Cách TP HCM khoảng 100 km, du lịch Tây Ninh đang là điểm đến hấp dẫn, có nhiều điều thú vị để khám phá, thích hợp cho chuyến trải nghiệm nhẹ nhàng vào dịp cuối tuần.
Du lịch Tây Ninh: Cẩm nang từ A đến Z
Phương tiện di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi Tây Ninh
Du khách có thể dễ dàng di chuyển tới Tây Ninh bằng xe buýt, xe khách hoặc phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, xe máy hoặc ôtô cá nhân sẽ thuận tiện hơn khi di chuyển đến các điểm thăm quan. Từ TP HCM, đi theo đường Quốc lộ 22 qua địa phận huyện Củ Chi (TP HCM), Trảng Bàng (Tây Ninh), tới vòng xoay đoạn ngã ba thị trấn Gò Dầu thì rẽ vào đường Quốc lộ 22B rồi thẳng tiến đến Tây Ninh.
Nếu muốn bắt xe khách từ TP HCM đến Tây Ninh, du khách có thể xuất phát từ bến xe An Sương ở huyện Hóc Môn rồi mua vé xe khách đi Tây Ninh của nhà xe Đồng Phước (028 3504 4999), giá vé chỉ khoảng 80.000 – 100.000 đồng/lượt. Còn với xe buýt, du khách tới bến xe chợ Bến Thành lên xe số 70-3 đi tới cuối bến là Mộc Bài, sau đó đi tiếp chuyến xe số 05 để đến bến xe Tây Ninh. Tổng chi phí cho hai tuyến này là 55.000 đồng.
Địa điểm lưu trú tại Tây Ninh
Khách sạn ở thành phố Tây Ninh thường tập trung nhiều ở khu vực gần núi Bà Đen trên các con đường Đại lộ 30/4, đường CMT8,… giá phòng dao động từ 100.000 đến 400.000 đồng một đêm. Ngoài ra, trải nghiệm cắm trại trên núi Bà Đen ngắm bình minh cũng là một trải nghiệm được nhiều bạn trẻ yêu thích du lịch bụi lựa chọn.
Đặc biệt, nếu muốn nghỉ dưỡng sang chảnh ở Tây Ninh thì không thể bỏ qua khách sạn Vinpearl Tây Ninh 5 sao. Tọa lạc tại điểm giao của 3 tuyến đường huyết mạch ngay trung tâm, khách sạn Vinpearl Tây Ninh đã trở thành “nóc nhà” mới của thành phố và mang đến vẻ đẹp khác biệt tại Tây Ninh.
Tái hiện hoàn hảo phong cách Châu Âu đặc trưng, không gian bên trong khách sạn Vinpearl Tây Ninh lấy màu trắng làm chủ đạo, kết hợp hài hòa cùng sắc vàng đồng và màu đen huyền bí. Ngay tại tiền sảnh sang trọng, lobby bar hiện đại, lý tưởng với những ly cocktail và thức uống mới mẻ… sẽ là điểm dừng chân gây mến thương cho du khách ngay khi bước vào khách sạn.
Khách sạn với phong cách hoàng gia châu Âu, được thiết kế cực kỳ hài hòa tinh xảo, kết hợp cùng nội thất được bài trí tỉ mỉ, tạo ra không gian nghỉ trọn vẹn cho du khách. Đồng thời, chuỗi dịch vụ tiện ích khép kín bên trong khách sạn mang đến sự hài lòng cho mỗi du khách.
Tại phòng nghỉ, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát trọn vẹn khung cảnh của thành phố biên giới Tây Ninh. Tầm nhìn trên cao đắt giá đưa du khách đến với một cảm quan trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.
Những điểm check-in không thể bỏ qua khi đến Tây Ninh
1. Núi Bà Đen
Núi Bà Đen nằm cách thành phố Tây Ninh khoảng 8km, được biết đến như là nóc nhà của vùng Nam Bộ, với đỉnh cao nhất là 986m, được hình thành bởi ba ngọn núi: núi Heo, núi Phụng, núi Bà Đen. Nhìn từ xa, ngọn núi như một chiếc nón lá khổng lồ đang nằm úp xuống đồng ruộng xanh tươi bao la. Khung cảnh nên thơ ấy cùng chiều cao của núi đã dần trở thành nguyên nhân chính mà nhiều người chọn leo núi Bà Đen như một cách để trải nghiệm những khoảnh khắc tuyệt đẹp với thiên nhiên trong chuyến du lịch Tây Ninh.
2. Hồ Đá Ma Thiên Lãnh
Hồ đá Ma Thiên Lãnh hay còn gọi là Thung Lũng Ma Thiên Lãnh nằm tiếp giáp giữa ba ngọn núi là núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, tỉnh Tây Ninh. Nơi này sở hữu khung cảnh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp được ví như “Đà Lạt của miền Đông Nam Bộ” và rất ít khách du lịch Tây Ninh biết đến.
