Dịp 30/4-1/5 năm nay, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang… không còn cảnh “biển người” hay “cháy phòng” khách sạn, nguyên nhân một phần do du khách né đi chơi dịp lễ.
Theo ghi nhận của VTC News trong hai ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5, khác với dự đoán trước đó, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thưa thớt khách du lịch.
Đến chiều 1/5, các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào TP Đà Lạt vẫn thông thoáng, xe cộ lưu thông dễ dàng. Các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Trỗi… cũng ít phương tiện.
Khu vực quanh hồ Xuân Hương, nơi luôn đông nghẹt du khách trong các dịp nghỉ lễ nhờ loạt hoạt động ngoài trời thú vị như đạp vịt, đi xe ngựa… thì nay khá im lìm. Thuyền vịt xếp hàng dài sát bờ hồ vì vắng khách.
Khách lui tới ít nên hàng loạt khách sạn ở khu vực trung tâm vẫn treo biển “còn phòng”. Phòng nhà nghỉ, khách sạn ở TP Đà Lạt được quảng cáo trên mạng xã hội với giá như ngày thường.
TP Đà Lạt hiện có khoảng 35.000 phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, có thể đón cùng lúc trên 100.000 du khách. Nhưng tính đến chiều 29/4, số phòng được du khách đặt cọc trong dịp lễ 30/4 mới đạt khoảng hơn 50% công suất.
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin TP Đà Lạt, nguyên nhân Đà Lạt vắng vẻ có thể do dịp trước lễ đã có hàng chục nghìn lượt khách đến nghỉ dưỡng, tham quan và tham gia Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng 2022. Mặt khác, hiện nay nhiều người có xu hướng đi du lịch trước hoặc sau lễ để tránh tình trạng tăng giá dịch vụ và kẹt xe.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hoà). Lãnh đạo ngành Du lịch tỉnh này cho biết, hầu hết các khách sạn lớn ở Nha Trang đạt khoảng 70% công suất phòng. Nhiều khách sạn 2 sao, nhà nghỉ vẫn treo biển còn phòng. Các cơ sở lưu trú nhỏ rất khó cạnh tranh dịp này, công suất phòng của các khách sạn nhỏ chỉ đạt khoảng 20%.
Theo ông Trần Văn Phú, Trưởng phòng Quản lý bến tàu – dịch vụ du lịch, Ban Quản lý vịnh Nha Trang, đến cuối ngày 30/4, đã có 4.850 khách xuống tàu tham gia tour biển đảo, cao hơn 700 lượt khách so với dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương nhưng thấp hơn nhiều so với con số kỳ vọng (dự tính ban đầu là sẽ có khoảng 7.000 khách qua cảng trong ngày 30/4).
Tại Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) chiều 1/5, các bãi tắm không quá đông đúc. Một số điểm check-in nổi tiếng như ngọn Hải Đăng hay các bãi biển đều khá vắng. Các hàng quán cũng không rơi vào tình trạng quá tải. Không chỉ phòng nghỉ mà các dịch vụ khác cũng được du khách nhận xét là bình ổn, không xảy ra tình trạng “chặt chém”.
Ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu cho biết, lượng khách ngày đầu kỳ nghỉ lễ cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 nhưng thấp hơn các năm trước.
Theo bà Dương Thị Hải, đại diện La Castle Hotel (phường 2, TP Vũng Tàu) cho biết, đêm 30/4, dù trời mát mẻ, lượng khách vãng lai hỏi phòng vẫn rất ít. Khách sạn có 35 phòng, đến tận 24h mới chỉ bán được gần một nửa.
Tương tự, đại diện Anoasis Beach Resort (thị trấn Long Hải, Long Điền) cũng cho biết, thời tiết miền Nam không thuận lợi ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của resort. Một số khách đã liên hệ hỏi phòng, thương lượng giá nhưng sau đó báo không đi nữa vì ngại mưa gió. Trong đêm 30/4, công suất phòng của resort chỉ đạt hơn 70%.
Ngoài lý do thời tiết, các điểm du lịch vắng khách hơn những năm trước một phần do người dân đã “rút kinh nghiệm”, không muốn đua nhau đi du lịch kiểu “hành xác”.
Anh Lê Hồng Phong (ngụ Tam Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, năm nay gia đình anh chỉ đi loanh quanh trong thành phố. Hai vợ chồng cho con đi địa đạo Củ Chi và đến công viên Gia Định chơi. Ngày tiếp theo, họ cho con đi khu du lịch sinh thái ở Bình Quới.
“Lần trước, vào lễ giỗ Tổ, gia đình tôi đi Vũng Tàu, đông nghẹt người tắm biển, quán ăn phục vụ không kịp, khách sạn ‘cháy’ phòng… lúc di chuyển thì kẹt xe liên tục nên lễ này chúng tôi ở lại thành phố”, anh Phong nói, cho biết gia đình anh sẽ chờ đến cuối tuần sau mới đi Nha Trang để “né” du lịch dịp lễ.
Tuệ Lâm / VTC News