Tôi không hiểu sao phụ nữ Việt vẫn gánh nhiệm vụ “đẻ thằng cu” trong khi môn sinh học cấp 2-3 đã dạy rõ sinh trai hay gái là do nam giới.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Evgenia M., một thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học người Nga, lấy chồng Việt Nam và hiện sống cùng chồng và con trai tại Vũng Tàu, về những điều khiến chị thấy lạ lùng về cuộc sống hôn nhân, gia đình người Việt:
Tôi sinh ra và lớn lên ở Nga. Xã hội Nga vẫn còn giữ nhiều nét truyền thống, phụ nữ có nhiều nghĩa vụ gia đình hơn đàn ông và nói chung là thiệt thòi so với phụ nữ các nước Tây Âu. Thế nhưng, so với Việt Nam, nơi tôi sống 5 năm nay, phụ nữ Nga vẫn thoải mái và tự do hơn nhiều. Cá nhân tôi lấy chồng Việt và thấy hạnh phúc vì anh ấy hợp tính với tôi, biết thông cảm và chia sẻ mọi thứ. Những nhận xét dưới đây của tôi chủ yếu là từ quan sát cuộc sống xung quanh mình.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhịp sống tăng tốc, nhất là ở thành phố, tôi khá kinh ngạc khi thấy nhiều chị em vẫn đi chợ và nấu ăn hàng ngày. Phụ nữ Nga không hay mua đồ ăn nhanh hay đi ăn quán như ở Mỹ, nhưng họ vẫn sẽ nấu một hai món cho mấy ngày, để tủ lạnh lấy ra hâm lại.
Trước khi sống ở Việt Nam, tôi cũng chưa biết “ăn ngon” là như thế nào vì chúng tôi có quan niệm “ăn là để no” chứ không phải “ăn là thú vui”. Bố tôi vẫn luôn nhắc điều bà nội dạy: “Người ta đã nấu cho con ăn là quý lắm rồi, đó là công sức và thời gian của người vợ, người mẹ, không được nói ‘ngon, không ngon’, có gì ăn nấy”. Ông ngoại tôi cũng nói điều tương tự.
Lấy chồng Việt, tôi mới nhận ra văn hóa ẩm thực và thói quen ăn uống của gia đình Việt hơi… cầu kỳ. Dù vậy vì thương chồng nên tôi từ chỗ trứng cũng không biết chiên, mỳ không biết luộc, đã tự học nấu ăn đồ Việt và đồ Tây (vì chồng tôi thích ăn cả đồ Tây). Hiện tại tôi nấu được khá nhiều món ngon. Thói quen và khả năng chăm lo miếng ăn gia đình của phụ nữ (và cả một số đàn ông) Việt quả là tuyệt vời, đáng học hỏi.
Thực tế, tôi còn thua xa các bà mẹ “vua bếp” Việt Nam nhưng tôi không thích đầu tư hết thời gian vào ẩm thực. Ngoài bụng ra còn có cái đầu! Phụ nữ còn phải có thời gian chăm sóc sắc đẹp, trau dồi kiến thức xã hội, đọc sách, đi xem hát, gặp bạn bè nói chuyện về đủ thứ trên thế giới – chính trị, xã hội, văn hóa, y học… Chẳng lẽ bố mẹ sinh ra chị em mình chỉ để biết mỗi bếp, chồng, con, chợ thôi?
Một điều khiến tôi ngạc nhiên nữa khi lấy chồng Việt là phụ nữ ở đây vẫn gánh nhiệm vụ “đẻ thằng cu”, trong khi chương trình môn sinh học cấp 2-3 đã dạy cho mọi người biết rằng sinh trai hay gái phụ thuộc vào người đàn ông bởi họ mới có nhiễm sắc thể giới tính “X” hay “Y” trong khi phụ nữ chỉ có “XX”. Thực chất, nếu nói một cách nghiêm túc thì chính các anh cũng không quyết được gì vì điều đó tuân theo quy luật tự nhiên. Xin bổ sung rằng tôi cũng am hiểu về vai trò đàn ông trong việc thờ cúng tổ tiên, nhưng thời đại ngày nay, vì người chết mà làm khổ người sống thì hơi vô lý.