3. Hồ Dầu Tiếng
Mặt hồ quanh năm xanh thẳm, yên ả, cỏ mọc thành thảm xanh mướt xung quanh hồ. Giữa lòng hồ mọc lên các ốc đảo tự nhiên lạ mắt, điểm xuyết thêm màu nâu sẫm của những chiếc thuyền độc mộc của người dân địa phương trôi lững lờ… Đến tham quan vào lúc bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm đẹp nhất để ngắm cảnh nơi đây, khiến tâm hồn bạn cảm thấy say đắm.
4. Tòa Thánh Tây Ninh
Du lịch Tây Ninh thì không thể không ghé qua Tòa Thánh, đây không chỉ là công trình mang ý nghĩa tâm linh mà còn sở hữu kiến trúc độc đáo. Hai hàng cột phía trong tòa được trạm trổ hình rồng với nhiều màu sắc rực rỡ. Nền tòa thánh có 9 cấp được gọi là “Cửu phẩm thần tiên”, mỗi cấp tương đương với một phẩm cấp. Ở giữa có quả cầu lớn tượng trưng cho vũ trụ với Thiên Nhãn nằm phía trước. Tòa Thánh Tây Ninh hàng năm vẫn đón hàng ngàn lượt du khách tới tham quan công trình cực kì độc đáo này.
5. Tháp Chóp Mạt
Tháp Chóp Mạt là công trình được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử- văn hóa, đồng thời là một trong ba công trình tháp cổ cuối cùng còn lại ở miền Nam nước ta. Toàn bộ tòa tháp được xây dừng bằng gạch và đá phiến với phần đỉnh tháp nhọn dần lên, từ mặt đất lên nơi cao nhất của đỉnh tháp được ước tính là 10m.
6. Khách sạn Vinpearl Tây Ninh
Ngay khi vừa mới ra mắt, khách sạn Vinpearl Hotel Tây Ninh đã ngay lập tức trở thành điểm đến “quyến rũ” nhất nơi đất thánh Tây Ninh. Lần đầu tiên, người dân và du khách đến với Tây Ninh được tiếp cận với không gian nghỉ dưỡng sang trọng, dịch vụ đẳng cấp cùng chuỗi tiện ích hàng đầu theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế.
8. Vườn nho rừng Tây Ninh
Tọa lạc tại địa chỉ 622 xã Phan, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, vườn nho rừng thuộc công ty sản xuất rượu vang Vang Cy được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Tây Ninh. Vườn nho rừng này mở cửa đón khách tham quan, cho thưởng thức nho và uống nước nho miễn phí.
Vườn nho rừng ở đây trái chín mọc thành chùm như nho thường, có màu đen sậm và chỉ nhỏ bằng quả cà phê. Chùm chín rất nhiều quả, nặng khoảng 2 kg. Người chủ dành một vườn rộng khoảng 8.000 m2 không thu hoạch trái để du khách đến tham quan miễn phí.
Đến với vườn nho rừng Tây Ninh, các bạn sẽ được tham quan miễn phí, chụp choẹt thoải mái với những chùm nho chín mọng, trĩu quả. Ngoài chụp hình với vườn nho, các bạn còn được thưởng thức nho rừng tại chỗ luôn nha. Lưu ý, nho rừng vị hơi chua, ăn nhiều đầu lưỡi sẽ bị tê nên các bạn ăn ít cho biết thôi nhé!
Hướng dẫn đường đi: Từ Sài Gòn các bạn có thể đi trục đường huyện Dương Minh Châu về hướng núi Bà Đen, đường DT784 đến cầu K13, rẽ sang DT781, đến trường tiểu học xã Phan, đi thêm khoảng 100m sẽ thấy bảng Cty Rượu Vang CY phía tay trái.
Các món đặc sản ở Tây Ninh không thể bỏ qua
Bánh canh Trảng Bàng
Nhắc đến thị trấn Trảng Bàng, trong lòng thực khách xa gần đều nghĩ đến món bánh canh gắn liền với nơi đây. Tô bánh canh đặc trưng với giò heo, huyết và những cọng hành xanh tươi, tuy đơn giản nhưng thực khách ngay lập tức bị cuốn hút khi thưởng thức qua. Khói của tô bánh canh bốc nghi ngút, lăn tăn mỡ hoa nóng bỏng khi húp thử. Bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của hành, vị cay của tiêu, vị ngọt của nước lèo xương hầm hay vị mềm của những lát thịt phía trên.
Bánh tráng phơi sương cuốn thịt
Được xem là món đặc sản của người dân Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương có quy trình chế biến công phu, cầu kỳ và tinh tế. Bánh phải được làm từ gạo ngon, không pha trộn. Khi xay gạo sẽ cho thêm một lượng muối để tạo vị mặn. Bánh đem đi tráng cũng có hai lớp, dày hơn so với các loại khác. Quy trình làm bánh đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, khi bánh chín sẽ được đem đi phơi nắng, nướng trên một cái lò đặc biệt đến khi bánh chuyển màu và tiếp đó được đem phơi sương trong khoảng thời gian nhất định.
