Có những chuyến đi để khám phá chân trời xa mới, nhưng cũng có dặm đường để trở về gặp lại những thân thuộc. Có khi ta muốn nhìn thấy bao mới mẻ, nhưng cũng có khi ta chỉ muốn thấy mọi thứ vẫn nguyên vẹn như xưa, dù bao dời đổi. 6 năm trước, tôi đến với thế giới tao nhã của Menard Nhật Bản. Từ đó đến nay, cuộc sống ngoài kia có biết bao biến động, trầm luân. Tôi tự hỏi nơi đó có còn như xưa? Dâu bể có nghiến nát vũ trụ mơ mộng và đẹp đến siêu thực đó? Mùa Hè năm nay, tôi đã đi tìm câu trả lời cho riêng mình.
Vẫn như ngày xưa
“Sáng nay
Hoa dành dành nở
Trắng xóa
Nhật Bản độ tháng Năm, hương dành dành còn vương. Menard hi vọng hương sắc tuyệt vời của đóa dành dành sẽ mang đến cho chị những cảm xúc tuyệt vời trong chuyến đi này”.
“Hành trình trái tim Sakura” là tên chuyến đi tìm về quê hương Nhật Bản của thương hiệu Menard, nhưng cũng là những dặm đường tìm về ký ức trong tôi.
Chỉ với riêng “Hành trình trái tim Sakura”, tôi không mong đợi mình sẽ nhìn thấy những điều lạ lẫm hấp dẫn. Tôi mong muốn quay lại chính xác từng nơi mình đã đi qua 6 năm về trước, nhìn ngắm từng góc nhỏ trong cơ ngơi Menard Nhật Bản, quan sát từng chi tiết, xem thời gian có làm phôi phai đi tinh thần “vươn tới vẻ Đẹp đích thực” hay không. Kinh tế thế giới chao đảo, bài toán cắt giảm nhân sự – ngân sách diễn ra khắp nơi. Ở nhà máy của Menard, dường như sự hoàn hảo là thước đo duy nhất và đổi thay không chạm đến nơi này. Những cỗ máy sáng bóng đến có thể soi gương, nhân viên nhà máy trong đồ bảo hộ lao động tham gia vào dây chuyền sản xuất như thể họ đang thực hành Thiền định: tập trung, chuẩn xác, không một động tác thừa. Đó là một bản giao hưởng giữa máy móc và con người, giữa công nghệ và bàn tay mang hơi ấm. Tôi thấy những cỗ máy “made in Japan” đổ dưỡng da, kem nền vào khuôn và con người Nhật mang tinh thần magokoro “trái tim chân thành” xem xét kỹ lưỡng từng sản phẩm, chỉnh sửa từng chút một mọi khiếm khuyết mà máy móc có thể gây ra.
Viện nghiên cứu Menard được mệnh danh là “ngôi nhà Trí Tuệ”, nơi trăm ngàn tinh tuý nâng niu vẻ đẹp được sản sinh.
Mỗi năm nhà máy của Menard sản xuất ra hàng triệu sản phẩm nhưng luôn đảm bảo 100% các sản phẩm xuất xưởng đều hoàn hảo bởi từng thành viên trong trong nhà máy đều coi mỗi sản phẩm làm ra là uy tín và tự hào của chính bản thân. Mỗi loạt thành phẩm “ra lò” đều được lưu mẫu lại tại kho trong một khoảng thời gian để đề phòng có bất kỳ sự cố nào xảy ra đều có thể đem ra phân tích, nghiên cứu khi cần. Đại diện Menard Nhật Bản tâm sự: “Chúng tôi sản xuất hàng triệu sản phẩm mỗi năm, nhưng có những khách hàng chỉ mua duy nhất một món mỹ phẩm từ Menard, với tất cả mong đợi và hi vọng làm đẹp. Vì thế, chúng tôi phải đảm bảo từng sản phẩm một đều hoàn hảo nhất khi đến tay họ vì chúng có thể là duy nhất”.
