Ngày mổ bắt con, người nhà chị Hương đã lo xong hậu sự cho chị. Nhưng, 7 tiếng sau chị tỉnh lại trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Trong một căn nhà thuê ở phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) chị Nguyễn Thị Hương (36 tuổi) cùng chồng là anh Hoàng Dũng (40 tuổi) tất bật làm đồ ăn cho kịp giờ giao khách. Từ 5h sáng, anh chị đã dậy làm hơn 1.000 chiếc bánh khoai môn Lệ Phố; đến chiều làm món gà, lòng dồi. Chứng kiến cảnh làm việc “thừa sống thiếu chết” của chị Hương, chẳng ai có thể nghĩ chị đang bị bệnh tan máu bẩm sinh – căn bệnh khiến hồng cầu chết sớm hơn bình thường, gây thiếu máu cho cơ thể – cùng hàng loạt biến chứng như tim to, gan to, hở van tim…
Năm 13 tuổi, cô bé Hương, con thứ ba trong một gia đình nhà nông có 6 con ở Vĩnh Phúc bị mắc bệnh về máu. Do thường xuyên phải đi viện, Hương không thể tiếp tục theo học. Chị xin bố mẹ đi học may và chẳng mấy chốc thành thợ giỏi trong vùng. Làm được một thời gian thì công việc này ảnh hưởng đến tim nên bố mẹ khuyên chị nghỉ làm, xuống Hà Nội nấu cơm cho hai em.
Bệnh tật nhưng đầu óc Hương rất nhanh nhẹn. Vừa chăm sóc các em, chị vừa ấp ủ mở một cửa hàng tạp hóa. Trong thời gian tìm địa điểm, chị tranh thủ bán vé số, bán nước kiếm thêm. Năm 24 tuổi, cô gái xinh xắn này đã là chủ một cửa hàng tạp hóa trên phố Nguyễn Khang. Ngoài có tiền chữa bệnh cho mình, chị đã giắt lưng được một số vốn kha khá.
“Tôi làm việc hăng say chỉ với một tâm niệm là ‘có tiền chữa bệnh’, phòng đến khi bố mẹ mất đi, không còn ai lo cho tôi nữa thì chí ít cũng phải có đồng tiền nhờ vả mọi người chăm sóc mình”, chị Hương bộc bạch.
Cũng trong thời gian này, anh Hoàng Dũng, nhà trên phố Nguyễn Khang, làm cán bộ văn hóa, thường xuyên qua quán chị Hương mua đồ. Thấy cô hàng xóm ít giao lưu bạn bè, anh rủ chị tham gia sinh hoạt đoàn hoặc giúp việc nhà chùa cùng mình. “Một hôm anh Dũng chạy xe qua quán thấy tôi đang cưa cái kệ đựng hàng, anh ấy mới hỏi ‘Người yêu em đâu mà phải tự làm’. Tôi mới đùa ‘Người yêu em chỉ biết cưa bằng miệng thôi’. Nghe vậy, anh ấy liền xuống xe giúp tôi sửa cái bàn”, chị hồi tưởng.
Từ đó, anh Dũng trở thành người hàng xóm thân thiết với chị Hương. Ngoài mua đồ, nhiều lần khác anh cũng giúp chị sửa tivi, điện nước, tủ quần áo. Đùng một ngày, anh cán bộ văn hóa này thấy cô hàng xóm “mất tích”. Xâu chuỗi lại sự việc, anh hỏi ra mới biết chị bị căn bệnh máu, hàng tháng đều phải đến viện điều trị.
“Anh ấy hỏi tôi muốn ăn gì để đến thăm. Tôi nói ‘ăn chả chó’. Không ngờ lúc sau anh ấy mang đến mấy xiên chả còn nóng hổi đến thật. Tôi thì ngồi ăn ngon lành, trong khi cả phòng bệnh ai cũng buồn cười vì món quà đi thăm kỳ cục đó của anh”, chị cười, kể.
Từ đó cứ mỗi lần chị đi viện, anh Dũng lại đến thăm, khi thì mang xiên chả, đĩa lòng, lúc là con gà luộc. Tính cách chân thật, hiền lành của anh dần khiến chị Hương cảm mến trên mức một người bạn thông thường. Về phần anh Dũng, biết hoàn cảnh của chị càng khiến anh thương hơn.
Đôi uyên ương đến với nhau trong sự phản đối kịch liệt của hai bên gia đình. Nhà chị Hương chỉ muốn con gái an phận làm ăn buôn bán, lấy tiền chữa bệnh. Nhà anh Dũng cũng phản đối vì con trai yêu một cô gái quê, cả đời phải sống nhờ máu người khác. Nhưng anh chị không chỉ vượt lên sự ngăn cấm của gia đình, mà còn làm một việc cực kỳ nguy hiểm – có con.
