Biết vợ không thể đáp ứng được tiêu chuẩn của mẹ, chồng của biên kịch phim Sống chung với mẹ chồng đã làm mọi cách để chị tránh cảnh làm dâu.
Ít có bộ phim nào được bàn luận nhiều giống như Sống chung với mẹ chồng. Trong phim này, biên kịch Đặng Thiếu Ngân đã ít nhiều lấy cảm hứng từ mình – làm dâu trong một gia đình “trâm anh thế phiệt” Hàn Quốc, có người mẹ chồng từng tốt nghiệp ngành Nội trợ – Làm vợ tại Lee Hwa (Đại học nữ danh tiếng nhất Hàn Quốc), nên rất chu toàn, nghiêm khắc. Nhưng điều đáng nói là, chồng của chị đã từ bỏ sự hậu thuẫn của gia đình, cùng tương lai xán lạn ở quê nhà, chứ không để vợ phải “sống chung với mẹ chồng”.
Tiếp xúc với Đặng Thiếu Ngân, vẻ đẹp và sự cá tính, độc lập ở chị sẽ khiến phụ nữ ngưỡng mộ, đàn ông thì cảm thấy khó chinh phục. Cũng vì cá tính này, Ngân đã lọt vào mắt xanh của chàng trai Hàn Quốc Park Ji Hoon – hiện là tiến sĩ ngôn ngữ giảng dạy tại Đại học quốc gia Hà Nội.
Biên kịch Đặng Thiếu Ngân, phim Sống chung với mẹ chồng. |
Vào năm 1993, khi là sinh viên ngành văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc, cô nữ sinh Thiếu Ngân đã gặp anh Ji Hoon – khi anh đang là trợ giáo tại khoa Tiếng Việt (Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc) – sang Việt Nam và thăm lớp chuyên ngành của Ngân. Cô gái Việt 18 tuổi chẳng mấy ấn tượng với chàng trai Hàn Quốc hơn mình 5 tuổi, nhưng anh thì bị ấn tượng mạnh.
“Hồi xưa tiếng Hàn tôi còn kém. Lúc thấy anh ấy châm thuốc hút, tôi đã nói một từ, với nghĩa là “thằng nghiện’, khiến anh ấy sững sờ không nói được câu nào”, chị Ngân nhớ lại.
Họ gặp lại nhau lần hai, khi Thiếu Ngân được học bổng du lịch Hàn Quốc vào nghỉ hè trước năm cuối. Tình cờ thay, Ji Hoon là người chịu trách nhiệm hướng dẫn cô. Lần gặp này, trước khá đông sinh viên, chàng trợ giáo đề nghị Ngân hát một bài. Trùng hợp sao, cô gái Việt hát đúng bài mà anh rất thích. Cũng vì thế anh càng để ý chị hơn.
Một tháng tiếp theo, anh hộ tống Ngân và người bạn cùng lớp rong ruổi khám phá Hàn Quốc. Năm sau, anh sang Việt Nam học phó tiến sĩ. Trong hai năm ở đây, Ngân và Ji Hoon thỉnh thoảng hẹn nhau đi chơi cùng đám bạn chung, cũng có những lần chị ghé qua nhà nhờ vả vài việc. Cô gái đôi mươi vẫn vô tư chơi với Ji Hoon như bao bạn khác giới, không hề biết chàng trai Hàn Quốc dành cho mình tình cảm đặc biệt.
“Đến một ngày anh ấy nói: ‘Nếu anh muốn cầu hôn em thì có được không?’. Tôi trợn tròn mắt đáp: ‘Không được’ và cười ha hả”, chị kể. Sau này nhớ lại, chị thấy xấu hổ vì cái tính vô tư đến mức vô tâm của mình.
Đặng Thiếu Ngân (cô gái trong ảnh) và anh Park Ji Hoon (đeo kính đen bên trái) gặp nhau lần thứ hai vào năm 1994 ở Hàn Quốc. |
Đó là khoảng thời gian hạnh phúc thì ít, mà đau khổ thì nhiều với “giáo sư Park” (tên bạn bè thường gọi anh). Mang hy vọng tràn trề đến Việt Nam học hành, có cơ hội ở bên cô gái mình thương, nhưng cô gái Việt này giống như một tâm hồn tự do, không thể nắm bắt. Bao lần trái tim anh đau đớn, chỉ biết tìm đến men rượu.
Lâu ngày không thấy người bạn này hỏi thăm, Thiếu Ngân gọi đến nhà thì người giúp việc nói anh bị ốm phải về nước điều trị. Người này cũng trách chị vô tình và khiến chàng trai Hàn Quốc bị ốm tới vậy. “Được kể tôi mới biết, nhiều lần tôi hẹn đến nhà chơi, anh ấy trang hoàng nhà cửa, thổi bóng, thắp nến, chọn nhạc, đặt bánh… để tạo bất ngờ cho tôi nhưng đều ‘bể show’. Anh ấy từng loét dạ dày do buồn bực bởi nghĩ tôi không cảm nhận được tình cảm của anh”, chị kể thêm.
