Theo các luật sư về di trú, ngày càng nhiều người Mỹ giàu có đang lên kế hoạch rời khỏi đất nước trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào tuần tới do lo ngại về bất ổn chính trị và xã hội bất kể ai thắng cử.
Các luật sư và cố vấn cho các văn phòng gia đình và các gia đình có giá trị tài sản ròng cao cho biết họ nhận thấy nhu cầu kỷ lục từ các khách hàng đang tìm kiếm hộ chiếu thứ hai hoặc nơi cư trú dài hạn ở nước ngoài.
Việc người dân Mỹ tìm cách chuyển ra nước ngoài sinh sống sau cuộc bầu cử tổng thống không có gì xa lạ trước đây nhưng các cố vấn về tài sản cho biết lần này nhiều người giàu có đã “hành động”.
Ông Dominic Volek, người đứng đầu nhóm khách hàng cá nhân tại Henley & Partners, công ty tư vấn cho người giàu về di cư quốc tế, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhu cầu cao như hiện nay”.
Cũng theo ông Volek, lần đầu tiên người Mỹ giàu có là nhóm khách hàng lớn nhất của công ty, chiếm khoảng 20% và nhiều hơn bất kỳ quốc tịch nào khác. Ông cho biết số lượng người Mỹ có kế hoạch chuyển ra nước ngoài đã tăng ít nhất 30% so với năm ngoái.
Quan tâm tới “thị thực vàng”
Một cuộc khảo sát của Arton Capital, công ty tư vấn cho những người giàu có về các chương trình nhập cư, phát hiện ra rằng 53% triệu phú Mỹ cho biết họ có nhiều khả năng rời khỏi Mỹ sau cuộc bầu cử, bất kể ai thắng cử.
Những triệu phú trẻ tuổi có nhiều khả năng rời đi nhất, với 64% triệu phú từ 18 đến 29 tuổi cho biết họ “rất quan tâm” đến việc tìm kiếm cái gọi là “thị thực vàng” thông qua chương trình cư trú theo đầu tư ở nước ngoài.
Phải công nhận rằng, sự quan tâm đến hộ chiếu thứ hai hoặc quyền cư trú đã tăng đều đặn trong giới nhà giàu Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Cho dù là muốn nghỉ hưu ở một quốc gia ấm áp với chi phí rẻ hơn hay gần gia đình ở nước ngoài hơn, những người giàu Mỹ có rất nhiều lý do phi chính trị để muốn ra nước ngoài.
Những người siêu giàu cũng ngày càng coi quyền công dân ở một quốc gia là rủi ro cá nhân và tài chính tập trung. Cũng giống như họ đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình, giờ đây họ đang tạo ra “danh mục hộ chiếu” để phòng ngừa rủi ro ở quốc gia của họ. Những người khác muốn có hộ chiếu không phải của Mỹ trong trường hợp họ đi du lịch đến các quốc gia hoặc khu vực nguy hiểm thù địch với Mỹ.
Tuy nhiên, các cuộc bầu cử và tình hình chính trị đã tăng tốc và thúc đẩy những người Mỹ giàu có cân nhắc Kế hoạch B ở nước ngoài. Ông Lesperance cho biết trong hơn ba thập kỷ, khách hàng người Mỹ của ông chủ yếu quan tâm đến việc chuyển ra nước ngoài vì lý do thuế. Bây giờ, đó là vấn đề chính trị và nỗi sợ bạo lực và cuộc bầu cử vào tuần tới làm tăng thêm nỗi sợ hãi đó.
Cũng theo ông Lesperance, có nhiều người lo lắng về bạo lực nếu ông Donald Trump thua, hoặc kế hoạch đánh thuế thu nhập vốn “chưa thực hiện” đối với những người có giá trị tài sản hơn 100 triệu USD của Phó tổng thống Kamala Harris.
Trong khi các nhà phân tích thuế cho biết kế hoạch đánh thuế thu nhập vốn chưa thực hiện có rất ít cơ hội được Quốc hội thông qua, ngay cả khi đảng Dân chủ chiếm đa số, ông Lesperance cho biết đó vẫn là một rủi ro.
“Ngay cả khi chỉ có 3% khả năng xảy ra, bạn vẫn muốn mua bảo hiểm”, ông nói.
Các luật sư cho biết những người giàu có cũng nêu ra các vụ xả súng hàng loạt trong trường học, nguy cơ xảy ra bạo lực chính trị và khoản nợ khổng lồ của chính phủ là lý do để họ rời đi.
Hướng đến châu Âu
Khi nói đến các điểm đến, người Mỹ chủ yếu hướng đến châu Âu. Theo Henley, các quốc gia hàng đầu mà người Mỹ muốn định cư hoặc nhập quốc tịch thứ hai bao gồm Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Antigua. Ý cũng trở nên phổ biến đối với người Mỹ.
“Họ hoàn toàn ổn khi đầu tư vài trăm nghìn USD hoặc nửa triệu USD vào một bất động sản hoặc một quỹ”, ông Armand Arton thuộc Arton Capital nhận định.
Tuy nhiên, các quy tắc và chi phí đang thay đổi nhanh chóng. Trong khi nhập cư hàng loạt đã trở thành vấn đề chính trị nóng hổi trên toàn thế giới, một số chính trị gia ở châu Âu đã bắt đầu phản đối thị thực vàng cấp quyền công dân hoặc quyền thường trú cho những người giàu có chỉ dựa trên đầu tư.
Ví dụ, Bồ Đào Nha đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi một làn sóng người nước ngoài đổ về Algarve và mua bất động sản bãi biển như một phần của chương trình thị thực vàng. Với giá bất động sản tăng vọt 15%, chính phủ đã thay đổi các quy tắc, tăng ngưỡng đầu tư tối thiểu và loại bỏ bất động sản nhà ở khỏi danh mục đầu tư.
Mùa hè năm nay, Ý đã tăng gấp đôi mức thuế suất cố định đối với thu nhập ở nước ngoài của những người nước ngoài giàu có chuyển quyền cư trú thuế của họ sang Ý, lên 200.000 euro (217.000 USD). Sự thay đổi này diễn ra sau làn sóng những người di cư mới giàu có đến theo chương trình này và đẩy giá bất động sản ở Milan lên cao.
Hiện tại, Malta vẫn là hộ chiếu thứ hai phổ biến dành cho giới nhà giàu Mỹ. Mặc dù đắt đỏ, với tổng chi phí khoảng 1 triệu đến 1,2 triệu USD, chương trình đầu tư nhập tịch của Malta cung cấp quyền công dân và quyền đi lại và cư trú không hạn chế tại Malta và Liên minh châu Âu (EU), theo các luật sư di trú.
EU đã thách thức chương trình Malta tại tòa án, nhưng hầu hết các luật sư di trú đều hy vọng quốc gia này sẽ thắng kiện.
Vùng Caribe cũng ngày càng được ưa chuộng đối với người Mỹ muốn có hộ chiếu thứ hai. Mua một bất động sản được chấp thuận ở Antigua và Barbuda với giá hơn 300.000 USD sẽ giúp nhà đầu tư trở thành công dân, cho phép tự do đi lại đến Hồng Kông, Nga, Singapore, Vương quốc Anh và châu Âu, cùng nhiều quốc gia khác. Các luật sư cho biết St. Lucia cũng ngày càng được ưa chuộng.
Theo CNBC
Theo Thanh Tú / Vietnamfinance.vn