Một góc trưng bày sản phẩm đầy tinh tế và đậm tính nghệ thuật bên trong trụ sở chính của Menard tại Nhật Bản.
Trong bối cảnh rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm đặt hàng sản xuất từ nơi khác, niềm tự hào của Menard là tự sản xuất và hơn hết, tự nghiên cứu những công trình khoa học chuyên sâu mang tiếng vang quốc tế để ứng dụng vào sản xuất mỹ phẩm công nghệ cao với nguyên liệu thượng hạng. Nhắc tới Menard là nhắc tới Trung tâm Nghiên cứu và phát triển R&D nằm ngay tại Nagoya với hơn 100 nhà khoa học làm việc chặt chẽ với các trường ĐH và bệnh viện để đưa ra các công trình liên quan đến tế bào, tế bào gốc, khoa học da liễu và ứng dụng vật liệu. Trung tâm R&D sau 6 năm tôi quay lại, vẫn 100 bóng áo choàng trắng miệt mài sau cửa kính phòng lab, giữa rất nhiều nấm linh chi, hoa bách hợp, tảo biển, hàng loạt các thí nghiệm về độ ổn định – nhiệt độ – soi da – phân tích, và các cỗ máy tách tế bào gốc mà giá trị ngang với những gia tài lớn. Menard tiếp cận công nghệ với thái độ nghiêm cẩn, cầu toàn đến mức khắc kỷ. Tinh thần zero defect – không khiếm khuyết của họ là thứ không thể lay chuyển. Ngắm nhìn nhà máy va Trung tâm nghiên cứu bền vững qua bao đổi thay năm tháng, tôi nghĩ đến chữ tín, lòng trung thành và danh dự của samurai.
Hiểu thấu tâm huyết của đội ngũ Menard khiến hành trình trải nghiệm các sản phẩm trở nên ý nghĩa hơn.
Mùa hạnh ngộ
“Hành trình trái tim Sakura” kết nối tôi với những tri kỷ, bè bạn lâu năm cùng yêu cái Đẹp và cả những người mới lần đầu gặp mặt. Lạc vào thế giới của Menard không thể chỉ có nhà máy, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, mà còn là vũ trụ mộng mơ của nghệ thuật, hội họa, ca múa, vườn thảo mộc, khu nghỉ dưỡng và suối nước nóng – của những gì tồn tại như bài thơ bất chấp thực tại. Bảo tàng nghệ thuật tư nhân Menard Art Museum thành lập năm 1987 đã từng đón tiếp Nhật hoàng và Hoàng hậu năm 2016 với 1,500 tác phẩm được trưng bày tại thời điểm đó, bao gồm hội họa, điêu khắc, cổ vật của các nghệ sĩ phương Tây và Nhật Bản. Lần này quay lại, vẫn không gian thanh vắng với những bụi đỗ quyên đỏ trong nắng, tôi chìm vào thế giới của Picasso, Paul Cezanne, Chagall, Paul Gauguin, Matisse và các họa sĩ Nhật từ thời kỳ Meiji, Taisho và Showa. Menard luôn là những con người yêu nghệ thuật, bảo trợ cho sự phát triển của các bộ môn sáng tạo, gìn giữ một thế giới lãng mạn có thể chữa lành nội tâm và sẵn lòng sẻ chia thế giới đó với xung quanh.
Đến nay, Viện Bảo tàng Nghệ thuật Menard đã trưng bày hơn 1,600 tác phẩm từ các nghệ sĩ tài hoa khắp thế giới.
