200- 500 ngàn đồng là mức thưởng những người làm nghề giáo được hưởng mỗi dịp tết đến.
Bên cạnh những ngành có mức thưởng “khủng” vào dịp tết đến xuân về như tài chính, xăng dầu, bất động sản…, thì vẫn có một ngành mà từ bao lâu nay, các nhân viên chưa năm nào dám hi vọng đến khoản tiền thưởng tết. Đó là nghề giáo viên.
Mỗi năm, khi người người háo hức với các mức thưởng tết “khủng” thì những người lái đò tri thức vẫn ngậm ngùi cười trừ khi nhắc đến mức thưởng dịp tết đến xuân về.
Những năm gần đây, bằng sự “co kéo” từ nguồn này, nguồn khác, nhiều trường cũng cố thu xếp một khoản tiền nho nhỏ coi như “khoản an ủi”, động viên giáo viên trong quá trình giảng dạy.
“Khoản an ủi” này kiến nhiều giáo viên khi nhắc đến đều đưa mắt nhìn nhau cười trừ. Bởi, dù có thâm niên hay không thâm niên, mức thưởng vẫn ngang hàng nhau. Đó cũng chỉ là mấy trăm ngàn hay thậm chí là các hiện vật.
Nhiều giáo viên có gần chục năm công tác trong nghề nhưng vẫn không khỏi chạnh lòng khi mỗi dịp tết đến xuân về, tiền thưởng Tết vẫn chẳng được là bao. Một số giáo viên chia sẻ, cả năm làm vất vả, cũng mong đến ngày Tết có khoản thưởng kha khá nhưng nhiều năm qua vẫn vậy, không có gì thay đổi.
Qua tìm hiểu được biết, mỗi năm, các trường được cấp một khoản ngân sách để chi cho các hoạt động, phong trào, quỹ lương… nếu còn dư thì số tiền đó sẽ chia cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường vào dịp cuối năm, xem như đó là khoản thưởng tết.
Trung bình số tiền này giao động từ 200.000 – 500.000 đồng. Có trường tiết kiệm được nhiều khoản chi hơn thì mức thưởng nhích được lên con số 1.000.000 – 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, số này thực sự rất ít.
Thậm chí, nếu trong năm học trường, phòng tổ chức nhiều hoạt động phục vụ dạy học thì năm đó tiền thưởng tết lại càng thấp, hay nỗi lòng hơn chút ít là thưởng tết sẽ là hiện vật như tờ lịch treo tường hay một vật dụng gì đấy gọi là quà xuân.
Cô H., một giáo viên công tác tại một trường cấp 1 trên địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)chia sẻ: Năm nay trường thưởng tết 600.000 đồng. Năm nào cũng vậy, chỉ ở mức ấy thôi. Nhiều năm rồi các thầy cô giáo cũng thành quen, cũng ngậm ngùi lắm.
Còn thầy T., giáo viên một trường THCS ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng cho hay: “Năm nay, nghe đâu mỗi giáo viên được 500.000 đồng, nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được tiền. Mình là đàn ông trụ cột trong gia đình, đi làm gần 10 năm trong nghề nhưng chưa năm nào nhận được nhận tiền thưởng tết quá 1.000.000 đồng. Nhiều lúc thấy bạn bè tết đến xuân về nhận một khoản kha khá tiền thưởng, mình cũng chạnh lòng lắm”.
Thật vậy, cứ mỗi dịp tết đến, không ít giáo viên chạnh lòng khi nghĩ đến số tiền tết được thưởng. Một năm vất vả trên bục giảng, cuối năm muốn một khoản kha khá nhưng xem ra khoản này vẫn xa vời với những người lao động trong ngành giáo dục.
Khi được hỏi về khoản tiền thưởng tết, rất nhiều giáo viên chỉ biết cười trừ và đùa nhau rằng: Giáo viên như tụi chị có đâu thưởng tết hả em. Mấy năm trong nghề quen với khoản này rồi. Cứ cuối năm, nhận “khoản an ủi” về để có cái mà “khoe” với gia đình, với chồng con rằng cũng là tiền thưởng tết của mình đấy.
Có lẽ chỉ những ai trong nghề giáo mới hiểu hết được nỗi lòng của họ mỗi dịp xuân đến tết về. Gọi là thưởng đấy nhưng thực chất số tiền ấy cũng không đủ để sắm đồ đạc, vật dụng ngày tết.
Cô S., giáo viên một trường cấp 2 trên địa bàn huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cười bảo chúng tôi rằng: Tiền thưởng tết của tôi còn chưa đủ để mua rau, củ quả ngày tết năm nay đấy. Các năm trước cũng thế thôi, gia đình chỉ trông vào mỗi khoản thưởng tết của chồng chứ vợ mang tiếng là công chức đấy nhưng có được là bao đâu.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thầy Lê Bá Thiềm, Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Thầy Thiềm cho biết: “Năm nào đến tết, câu chuyện về mức thưởng tết của giáo viên cũng được đưa ra trao đổi, nhưng bao năm qua vẫn không thay đổi được gì. Vì thực tế, ngành giáo dục không có nguồn nào để trích thưởng tết mà tự các trường cân đối thu chi để trích cho cán bộ giáo viên được một chút ít gọi là tiền thưởng”.
Về việc này, phía Bộ GD&ĐT cũng đã từng giải thích, trên phạm vi toàn ngành, các nguồn kinh phí đã theo dòng ngân sách, không ai được phép dùng ngân sách để chi thưởng Tết. Đây là một thực tế và đến nay chưa có giải pháp nào khắc phục. Bởi, theo quy định, 80% ngân sách Nhà nước cấp cho giáo dục để trả lương giáo viên và cán bộ quản lý còn lại 20% là chi cho các hoạt động giáo dục. Nhưng thực tế, hầu như toàn bộ ngân sách cấp cho nhà trường chỉ đủ chi lương, số này chiếm tới 80 – 90%, thậm chí 95%, như vậy không còn tiền để mua phấn, giấy bút, văn phòng phẩm…
Và vì thực tế ấy, năm nay lại như những năm trước, các thầy cô giáo tiếp tục ngậm ngùi, tiếp tục chạnh lòng khi cầm trên tay số tiền thưởng tết…!
Linh Chi – Ngân Hà
Theo Người Đưa Tin