Sau lần đó, chị bớt vô tình với anh, tình cảm cũng dần nảy nở. Cuối 1997, Đặng Thiếu Ngân sang Hàn học MBA. Anh Ji Hoon lại đang ở Việt Nam. Thời ấy anh đã phải bán chiếc xe máy – tài sản giá trị nhất của mình thời đó – để gọi điện thoại cho chị mỗi tối trước khi ngủ, chỉ vì chị… sợ ma.
Tình cảm của anh cuối cùng cũng chinh phục được chị. Cuối năm 1999, hai người về ra mắt gia đình. Mẹ và các chị của Ji Hoon không hề muốn con trai lấy vợ Việt, song không thể xoay chuyển được quyết tâm của anh.
Hai con của biên kịch Đặng Thiếu Ngân 17 tuổi và 10 tuổi, đang học trường tiếng Hàn ở Hà Nội. |
Họ kết hôn vào năm 2000. Sau đám cưới, biết chắc vợ không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của mẹ chồng, nếu sống tại Hàn, hạnh phúc của họ khó có thể đảm bảo, nên người đàn ông này đã từ bỏ con đường được trải thảm, mà chọn cuộc sống tự bươn chải ở Việt Nam.
Dù không phải làm dâu nhưng những kỳ nghỉ về với gia đình chồng, cũng đủ chị Ngân hiểu sự gian nan khi có mẹ chồng Hàn Quốc. Chị kể, mẹ chồng chị quan niệm không nên ăn nhiều, chỉ nên ăn vừa. Thời chị mới mang bầu bé đầu mỗi bữa chỉ dám ăn bát cơm, bởi gia đình chồng ai cũng một lượt xới. Tối nào bụng chị cũng kêu gào, nhưng nghĩ “nhập gia tùy tục” nên cố làm quen.
Lại có lần khi gia đình cùng nhau ra ngoài, chị vừa phải bế con, vừa phải mang đồ trẻ con. Chị đưa túi cho chồng cầm, đến lúc về thì bị mẹ chồng phi thẳng túi đó vào người, nói đó là việc của phụ nữ. Sững sờ trước hành động đó, nhưng chị vẫn nói: “Vâng, về sau con sẽ cầm”, bởi chị hiểu mẹ đã vất vả sinh được một người con trai cho mình hưởng thì mình phải biết ơn.
Vượt qua sự phản đối của gia đình, vượt qua cả cái tôi quá lớn, Đặng Thiếu Ngân và chồng đã xây dựng cuộc sống hôn nhân dựa trên tinh thần… hai người bạn. Chị thấy may mắn vì anh luôn thấu hiểu, nhường nhịn và tâm lý với vợ.
“Với chúng tôi, khái niệm ‘vì nhau’ rõ hơn ‘yêu nhau’. Anh ấy thì luôn giúp vợ được sống đúng là mình. Tôi cũng luôn cố gắng giúp chồng đạt được tâm nguyện riêng. Vợ chồng chưa bao giờ có mâu thuẫn đáng phải bận tâm, nhưng cũng chẳng bao giờ nói với nhau mấy lời sến sẩm”, chị cho biết thêm. Hơn chục năm qua, chị luôn tặng anh tấm thiệp sinh nhật có khẩu hiệu “Best friend forever”.
Đặng Thiếu Ngân cho rằng, không phải tính cách hồn nhiên hay sự khéo léo của chị giúp cho cuộc hôn nhân và công việc suôn sẻ, mà bởi vì chị “thông minh và biết nể chồng”. |
Không như đa số đàn ông Hàn Quốc, anh Ji Hoon rất gần gũi gia đình nhà vợ. Anh cho biết luôn thấy biết ơn vì được bố vợ – Đạo diễn Đặng Tất Bình – và chị vợ – biên kịch Đặng Diệu Hương – rất chiều mình.
Hơn 40 tuổi, Đặng Thiếu Ngân có cuộc sống nhiều người mơ ước. Chị vừa có bằng Tiến sĩ về Văn hoá Hàn Quốc, hiện là Phó chủ tịch Hội nghiên cứu Hàn Quốc, Phó tổng biên tập Tạp chí Hàn Quốc và đảm nhiệm chức vụ Giám đốc đối ngoại – Marketing của một công ty Hàn Quốc ở Việt Nam. Chị cũng có một tổ ấm hạnh phúc. Hai con chị đang học ở trường quốc tế ở Hà Nội.
“Tôi không thèm bất cứ thứ gì về vật chất của người xung quanh, cũng không nhìn người khác để so sánh. Tôi cũng chưa từng có một giấc mơ cháy bỏng, chưa từng đặt bất cứ mục tiêu nào cho cuộc đời mình… Có vì thế, tất mọi thứ đều đến một cách tự nhiên”, chị bộc bạch.
Phan Dương/Vnexpress