Từ khi mang thai, sức khỏe chị Hương yếu hẳn. Chị phải đóng cửa hàng tạp hóa. Đến tháng thứ 4, chị nhập viện Bạch Mai điều trị nội trú và truyền máu liên tục. Chỉ số hồng cầu của chị xuống chỉ còn 32 – 35 mg/l hồng cầu, trong khi ở người bình thường là 120 – 150 mg/l. Không ít lần các bác sĩ thông báo sức khỏe chị quá yếu và muốn đình chỉ thai để giữ mẹ.
Nhưng chị Hương quyết tâm ngược số mệnh để sinh con. “Mỗi ngày tôi đều phải nói với bản thân ‘cố lên, cố lên, cố lên’. Với tôi, có con thì mới có mẹ”, chị Hương bộc bạch.
Gia đình buộc phải chiều theo ý chị và thay phiên nhau xuống thăm nuôi trong quãng thời gian hơn 4 tháng chị nằm viện. Vào ngày mổ bắt con, chị Hương đã quá yếu. Các bác sĩ tiên lượng khả năng chỉ cứu được con. Người nhà thuê một chiếc xe 29 chỗ chở các thành viên trong họ hàng xuống nhìn mặt chị lần cuối. Anh Dũng bên cạnh việc mua đồ cho con, cũng đặt sẵn quan tài cho vợ.
“Tôi cũng chuẩn bị tâm thế sẽ ra đi. Miếng đất tôi mua trước đó nhờ bố giữ giùm cho con tôi. Mấy cuốn sổ tiết kiệm chia các anh chị mỗi người giữ một và kèm câu gửi gắm ‘Chăm sóc đứa bé giùm em'”, chị Hương rơm rớm nhớ lại.
Nhưng kỳ tích đã xảy ra. 7 tiếng sau mổ chị Hương tỉnh lại. Cả gia đình vui mừng khôn xiết. Ai cũng không cầm được mắt chứng kiến cảnh chị bồng đứa con bé nhỏ trên tay. Vì bị ngộ độc thai kỳ nên da bé đen, nhăn nheo, sinh ra lại chỉ được 2,5 kg, song với người mẹ, con vẫn giống một thiên thần. Chị nâng niu và khắc ghi từng giây phút được bế con, được cho bé bú, bởi chỉ 3 ngày sau đó chị lại về viện Huyết học điều trị, phải dùng thuốc, từ đó không bao giờ cho con bú được nữa.
Sinh con được một tháng, chị Hương và anh Dũng đăng ký kết hôn. Nghĩ đến tương lai của con, chị quyết định về Vĩnh Phúc xây tổ hợp nhà hàng, quán karaoke, cafe, với 3 tầng trên diện tích gần 300 m2.
Không lâu sau khi vợ về, anh Dũng – khi đó đang là trưởng ban văn hóa phường – cũng bỏ việc về giúp vợ kinh doanh. Nghị lực hơn người của chị Hương, cũng như tấm chân tình anh Dũng, được người dân quê hết lời khen ngợi. Khi con trai anh chị được một tuổi, gia đình nhà nội chấp nhận và làm một lễ nhỏ xin chị làm dâu.
Từ năm 2008 đến năm 2014, việc kinh doanh của vợ chồng chị Hương ngày càng thuận lợi. Làm nhiều lại ngủ ít nên sức khỏe chị suy kiệt nhanh chóng. Đôi lần vì quá ham mê công việc mà chị không xuống viện đúng hẹn. Đến năm 2014, chỉ trong vài tháng chị phải đi cấp cứu nhiều lần. Cuối năm đó, anh chị buộc phải cho thuê cơ ngơi đang làm ăn phát đạt của mình, khăn gói về Hà Nội chữa bệnh.
Trong thời gian mang thai, chị Hương phải truyền máu quá nhiều. Từ đó đến nay cơ thể chị không tiếp nhận máu được nữa, mà phải chuyển sang dùng thuốc, dẫn đến hàng loạt biến chứng như tim to, gan to, hở van tim… Hai năm nay ở Hà Nội điều trị nhưng chị Hương vẫn làm không ngơi tay. Ban đầu chị bán rượu, nhận may, sửa quần áo, sau bán cơm cho bệnh nhân. Đến nay chị lại bán đồ ăn online. Chị tâm sự: “Trước tôi làm cho mình, nay tôi phải làm cho cả con. Nhỡ may một khi tôi ngã xuống, còn có một chút gì đó cho chồng con tôi”.
Anh Dũng, từ một cán bộ công chức quần là áo lượt, sau đó trở thành một ông chủ, nay lại làm một chân vận chuyển cho vợ. Dù vậy, anh vẫn miệt mài ham làm như vợ. Nhiều hôm vợ con đã ngủ rồi, anh vẫn làm thêm công việc quảng cáo, với mong muốn tự mình kiếm đủ tiền tổ chức đám cưới. “Tính vợ tôi tiết kiệm nên nếu để bỏ tiền ra làm đám cưới, cô ấy sẽ không bao giờ làm. Tôi muốn làm điều đó tặng vợ. Tôi vẫn còn nợ cô ấy một đám cưới”, người đàn ông hiền lành này bộc bạch.
Phan Dương
Theo Vnexpress