Từ khi thống nhất năm 1975 đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều lần sắp xếp, chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo từng giai đoạn lịch sử và mỗi lần sáp nhập hay chia tách đều mang theo mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo Kết luận số 126 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội và các cấp ủy, tổ chức liên quan nghiên cứu định hướng bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh…
Trong lịch sử phát triển và quản lý hành chính ở Việt Nam, việc sáp nhập và chia tách các tỉnh, thành phố đã diễn ra nhiều lần. Mỗi lần sáp nhập hay chia tách đều mang theo mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Cùng Vietnamfinance điểm lại những lần sáp nhập, chia tách tỉnh, thành của Việt Nam từ khi thống nhất năm 1975 đến nay.

Việt Nam từng có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh
Theo thông tin tổng hợp từ Bộ Nội vụ công bố năm 2017, sau khi đất nước thống nhất vào tháng 4/1975, Việt Nam có tổng cộng 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 25 đơn vị ở miền Bắc và 47 đơn vị ở miền Nam.
Đến tháng 12/1975, Quốc hội khóa V đã thông qua nghị quyết về việc bãi bỏ cấp khu và tiến hành hợp nhất các đơn vị hành chính, thực hiện sáp nhập một loạt các tỉnh thuộc miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Đầu năm 1976, việc sáp nhập tiếp tục được thực hiện trên diện rộng trải dài từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến năm 1976, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đến năm 1978, Quốc hội đã phê chuẩn việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, đồng thời sáp nhập thêm 5 huyện vào thành phố. Tỉnh Cao Lạng được chia thành hai tỉnh riêng biệt là Cao Bằng và Lạng Sơn, nâng tổng số tỉnh và thành phố lên 39.
Sau đó, vào năm 1979, Việt Nam có thêm một đơn vị hành chính cấp tỉnh là Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, tổng số đơn vị hành chính lúc này là 40.
Chỉ 10 năm sau, tức năm 1989, số đơn vị hành chính của cả nước đã tăng thêm 4 đơn vị. Theo đó, tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định; tỉnh Phú Khánh được tách ra thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Lúc này, cả nước có 44 tỉnh thành gồm 40 tỉnh, 3 thành phố và đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo.
Tới năm 1991, hàng loạt tỉnh nhập lại trước đây tiếp tục tách ra như tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình. Tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 3 huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (giải thể đặc khu). Đến lúc này, cả nước có 53 tỉnh thành.
Năm 1997, một số tỉnh tiếp tục được chia tách. Cụ thể, tỉnh Bắc Thái tách thành Bắc Kạn và Thái Nguyên; tỉnh Hà Bắc tách thành Bắc Giang và Bắc Ninh; tỉnh Nam Hà tách thành Hà Nam và Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành Hải Dương và Hưng Yên; tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng (trực thuộc Trung ương); tỉnh Sông Bé tách thành Bình Dương và Bình Phước. Lúc này, cả nước có 61 tỉnh, thành.
Số đơn vị hành chính cấp tỉnh ở nước ta tiếp tục tăng lên 64 vào năm 2004 khi tỉnh Đắk Lắk được tách thành hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk; tỉnh Cần Thơ tách ra thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; tỉnh Lai Châu tách ra thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.
Đến giữa năm 2008, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) vào Thủ đô Hà Nội.
Và từ thời điểm đó cho đến nay, Việt Nam vẫn giữ nguyên số đơn vị hành chính gồm 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời điểm phù hợp để sáp nhập lần nữa?
Đối với chủ trương nghiên cứu sáp nhập các tỉnh lần này của Bộ Chính Trị, nhiều ý kiến cho rằng, điều này rất phù hợp, kịp thời, bắt đúng bệnh tình trạng phát triển manh mún, đầu tư dàn trải và kém hiệu quả trong phân bổ nguồn lực thời gian qua.
Ông Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) dẫn chứng, hiện nay dân số Việt Nam là hơn 100 triệu người nhưng có đến 63 tỉnh, thành phố và như thế là rất nhiều. Trong khi đó, “hàng xóm” Trung Quốc với dân số hơn 1,4 tỉ người nhưng cũng chỉ có 34 tỉnh, thành (23 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 2 đặc khu hành chính).

Trước đây, khi tách các tỉnh ra với mong muốn để dễ dàng cho việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho các địa phương phát triển. Qua quá trình đó, các địa phương tách ra đều đã phát triển, nhưng đến hiện nay đa số các địa phương này đều đã đến giới hạn, kể cả về diện tích cũng như tài nguyên…
“Vì vậy việc nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh thành là định hướng đúng đắn để tạo ra không gian mới, động lực mới cho các địa phương phát triển. Cùng với đó, tạo ra bộ máy thống nhất từ trung ương đến địa phương không có sự cồng kềnh và tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền”, ông Hòa cho biết.
Tương tự, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright khẳng định, chủ trương này thể hiện tư duy đột phá, mang ý nghĩa sâu sắc với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Các chính sách phát triển kinh tế, hạ tầng, xã hội và môi trường sẽ dễ thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả hơn trên quy mô lớn.
Đặc biệt, việc sáp nhập này cũng giúp tiết kiệm nhiều ngân sách, có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội.
Từ đó, mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cả về hành chính, kinh tế và văn hóa – xã hội, không phải chỉ để đáp ứng ba tiêu chí cơ học là quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện.
Song, theo ông Tuấn, để đảm bảo việc sáp nhập diễn ra thuận lợi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một lộ trình hợp lý và các giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có.
“Điều quan trọng là phải đảm bảo sự đồng thuận từ người dân và doanh nghiệp, tránh gây ra bất ổn trong quá trình chuyển đổi, từ đó giúp phát huy tối đa lợi ích của việc tái cấu trúc hệ thống hành chính địa phương”, ông Tuấn nói.
Theo Anh Vũ / Vietnamfinance.vn