Bánh tráng phơi sương thường ăn kèm với rau sống, thịt heo luộc và chấm với nước mắm pha chế công phu. Bánh tráng mềm dẻo với lát thịt tươi ngon hòa cùng nước chấm đậm đà, cùng vị chát, chua của các loại rau tạo nên món ăn tuyệt hảo đầy lôi cuốn.
Bánh tráng me
Từ bánh tráng phơi sương, người dân nơi đây sáng tạo thêm nhiều món đi kèm như bánh tráng trộn, bánh tráng nướng và đặc biệt có món bánh tráng me làm thành món đặc sản ăn vặt cuốn hút nhiều giới trẻ. Món ăn gồm một ít bánh tráng phơi sương, bịch mắm me, hành phi, đậu phộng, bột tôm rang và muối ớt được bỏ sẵn trong bịch.
Tùy theo sở thích thực khách có thể tùy nghi gia giảm các gói gia vị đi kèm để pha thành nước chấm đặc biệt. Gỡ các miếng bánh dẻo dai sẵn có, cuốn lại chấm với chén gia vị đặc biệt vừa pha chế và chậm rãi thưởng thức. Vị chua dịu của nước me, vị cay xé lưỡi của ớt, vị mặn của bánh tráng, vị thơm của tôm rang cùng vị béo giòn của đậu phộng tạo nên một hương vị đặc trưng, quyến rũ thơm ngon đến khó tả.
Ốc xu núi Bà
Có hình dạng gần giống ốc bươu nhưng có mình dẹt và nhỏ hơn, người dân nơi đây cho rằng ốc xu núi Bà không những ngon đặc trưng mà còn có tác dụng chưa nhức mỏi khá tốt. Ốc bắt về được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như nướng, hấp xả, xào me, xào tỏi… Thịt ốc có vị dai, giòn, vị ngọt thanh và có chút hương thuốc quý.
Để cảm nhận vị ngon đặc biệt của ốc, người dân địa phương khi bắt ốc núi về thường cho cơm dừa nạo nhuyễn vào rồi hấp với xả hay gừng và gia vị chấm đi kèm là muối tiêu chanh.
Thằn lằn núi Bà Đen
Được xem là “đệ nhất ẩm thực” ở xứ Tây Ninh, thằn lằn núi là món nhậu cuốn hút cánh mày râu. Món ăn này luôn được nhiều thực khách săn đón khi đến Tây Ninh.
Thằn lằn núi được chế biến thành nhiều món như băm nhỏ xào với tiêu xanh ăn kèm bánh tráng và lá lốt. Ngon nhất phải kể đến là thằn lằn núi chiên giòn ăn kèm xà lách, rau thơm và mắm me.
Muối tôm
Nhắc đến Tây Ninh không thể bỏ qua món muối tôm, đặc sản độc đáo của địa phương. Công dụng của muối chỉ dùng để chấm các loại trái cây như cóc, ổi xoài… nhưng lại cuốn hút rất nhiều thực khách. Du khách đến đây thường tìm mua hũ muối đem về để dành hoặc tặng bạn bè, người thân.
Nguyên liệu của món chấm đặc biệt này gồm: muối, tôm, thịt, tỏi, cải đỏ, ớt… Các nguyên liệu được tính toán tỉ mỉ theo liều lượng nhất định sau đó đem xay đều rồi rang qua lửa và phơi nắng cho muối dậy mùi thơm.
Nem bưởi
Nem bưởi là món ăn chơi phổ biến của người dân Tây Ninh. Nem bưởi có vị chua, mặn, ngọt, vị cay của ớt, tiêu và một hương thơm đặc trưng làm thành món nem lạ lẫm và đầy dư vị hấp dẫn.
Nguyên liệu chính của món ăn này là vỏ bưởi, đu đủ xanh bào nhuyễn phơi khô kết hợp các phụ liệu như khế chua, ớt hiểm, tiêu, lá chùm ruột, lá chuối… Nem chín có màu hồng hào, có độ dai vừa phải và phải hội tụ đủ các vị chua, mặn, ngọt, cay, thơm…tất cả tạo nên một hương vị đặc biệt quyến rũ nhiều thực khách.
Mang gì khi đi du lịch Tây Ninh
Bạn nên mặc quần áo gọn nhẹ, dễ vận động, mang áo khoác, mũ, kem chống nắng, kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc đau bụng (đề phòng khi thưởng thức các món lạ). Nên mang giày thể thao hay giày bệt để leo núi, và cầm theo bộ kim, chỉ, nút áo, kim băng đề phòng các trường hợp bất ngờ. Ngoài ra, nếu có dự định dã ngoại và qua đêm trên núi Bà Đen thì phải trang bị lều, áo ấm, thức ăn…
Tham khảo: Cẩm nang du lịch
Theo Ivivu.com