh chấp có thể hình thành tại bất cứ quá trình nào trong giai đoạn thực hiện giao dịch, đòi hỏi doanh nghiệp cần cẩn trọng ngay từ khi bắt đầu và có những điều khoản mang tính dự phòng, tiên lượng tốt các tình huống có khả năng xảy ra trong tương lai. Do đó, các doanh nghiệp nên yêu cầu sự minh bạch về thông tin, thẩm định một cách kĩ càng giá trị và yếu tố pháp lý của dự án, cũng như chuẩn bị các phương án giải quyết tranh chấp cụ thể trong hợp đồng. Doanh nghiệp nên cân nhắc đến các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, đặc biệt là trọng tài bởi nhiều ưu điểm vượt trội. Ngoài ra, các diễn giả đều hết sức đồng tình rằng những vướng mắc về pháp lý cần được giải quyết sớm, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, gia tăng niềm tin cho doanh nghiệp.
Hội thảo “M&A trong lĩnh vực Bất động sản – Quản trị rủi ro và thúc đẩy tiềm lực đầu tư” quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín và hàng đầu về BĐS và đầu tư. Hội thảo đã đem đến cho người tham dự góc nhìn đa dạng về xu thế đầu tư mới trong lĩnh vực cũng như các giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro khi gia nhập thị trường BĐS.
P.V / Thị Trường Giao Dịch