Trước khi buổi đại hội cổ đông bất thường sáng 9-5 diễn ra, cũng đã có báo cáo khẩn gửi đến nhiều cơ quan chức năng cho rằng đại hội này tổ chức sai luật.
Theo chương trình nghị sự, đại hội sẽ thông qua dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM; kế hoạch củng cố cơ sở vật chất, đội ngũ đào tạo và tuyển sinh năm 2016…
Đồng thời, đại hội cũng sẽ tiến hành bầu hội đồng quản trị và ban kiểm soát.
Phát hành cổ phần, tăng vốn điều lệ
Theo tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ và phương án sử dụng vốn sau phát hành của trường, việc tăng vốn điều lệ để hội đủ điều kiện nhằm kiện toàn các yêu cầu về vốn, cơ sở vật chất và đội ngũ đào tạo theo quy định để xin Bộ GD-ĐT cho tuyển sinh trở lại trong năm 2016.
Phương án tăng vốn điều lệ được thực hiện theo phương thức huy động vốn điều lệ tăng thêm trong vòng 1 năm bằng việc phát hành phổ thông, mệnh giá: 10.000 đồng/cổ phần.
Giá phát hành: 10.000 đồng/cổ phần. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành: 19.800.000 cổ phần
Vốn điều lệ trước khi phát hành: 52 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau khi phát hành: 250 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành: trong năm 2016-2017.
Đối tượng phát hành: cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện: 10:39 mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phần sẽ được mua 39 cổ phần.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phần nêu trên sẽ được dùng để bổ sung vốn hoạt động của trường.
Tái cấu trúc bộ máy, kiến nghị cho tuyển sinh
Theo dự thảo kế hoạch hoạt động của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM do đại diện ban giám hiệu nhà trường trình đại hội, trường sẽ tái cấu trúc bộ máy điều hành, củng cố, phát triển cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kiến nghị UBND TP.HCM, Bộ GD-ĐT cho phép trường được tuyển sinh…
Theo lãnh đạo nhà trường cơ sở vật chất hiện có của trường là tòa nhà trụ sở số 736 Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP.HCM với bảy tầng lầu, diện tích sàn 3.210 m2 đảm bảo đào tạo tối thiểu 1.000 sinh viên để xin Bộ GD-ĐT cấp chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016.
Bên cạnh đó, nhà trường đã hợp tác với cổ đông của trường là Công ty Saigontel và đã triển khai xây dựng Tòa nhà ICT 2 ở Khu Công viên phần mềm Quang Trung, diện tích sàn 20.000 m2 đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cấp thêm chỉ tiêu đào tạo khi được Bộ GD-ĐT cho phép…
Hiện nay số lượng đội ngũ CBNV-GV làm việc tại trường là 81 người, trong đó có 19 người hợp đồng lao động với trường và 62 người hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Trường ĐH Hùng Vương (cổ đông của trường) theo hợp tác sử dụng nguồn nhân lực giữa hai bên.
Trong đó số lượng giảng viên của trường hiện có là 37 người. Sau đại hội cổ đông, hội đồng quản trị mới được công nhận cần đưa 23 giảng viên đang ký hợp đồng với công ty về ký lại với trường, đồng thời cần ký hợp đồng lao động thêm với một số giảng viên nữa để duy trì ngành, xin tuyển sinh.
“Tính từ năm học 2016-2017 trường đã không còn sinh viên cũ, vì vậy với số lượng giảng viên như trên trường có thể xin chỉ tiêu tuyển sinh khoảng từ 1.000 đến 1.500 sinh viên” – đại diện nhà trường cho biết.
Chỉ một nhóm người đứng ra tổ chức đại hội cổ đông?
Trước đó, ngay sau khi nhà trường thông báo sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường này, ông Trịnh Vũ Dũng – thành viên ban kiểm soát, chủ tịch công đoàn Trường ĐH Hùng Vương, trưởng nhóm đại diện vốn sở hữu tập thể không phân chia đã có báo cáo khẩn gửi các cơ quan chức năng.Báo cáo cho rằng việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường này là sai Luật Giáo dục ĐH và quy chế hoạt động của trường vì đại hội chỉ do một nhóm người đứng ra tổ chức, gạt bỏ vai trò của nhà sáng lập, vai trò của cổ đông đại diện vốn sở hữu không phân chia của trường.
“Chúng tôi khẩn thiết kính mong cơ quan chức năng sớm chỉ đạo tổ chức đại hội cổ đông đúng luật; thu hồi các thông báo, quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, khôi phục toàn bộ quyền lợi cho cán bộ, giảng viên;
Yêu cầu ông Đặng Thành Tâm rút vốn ra khỏi Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM và giao trường lại cho nhà sáng lập và tập thể 28 người còn lại hiện nay để trường mời gọi nhà đầu tư tâm huyết” – ông Dũng kiến nghị.
Trần Huỳnh
Theo Tuổi Trẻ