Ngoài ra, tôi cũng không hiểu sao ở Việt Nam, con cái luôn phải hỏi ý kiến bố mẹ về mọi chuyện, kể cả khi lập gia đình hay nuôi dạy con cái. Ở các nước phương Tây, không có chuyện con cái hỏi ý kiến bố mẹ về chồng/vợ tương lai, bố mẹ cũng không có nhiệm vụ tư vấn. Nếu được con hỏi, bố mẹ còn ngạc nhiên: “Bộ con không tự biết tìm hiểu sao?”.
Việc tôi sang Việt Nam sinh sống và làm việc cũng thế, tôi không xin phép mà chỉ thông báo cho bố mẹ thôi. Không nên lầm tưởng thái độ này là ích kỷ hay bất hiếu, đơn giản vì từ nhỏ chúng tôi và cả bố mẹ chúng tôi đều được dạy như thế, rằng hãy chủ động với cuộc sống của mình bởi mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi. Không phải bố mẹ nói gì cũng là tốt cho con, dù họ thực sự muốn vậy. Người thế hệ trước đã nói và làm rất nhiều thứ mà không còn phù hợp với bây giờ nữa. Chính ông bà, bố mẹ của tôi luôn dạy tôi rằng: Đừng nghe theo ai, ai cho lời khuyên thì xem xét nhưng con phải suy nghĩ và hành động độc lập để sau nay nếu thất bại thì không trách ai, còn nếu thành công thì không bị ai nói là do làm theo họ.
Một điều kỳ lạ nữa là tôi thấy phụ nữ Việt Nam có cả một công cuộc “giữ chồng”. Ở Tây, quan niệm “chồng ngoại tình là thứ không cần giữ, đáng vứt bỏ” nên tỷ lệ ly hôn rất nhiều. Không có đánh ghen, không có nói chuyện với tình địch. Người vợ sẽ không hạ thấp mình như thế. Tha thứ được thì sống tiếp, không thì ly hôn.
Nhưng tính kiểm soát chồng của phụ nữ Việt lại khá… tiện cho tôi. Tôi có thể hỏi chồng đi đâu, với ai, làm gì mà không thấy tự ái, trong khi phụ nữ Tây thường ngại hỏi nhiều về việc cá nhân của chồng, vì cái đó là “không gian cá nhân, tự do cá nhân”.
Ở Nga cũng đã không còn bi kịch “mẹ chồng nàng dâu” nữa. Bố mẹ chồng không còn quyền gì để bắt con dâu phục vụ. Phong tục đó từng tồn tại trước Cách mạng nhưng nay hoàn toàn không còn. Thời nay, người vợ không muốn sang thăm và gọi điện hỏi thăm bố mẹ chồng thì chồng cũng không có cách nào ép buộc. Nếu bố mẹ chồng cư xử không khéo và con dâu không tâm lý thì còn có cảnh nàng dâu không cho ông bà tiếp xúc với cháu. Trái lại, cảnh “mẹ vợ ăn hiếp con rể” rất phổ biến, vì quan niệm chung là “con trai là con người ta (vì lập gia đình riêng), con gái vẫn mãi là con mình, phải thương yêu và giúp đỡ do phụ nữ luôn phải gánh nặng gia đình). Mẹ vợ hay xen vào chuyện riêng của hai người và hay bênh vực con gái nên cũng có nhiều nhà vì áp lực từ mẹ vợ mà đổ vỡ.
Rất may là những nhận xét trên của tôi hầu hết chỉ dựa trên các chuyện tôi đọc và thấy tận mắt khi sống tại đây, chứ không phải là trải nghiệm cá nhân. Tôi được may mắn khi lấy chồng Việt Nam “cực chất”: văn minh, có trách nhiệm, giàu tình cảm, trung thực và nhiệt tình san sẻ mọi thứ từ tâm tư đến việc nhà. Chồng tôi kết hợp nét đẹp cá nhân, như tính tự lập trong hành động và suy nghĩ, siêng năng trong công việc và cuộc sống, với nét đẹp truyền thống Việt Nam như tinh thần đề cao gia đình, trách nhiệm, biết thông cảm và chia sẻ, biết tôn trọng vợ, biết thương con. Tôi cũng may mắn khi có bố mẹ chồng rất hiểu chuyện, tốt tính và tâm lý. Chồng tôi có công việc tốt, tôi cũng thế, có con trai nhỏ, tính tự lập của vợ chồng tôi không hề làm cho cuộc sống gia đình thiếu tình cảm.
Evgenia M.
Theo Vnexpress