Chiều 25/11 tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai. Đây là dịp để Gia Lai giới thiệu những chương trình du lịch đặc sắc, chất lượng đến doanh nghiệp Hà Nội, qua đó kết nối, thu hút trao đổi khách 2 chiều.
Nhằm hiện thực nội dung ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai và TP.HCM, tăng cường khả năng liên kết, khai thác hiệu quả thị phần khách du lịch tiềm năng của TP.HCM và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Gia Lai gặp gỡ, giao lưu với doanh nghiệp TP.HCM, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai phối hợp cùng Sở Du lịch TP.HCM tổ chức “Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022 tại TP.HCM” với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp kinh doanh du lịch của 2 địa phương.
Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa mang nét đặc trưng của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được duy trì thường xuyên qua các năm như: Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Pleiku), “Lễ hội hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai); Ngày hội du lịch huyện Kbang (huyện Kbang)…
Gia Lai còn có sự phong phú đa dạng trong ẩm thực, như Phở Khô Gia Lai, bò một nắng, các món ăn đường phố… Du lịch Gia Lai luôn mang lại cho du khách cảm giác bình yên, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trong lành, trải nghiệm văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc, con người thân thiện.
Sau 02 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch gần như tê liệt, lượng khách du lịch và doanh thu du lịch của 2 năm (2020, 2021) chỉ mới sấp xỉ gần 40% của năm 2019.
Năm 2022 tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai ước đạt 950.000 lượt, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: khách quốc tế ước đạt 2.500 lượt, khách nội địa ước đạt 947.500 lượt; tổng thu du lịch ước đạt 600 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Đến nay, toàn tỉnh có 139 cơ sở lưu trú, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 32 khách sạn 1 sao, 91 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, công suất sử dụng phòng trên 30% trong 02 năm qua. Công ty lữ hành gồm 09 đơn vị, trong đó có 02 công ty lữ hành quốc tế và 07 công ty lữ hành.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng mong muốn thời gian tới doanh nghiệp du lịch TP.HCM và Gia Lai đẩy mạnh liên kết khai thác trao đổi khách 2 chiều. Đồng thời xây dựng tour, tuyến mới, qua đó góp phần tăng cường trao đổi khách, tăng lượng khách giữa 2 địa phương. “Mong rằng các doanh nghiệp Hà Nội sẽ đồng hành, kết nối thường xuyên với Gia Lai để khai thác nhiều điểm du lịch mới, hỗ trợ cho du lịch Gia Lai ngày một phát triển” – ông Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh.
Ông Lê Trương Hiền Hoà, Phó Giám đốc sở Du lịch TP.HCM chia sẻ: ” Là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và đã được Bộ Chính trị xác định là ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghị quyết số 08 tháng 01 năm 2017. Để du lịch phát triển tất yếu phải liên kết, không chỉ giữa các ngành, mà còn phải liên kết giữa các địa phương, các vùng miền với nhau. Thực tế cho thấy liên kết không chỉ tăng cường lợi thế so sánh các địa phương, vùng miền để hình thành sản phẩm du lịch mà còn hỗ trợ doanh nghiệp Du lịch các địa phương liên thông tour tuyến, đặc biệt đã phát huy hiệu quả cao trong quá trình mở cửa lại của Du lịch Việt Nam sau thời gian giãn cách vì Covid-19.
Phát huy kết quả đạt được từ chương trình khảo sát 03 tỉnh Tây Nguyên và Hội nghị “Bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên” năm 2022, trong thời gian qua, công tác trao đổi thông tin quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, việc liên kết giữa doanh nghiệp du lịch Gia Lai và TP.HCM đã có sự gắn kết hơn, tạo nên các chương trình du lịch mới, hấp dẫn, đặc trưng, góp phần quảng bá điểm đến của 02 địa phương.
Song song đó, trong thời gian tới, cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối các doanh nghiệp du lịch của Hiệp hội Du lịch TP.HCM và Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai trong công tác xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, xây dựng và phát triển những sản phẩm mới, những chương trình du lịch mới chưa thực sự nổi bật để mang đến hiệu quả thiết thực. Tôi cũng đề xuất Gia Lai cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực trong liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đưa khách đến địa phương.
Ngành du lịch TP.HCM vừa qua đã đạt được các giải thưởng quốc tế gồm: “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á” và “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” của Tổ chức Du lịch thế giới (WTA). Phát huy những thành quả đó, trong thời gian tới, nhằm kích cầu du lịch nội địa và quốc tế góp phần tăng trưởng ngành du lịch thành phố, cũng như quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa con người của Thành phố, ngành du lịch Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp cùng các quận, huyện xây dựng phát triển sản phẩm theo hướng mỗi quận, huyện có 01 sản phẩm đặc trưng. Đồng thời tập trung tổ chức chuỗi sự kiện du lịch – thể thao – âm nhạc trong Tuần lễ du lịch TP.HCM như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô, Ngày hội khinh khí cầu, Giải Marathon quốc tế TP.HCM,…
Với những hoạt động sôi nổi, đặc sắc trên, ngành Du lịch TP.HCM mong sẽ thu hút nhiều hơn du khách trong và ngoài nước đến với thành phố và các địa phương trong liên kết dịp cao điểm cuối năm và trong thời gian tới”.
Đức Quỳnh / Thị Trường Giao Dịch