Nữ người mẫu Đức bị quan tòa xử phạt 27.000 USD sau khi tố cáo hai người đàn ông đã chuốc thuốc mê và hãm hiếp mình rồi quay phim tung lên mạng.
Theo Washington Post, thẩm phán (tên tuổi được giữ bí mật) đã ra một phán quyết bất ngờ hôm 22/6. Ông cho rằng trong suốt quá trình bị hãm hiếp, nạn nhân đã nói “Không!” với chuyện quay phim, chứ không phải với sex. Vì thế, lời cáo buộc bị hiếp dâm của cô người mẫu là sai và phải nộp phạt.
Bản án chống lại người mẫu Gina-Lisa Lohfink, 29 tuổi, càng làm nóng thêm cuộc tranh luận trên cả hai bờ Đại Tây Dương về xử lý các vụ tấn công tình dục. Hồi đầu tháng 5, bản án nhẹ chỉ 6 tháng tù giam và 3 năm tù treo dành cho một cựu vận động viên bơi lội ở đại học Stanford bị kết tội hiếp dâm đã làm dấy lên sự phẫn nộ trong công chúng Mỹ.
Trong khi đó, vụ của người mẫu Lohfink đang chiếm trang đầu trên các tờ báo Đức. Công chúng nước này đã mở một chiến dịch “Không nghĩa là không!” để mở rộng định nghĩa về hiếp dâm ở quốc gia đông dân nhất châu Âu này.
“Họ biến tôi từ nạn nhân thành tội phạm”, Lohfink, người từng tham gia chương trình “Tìm kiếm người mẫu Đức” nói. “Phải chăng tôi nên bị giết trước đã? Sau đó các nhà chức trách mới kết tội họ?”
Các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ tại Đức từ lâu đã chỉ trích định nghĩa về hiếp dâm trong luật pháp nước này. Luật hiện tại quy định nói “Không!” với quan hệ tình dục không đủ để cấu thành tội hiếp dâm mà nạn nhân phải chứng minh được mình đã kháng cự và bị thương.
Theo các nhóm bảo vệ, điều này có nghĩa là nhiều kẻ bị cáo buộc hiếp dâm đã thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Họ nêu ví dụ về một kẻ bị cáo buộc đã tấn công tình dục một phụ nữ mang thai năm 2012. Tòa không kết tội hắn ta vì nạn nhân đã không dám chống trả do lo ngại đến an nguy của thai nhi.
Các nhà lập pháp Đức đang xem xét thay đổi luật theo hướng chỉ cần tỏ ý kháng cự, ví dụ như nói “Không!”, là đủ để cấu thành tội hiếp dâm.
“Chúng ta cần siết chặt luật pháp về tội phạm tình dục”, Manuela Schesig, bộ trưởng Bộ Gia đình của Đức nói.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cảnh báo, luật mới chỉ đem lại thêm nhiều cáo buộc giả.
“Đương nhiên là phụ nữ cần được luật pháp bảo vệ kể cả trông cô ta như là búp bê Barbie”, Svenja Fläßpöhler, một nữ nhà báo Đức viết. Tuy nhiên, có một nguy cơ khác là “đàn ông bị phụ nữ tố cáo vì lý do trả thù, hoặc chỉ là hối tiếc sau khi đã xong chuyện”.
Người dân Đức có quan điểm trái chiều về vụ việc của Lohfink. Có người chỉ trích phán quyết của tòa án, có người lại chỉ trích cô người mẫu.
Trên mạng xã hội, có người mô tả Lohfink là người phụ nữ tóc bạch kim quyến rũ, đã vu cáo hai người đàn ông. Ngược lại, có người cho rằng cô người mẫu đang bị đối xử bất công, chỉ vì thích ăn mặc mát mẻ.
Trở lại năm 2012, khi lần đầu tiên Lohfink tố cáo hai người đàn ông là Pardis F. và Sebastian C. tội hãm hiếp. Cô tuyên bố họ đã đánh thuốc mê mình rồi quan hệ tình dục và quay phim lại, trong khi phớt lờ lời van xin dừng lại của Lohfink. Cô liên tục nói “Dừng lại!” và “Không!” trong đoạn video.
Tuy nhiên, vào tháng Giêng năm nay, tòa án nói rằng phân tích đoạn video và những bằng chứng khác cho thấy Lohfink chỉ phản đối việc quay phim mà không phản đối quan hệ tình dục.
Theo Martin Steltner, phát ngôn viên cơ quan công tố thành phố Berlin, ban đầu Lohfink chỉ tố cáo mình phản đối họ quay phim và tung lên mạng. Về sau, cô mới tố cáo thêm tội hiếp dâm.
Tòa án kết luận hai người đàn ông có tội vì đã quay phim và tung lên mạng, phạt họ mỗi người 1.500 USD. Tuy nhiên, tòa cũng ra quyết định xử phạt Lohfink hàng chục nghìn USD vì tội vu cáo.
Burkhard Benecken, luật sư của Lohfink, cho biết ban đầu thân chủ chỉ kiện tội quay phim và phát hành phim vì lúc đó ký ức của cô về vụ việc rất mơ hồ. Chỉ sau khi xem đầy đủ đoạn video, thân chủ của ông mới nhớ lại hoàn toàn.
“Cô ấy không nói ‘Không, đừng quay phim!’ mà nói ‘Không, không, không!’ Thật là vô căn cứ khi nói rằng đó là lời từ chối quay phim. Điều này phải chăng là một người đàn ông có quyền tiếp tục mà không hỏi cô ấy nói thế có nghĩa gì, rồi khi xong chuyện lại nói rằng, ‘Ồ, tôi cứ tưởng cô ta nói ‘Không!’ vì tiếng nhạc to quá, hoặc đèn sáng quá làm chói mắt cô ấy?'”
Trên mạng xã hội, một chiến dịch ủng hộ Lohfink đang diễn ra. Những người ủng hộ nói rằng truyền thông cứ liên tục bới móc hình ảnh mái tóc bạch kim và bộ ngực giả của Lohfink.
“Họ đang vẽ ra bức tranh về một người không đáng tin cậy”, Anne Wizorek, một blogger ủng hộ nữ quyền lên tiếng bênh vực. “Vẽ ra hình ảnh như thế, về cơ bản, người ta đã áp đặt phán quyết bất lợi lên cô ấy”.
Wizorek cũng chỉ trích vụ của Lohfink phản ánh “ý thức cho rằng phụ nữ dùng tình dục để trả thù và không đáng tin cậy” tồn tại trong văn hóa Đức.
Hồng Hạnh
Theo Vnexpress