“Chọn ngành ‘hot’ như Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Thương mại có thể vẫn thất nghiệp, vì khối ngành này được nhiều người lựa chọn, dẫn đến cung lớn hơn cầu.
Theo thống kê, khối ngành Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Thương mại nhiều năm được ưa chuộng, điểm chuẩn luôn ở mức cao.
“Đổ xô” chọn ngành hot
Năm 2015, ngành Kinh tế thuộc Đại học Ngoại thương Hà Nội có điểm trúng tuyển 25,75 điểm khối A1 và D; 27,25 điểm khối A. Ngành này tại cơ sở TP HCM có mức điểm trúng tuyển khối A1, D1, D6 là 25,5.
Cũng trong năm 2015, điểm chuẩn ngành Tài chính – Ngân hàng của Đại học Kinh tế TP HCM là 21,75 điểm. Điểm trúng tuyển Đại học Ngoại thương cơ sở 2 TP HCM ngành Tài chính – Ngân hàng hai khối A và D đều 25 điểm, cơ sở 1 tại Hà Nội khối A và D lấy 24,75 điểm, khối A0 26,25 điểm.
Tuy nhiên, từ sau năm 2010 đến nay, truyền thông liên tục đưa những con số báo động về tình trạng thất nghiệp của sinh viên học ngành này. Kết quả khảo sát của Viện Nhân lực Ngân hàng – Tài chính cho thấy, trong hai năm 2012 và 2013, 30.000 – 32.000 sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng ra trường, nhưng chỉ khoảng một nửa số đó vào làm việc trong các ngân hàng.
Lỷ giải điều này, TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho biết theo nghiên cứu gần đây, trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, lĩnh vực Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng, Thương mại vẫn hút nhân lực nhất. Dự báo cần 35% tổng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, từ trước đến nay, khối ngành này vẫn được nhiều người lựa chọn nên dẫn đến sự đào thải nhân lực khắt khe.
Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao chọn ngành “hot” vẫn thất nghiệp? TS Hà cho rằng nếu nhà tuyển dụng cần nhân lực là 35% thì số người thi ngành này lên tới 75%.
Dù vậy, khối ngành Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Thương mại không phải thiếu việc làm, mà chỉ thiếu những người có năng lực. Ông Hà cũng đưa ra nhận xét nếu như mùa tuyển sinh các năm trước, học sinh hỏi nhiều về các ngành “hot”, thì năm nay các em băn khoăn nhiều đến vấn đề chọn nghề theo đam mê hay truyền thống gia đình.
Cần tạo nên sự khác biệt
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhận định, có tới 70-80% sinh viên ra trường học chuyên ngành Kinh tế làm lẫn việc của nhau. Khác với ngành Kỹ thuật, sinh viên học Quản trị Kinh doanh có thể làm được Kế Toán và ngược lại, bởi họ có nền tảng kiến thức tương đương.
Vì sao chọn ngành ‘hot’ vẫn thất nghiệp?
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Quyên Quyên.
Vậy, để tạo sự khác biệt khi xin việc, sinh viên cần có khả năng tự hoàn thiện và cạnh tranh. Ví dụ, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội khi ra trường đều phải có chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học. Nhà trường tạo điều kiện cho các em học thêm ngành và chuyên ngành mới ngay từ năm thứ hai. Ra trường, sinh viên sẽ được trang bị đủ kiến thức đáp ứng mảng kinh tế rộng lớn.
Chia sẻ về điều này, Hoàng Đình Quang, sinh viên từng đạt điểm số kỷ lục của Đại học Ngoại thương Hà Nội nói, hiện nay, có khá nhiều người ra trường làm trái ngành, nghề, phần lớn ở lĩnh vực kinh tế. Trong đó, một số trường hợp do chọn nhầm ngành nghề mình không yêu thích, không phù hợp. Số còn lại vì họ đã cụ thể hoá công việc mình làm dựa trên những kiến thức tổng hợp được học.
“Các ngành kinh tế nói chung thường học khá nhiều kiến thức, từ marketing, quản trị, kinh tế vi mô, luật đến kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp… Khi ra trường, tùy theo hoàn cảnh mà cá nhân có thể chọn một ngành cụ thể để theo đuổi. Đây không phải chọn nhầm nghề”, Hoàng Đình Quang nói.
Chàng sinh viên trường Ngoại thương cho rằng nếu không cố gắng và theo đuổi đến cùng, sự lựa chọn tốt nhất cũng sẽ biến thành sự lựa chọn tồi nhất.
Nhóm ngành mới xuất hiện
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP HCM, nhu cầu tìm việc của tháng 2/2016 bậc đại học, trên đại học cao nhất ở nhóm ngành Kế toán – Kiểm toán, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng.
Cũng trong năm 2016, cộng đồng chung ASEAN hình thành cũng là lúc mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn cho thị trường lao động trong nước. Theo xu thế đó, năm 2016 bắt đầu xuất hiện nhiều nhóm ngành mới trên cơ sở những nhóm ngành cũ và có sự kết hợp, lồng ghép các nhóm ngành với nhau.
Xu hướng kết hợp giữa các chuyên ngành hình thành những nhóm ngành nghề mới như: Quản trị Rủi ro, Quản lý Chất lượng Chuyên ngành Công nghiệp – Công nghệ Kỹ thuật và Y tế, Quản lý Hệ thống Thông tin, Kế hoạch và Dự báo Kinh tế – Nhân lực – Xã hội – Kinh doanh, Tư vấn Tài chính Cá nhân…
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP HCM, những nhóm ngành trên đều khá mới mẻ và đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao. Do đó, ngoài các kiến thức chuyên ngành, bạn còn phải am tường kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp và đặc biệt phải có tác phong làm việc có kỷ luật và trách nhiệm.
Quyên Quyên
Theo Zing