Báo Kinh tế và Đô thị đưa tin, trong văn bản, Bộ GD&ĐT cho biết, qua kiểm tra, nắm bắt tình hình tại một số địa phương có hiện tượng việc tổ chức thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài tại một số cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người học, nguy cơ rủi ro cao.
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT khi tham mưu, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ về thành lập, cho phép hoạt động của các cơ sở giáo dục; các chương trình giáo dục tích hợp; liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài tại các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về trình tự thủ tục, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình, pháp nhân và các yếu tố liên quan khác theo quy định.
Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai chương trình giáo dục tích hợp, liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài phải thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Bộ.
Đồng thời, Sở GD&ĐT các địa phương rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục tích hợp; liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài trên địa bàn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, trường hợp thực hiện không đúng quy định, phải xử lý kịp thời. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có).
Ngoài ra, phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, học viên; lưu ý cha mẹ học sinh, học viên tìm hiểu kỹ lưỡng về những lợi ích khi tham gia góp vốn đầu tư, cũng như các hình thức đóng học phí và những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các cơ chế, hình thức đó.
Theo báo điện tử VTC News, trước đó, nhiều phụ huynh ở TP.HCM bức xúc khi trường quốc tế Mỹ – Việt Nam (AISVN) thông báo cho hơn 1.400 học sinh nghỉ học với lý do giáo viên không đến trường. Chủ trường đã nợ lương, bảo hiểm xã hội của họ vài tháng và chưa thể ổn định lại việc dạy học.
Hồi tháng 10/2023, trường quốc tế Mỹ – Việt Nam từng bị nhiều phụ huynh tụ tập đòi nợ. Những phụ huynh này nói cho trường vay hàng chục tỷ đồng không lãi suất để con được học miễn phí, nhưng đến khi con ra trường vẫn chưa được hoàn lại.
Trường hiện có hơn 1.400 học sinh, 200 giáo viên nước ngoài, 300 nhân viên trong nước. Học phí ở đây là 280 – 350 triệu đồng/năm học với bậc mầm non, 450 – 500 triệu đồng với bậc tiểu học và cao nhất là 600 – 725 triệu ở bậc THCS.
Ngoài trường quốc tế Mỹ – Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, loạt trường gắn mác quốc tế như: trường quốc tế Singapore (Hà Nội), trường quốc tế Việt Úc (TP.HCM), trường quốc tế Úc (TP.HCM)… cũng gây xôn xao dư luận khi nhiều lần phụ huynh biểu tình phản đối các chín sách học phí, chương trình học.
Phương Uyên (T/h) / Đời sống Pháp luật