Furusato là cách nói khác của người Nhật để chỉ quê hương, đó không hẳn là nơi chúng ta được sinh ra mà có thể là nơi chúng ta cảm thấy tâm hồn mình luôn hướng về. Nơi tôi cảm thấy bàn chân mình muốn quay lại nhất sau 6 năm xa cách chính là vườn thảo mộc của Menard Aoyama Resort – khu nghỉ dưỡng nằm giữa 3,300,000 m2 rừng bát ngát của Murou-Akame-Aoyama Quasi-National Park (Mie prefecture). Vẫn khu vườn nằm yên ả dưới trời xanh và thông reo. Tưởng như mỗi tế bào không khí đều ướp hương sương mai và lá cây rì rào. Khu vườn trải dài với hàng luống hoa poppy vàng xen cam rộn ràng niềm vui, cúc marguerite trắng tròn xoe, hoa mắt biếc nemophila trong veo ngước nhìn trời xanh tượng trưng cho “xinh đẹp” trong văn hóa Nhật. Đồng cỏ và rừng thông chạy dài tít tắp, dưới những tán cây ấy có hạnh phúc và thong dong, có tôi cùng bạn bè nếm những que kem ốc quế vị hoa cúc và vị hoa oải hương gây bao lưu luyến. Cũng ở Aoyama resort, tôi trở về với sở thích riêng tư của mình: đắm chìm với suối nước nóng onsen để thư giãn và tái tạo năng lượng. Onsen được coi như một liệu trình thần bí và có sức mạnh thiêng liêng bởi hàm lượng khoáng chất bên trong dòng nước ấm nóng tự nhiên. Ở Nhật có loài khỉ tuyết đam mê tắm suối nước nóng. Tôi nghĩ chúng là sinh vật sung sướng nhất đời. Đêm ấy, tôi ngâm mình trong hồ nước nóng ở Aoyama, trên trời có duy nhất một vì sao lấp lánh như kể chuyện. Dòng nước vẫn êm dịu vỗ về như đã chảy từ suối nguồn nào về từ nhiều năm trước, từ 6 năm trước, và chảy đến đêm nay.
“Aoyama mềm mại trong mỗi tế bào không khí có thật nhiều hương cỏ”.
Chuyến đi không dài không ngắn nhưng thể hiện tinh thần omotenashi của đội ngũ Menard Nhật Bản và Việt Nam. Tôi nghĩ sự chăm sóc đến từ trái tim đó thể hiện rõ nhất qua những bữa ăn. Họ muốn cho các vị khách quý trải nghiệm tối đa nhiều khía cạnh của ẩm thực Nhật. Từ những rá mì soba ngon thanh tao với vị kiều mạch và nước dùng ngọt lành, tiệc nướng yakiniku bên rượu sake nóng, những bữa ăn Nhật truyền thống mà mỗi món đều là một bức tranh đủ phong vị bốn mùa, bữa ăn phương Tây fine-dining với thịt bò Matsusaka và tầm nhìn xuống toàn cảnh Nagoya hoa lệ lấp lánh. Mỗi bữa ăn là một chăm chút gửi trao đối đãi bằng cả tấm lòng.
Mỗi cuộc đoàn tụ với những Tri kỷ Menard đều để lại trong tâm trí nhiều nỗi nhớ, tình yêu và niềm tin vào ngày hạnh ngộ.
Người Nhật có câu thành ngữ “Ichigo Ichie” (一期一会 – Nhất kỳ nhất hội) là lời gợi nhắc người ta sống chậm lại và trân quý từng khoảnh khắc trong cuộc đời, vì biết đâu lần gặp mặt này của bạn với một ai đó có thể cũng là lần cuối cùng được thấy nhau. Thế nhưng tôi không tin những cuộc hạnh ngộ giữa mình với Menard là thoáng qua hay chỉ đến một lần. Mà giữa chúng tôi sẽ còn những hành trình phía trước cùng nhau. Đi và trở về. Ta sẽ luôn trân trọng từng giây phút kề bên, mong manh như hoa ánh đào rơi hệt bông tuyết trắng nhưng đến mùa Xuân năm sau hoa sẽ nở và tri kỷ sẽ lại tái hợp. Ta biết mình luôn có nhau: năm ấy, bây giờ và ngày mai.
P.V / Thị Trường Giao Dịch